Báo Công An Đà Nẵng

Doanh nghiệp khốn khổ vì bị vu khống, bôi nhọ và quấy nhiễu

Thứ sáu, 19/08/2022 07:34
Đối tượng nhắn tin gây sức ép cho vợ chồng Tổng giám đốc công ty.

Liên tục bị quấy nhiễu

Thời gian gần đây Công ty Bê-tông Đăng Hải Đà Nẵng (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng) liên tục nhận nhiều cuộc gọi điện đến yêu cầu can thiệp giải quyết các khoản vay nợ cá nhân của một số nhân viên công ty, trong đó có cả những trường hợp đã nghỉ việc. Để đạt được mục đích, các đối tượng sử dụng cả trăm số điện thoại khác nhau liên tục quấy nhiễu, vô cớ gây sức ép buộc công ty phải có trách nhiệm trong việc này.

Đơn cử, trong ngày 8-8, tổng cộng có 65 cuộc gọi quấy nhiễu từ hàng chục số điện thoại khác nhau. Cụ thể, chị N.T.T.B (nhân viên Nhân sự của công ty Bê-tông Đăng Hải) liên tục nhận được các cuộc gọi từ số điện thoại 0379037508 (đầu dây bên kia cho biết là người của công ty DSP) yêu cầu anh Trương Giáo (người được cho là mắc nợ) liên hệ anh Quân, số điện thoại 0979814499 để trả nợ. Tương tự, cuối tháng 7-2022, số điện thoại 0773702898 liên tục gọi làm phiền và gửi tin nhắn tới hai vợ chồng Tổng giám đốc Công ty Bê-tông Đăng Hải Đà Nẵng yêu cầu anh Hồ Ngọc Hà trả nợ.

Đại diện Công ty Bê-tông Đăng Hải Đà Nẵng, cho biết: Các đối tượng không chỉ gọi điện quấy nhiễu mà còn nhắn tin đòi nợ, ghép ảnh, dựng chuyện bôi nhọ danh dự cán bộ nhân viên công ty và người thân trên mạng xã hội. Gần nhất, vào ngày 8 và 9-8, các đối tượng ghép hình Tổng giám đốc công ty và vợ nhân viên công ty; ghép hình cán bộ nhân sự và nhân viên công ty nhằm bôi nhọ, vu khống có mối quan hệ bất chính hoặc thông đồng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cũng theo đại diện Công ty, việc ghép ảnh, bôi nhọ, dựng chuyện cán bộ, nhân viên công ty trên mạng xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đáng nói, việc vu khống, làm nhục, quấy nhiễu đến doanh nghiệp, các cá nhân một cách công khai, trắng trợn không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đối với sự an toàn của doanh nghiệp, tổ chức, người lao động.

Đối tượng cắt ghép hình ảnh, vu khống, làm nhục cán bộ, nhân viên công ty.

Cần giải pháp từ gốc

Theo các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Đà Nẵng, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” là tiếp cận, quảng cáo cho vay thông qua các website, mạng xã hội (facebook, zalo), ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh. Sau đó, chúng thu thập toàn bộ ảnh, thông tin cá nhân người vay thông qua việc truy cập ứng dụng; áp dụng nhiều quy định biến tướng về lãi suất (thu phí dịch vụ cao, nhiều trường hợp lãi suất cộng dồn lên đến 2.000%/năm). Khi cần đòi nợ, chúng sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người vay để đe dọa, cắt ghép hình ảnh xúc phạm, bôi nhọ, đăng lên mạng xã hội, ném chất bẩn, chất thải, đặt vòng hoa, phun sơn… khủng bố tinh thần người vay và gia đình, đồng nghiệp, hàng xóm của người vay.

Điều đáng nói, các đối tượng này thường sử dụng sim rác, tài khoản ngân hàng không chính chủ, giả mạo địa chỉ đăng nhập Internet ở nước ngoài… để hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ theo hình thức quấy nhiễu, vu khống, khủng bố tinh thần. Trong khi đó, việc lộ lọt thông tin cá nhân trên mạng xã hội, sự phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của các ngân hàng, nhà mạng viễn thông với cơ quan Công an chưa kịp thời, đầy đủ. Điều này dẫn tới việc đấu tranh với loại hình tội phạm này gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo Công an TP Đà Nẵng, để giải quyết thực trạng người dân, doanh nghiệp liên đới bị quấy nhiễu, vu khống, làm nhục trên không gian mạng xuất phát từ hoạt động “tín dụng đen” cần các giải pháp từ gốc. Trong đó, trước tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến với quy trình, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay hợp pháp khi có nhu cầu. Kế tiếp, có chế tài để các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông ngăn chặn việc đăng ký, mở bán tràn lan sim rác và tăng cường thu hồi; rà soát, ngăn chặn các website, các từ khóa trên mạng có liên quan đến loại tội phạm này. Ngoài ra, người dân cũng cần cảnh giác tránh sập bẫy “tín dụng đen” trên mạng, lưu ý tránh để lộ lọt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội.

Thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng đã triệt phá nhiều vụ “tín dụng đen” cũng như các vụ mua bán thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trên không gian mạng. Tuy vậy, hoạt động của loại tội phạm này vẫn phức tạp, đòi hỏi người dân cần tiếp cận thông tin khuyến cáo từ công an, nâng cao nhận thức để cảnh giác, tránh sập bẫy “tín dụng đen”, các hành vi lừa đảo mà đối tượng giăng ra trên mạng xã hội.

HẢI QUỲNH