Báo Công An Đà Nẵng

Doanh nghiệp Quảng Nam “than” khó tiếp cận đất đai, vốn và chính sách thuế

Thứ năm, 05/07/2018 10:06

Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Quảng Nam xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đây là thứ hạng cao nhất của Quảng Nam từ trước đến nay.

Đại diện một DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc tại buổi đối thoại.

Để tạo ra được năng lực cạnh tranh đó, chính quyền tỉnh Quảng Nam rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm phục vụ và hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Tuy nhiên, bên cạnh một số mặt tích cực thì môi trường đầu tư kinh doanh tại Quảng Nam vẫn còn một số tồn tại, bất cập khiến DN gặp khó, nhất là về vấn đề đất đai (giao đất, cho thuê đất...), tiếp cận vốn vay, chính sách thuế.

Nhiều DN cho rằng, việc thực hiện các thủ tục về đất cho nhà đầu tư, DN như: giao đất, cho thuê đất, giải quyết giá thuê đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ... vẫn chưa được các ngành và địa phương giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư  và tiến độ thực hiện dự án của DN.

Đơn cử, Dự án Khu dân cư Tái định cư Tam Thăng (giai đoạn 2) đã được Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai lập hồ sơ trình Sở Xây dụng từ cuối tháng 4-2018 để xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Do đó, công ty chưa thể thực hiện các thủ tục tiếp theo nhằm đầu tư tạo quỹ đất bố trí tái định cư. Hay như dự án Khu Resort & Spa Marriott Hội An Việt Nam của Công ty CP Khu du lịch và khách sạn Phát Đạt triển khai từ năm 2016, trong quá trình thi công san lấp mặt bằng thì gặp sự phản đối của người dân do đất chưa được đền bù. Đến nay, dự án này vẫn chưa triển khai thi công được vì còn một số hộ dân cắm mốc, phân ranh đất trong dự án.

Về tiếp cận vốn vay, một số DN cho rằng khó tiếp cận vốn vay của các ngân hàng thương mại là do lãi suất không ổn định và cao hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước và các điều kiện thế chấp tài sản lớn. Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Quỹ đầu tư tỉnh Quảng Nam rất khó dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ mở rộng dự án đầu tư kinh doanh. Các DN kiến nghị ngân hàng chưa đẩy mạnh và tạo điều kiện vay vốn cho DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đối  với việc thực thi các chính sách về thuế trong thời gian qua tại địa bàn Quảng Nam, các DN cho rằng vẫn còn gặp khó khăn khi đăng ký thuế thu nhập DN đối với các dự án đầu tư mở rộng, thời gian giải quyết hoàn thuế cho DN vẫn bị kéo dài, chậm xử lý từ cơ quan thuế...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân, những khó khăn, vướng mắc mà các DN gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh là có cơ sở. “Lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành, đơn vị, địa phương sẽ lắng nghe ý kiến, kiến nghị của DN và tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, cùng hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững”.

Tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với hơn 200 DN diễn ra ngày 3-7, các DN gửi đến 21 kiến nghị và 14 ý kiến, kiến nghị của đại diện các DN được phản ánh trực tiếp  tại buổi đối thoại lần này. Hầu hết các ý kiến tập trung đến cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ DN phát triển của tỉnh, về môi trường đầu tư kinh doanh cũng như các khó khăn, vướng mắc của DN cần được các cấp chính quyền, ngành chức năng đồng hành tháo gỡ...

Trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại diện các DN, đại diện các sở, ngành, địa phương, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Nam đã trả lời, giải trình làm rõ các ý kiến nêu ra. Nhìn chung, các ý kiến từ phía chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Nam tập trung làm rõ nhiều vấn đề, trong đó tập trung các nội dung lớn, chủ yếu mà các DN quan tâm như: Tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn, chính sách thuế, vấn đề về cấp điện, nước; xử lý ô nhiễm môi trường, cải cách thủ tục hành chính và một số vấn đề khác có liên quan đến hoạt động của DN...

Với tinh thần “Đồng hành cùng DN để phát triển”, tại buổi đối thoại, đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cam kết chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, cho nhà đầu tư, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, DN triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, hỗ trợ các chương trình vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đối thoại giữa các cơ quan và DN  theo nhóm ngành, địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN...

QUANG PHÚC

Đại diện một DN phản ánh những khó khăn, vướng mắc tại buổi đối thoại.

Hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có hơn 6.100 DN hoạt động cơ bản ổn định, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Hằng năm, các DN đã đóng góp vào ngân sách của tỉnh hàng chục tỷ đồng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh Quảng Nam với hơn 700 DN đăng ký thành lập mới, 32 dự án đầu tư trong nước được cấp phép có tổng vốn đăng ký hơn 1.447 tỷ đồng, gần 67,7 triệu USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại 16 dự án cấp mới.