Báo Công An Đà Nẵng

Doanh nghiệp xoay xở thế nào khi F0 tăng nhanh?

Thứ sáu, 18/03/2022 10:17

Số công nhân tại các xí nghiệp, nhà máy mắc COVID-19 liên tục tăng trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Đà Nẵng “đau đầu”.

Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang nỗ lực xoay xở để duy trì sản xuất khi nhiều công nhân mắc COVID-19.

Thời gian qua, trung bình mỗi ngày, Đà Nẵng ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19. Trong số đó, nhiều F0 là công nhân tại các khu công nghiệp. Số ca nhiễm liên tục tăng, các doanh nghiệp vừa lo hạn chế lây nhiễm chéo trong cơ sở sản xuất, xí nghiệp; vừa lo thiếu hụt nguồn nhân lực. Qua tìm hiểu, đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đều ghi nhận công nhân xin nghỉ việc do mắc COVID-19 hoặc có người sống cùng nhà mắc nhiễm bệnh.

Là công ty chuyên chế biến và xuất khẩu thủy sản, hiện, số trường hợp công nhân là F0 hoặc gia đình có F0 ở Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (quận Sơn Trà) luôn chiếm khoảng 15-20% trong tổng số hơn 2.600 công nhân. Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước, hầu như bộ phận nào tại công ty, từ quản lý, văn phòng đến các nhà xưởng đều ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Việc luôn có từ 15-20% công nhân phải nghỉ việc đều đặn khiến công ty gặp khó trong việc đảm bảo tiến độ sản xuất. Việc tuyển dụng nhân sự thời vụ cũng không dễ như trước đây khi lực lượng lao động từ các địa phương khác chưa mặn mà trở lại. “Thời điểm trước dịch, việc tuyển thêm công nhân thời vụ không quá khó khăn bởi lực lượng lao động từ các tỉnh, thành về Đà Nẵng kiếm việc khá đông. Dịch bệnh khiến lao động “ngại” ra thành phố tìm việc. Số lượng công nhân thời vụ giảm còn 1 nửa so với trước đây”, ông Lĩnh cho hay.

Từ sau Tết đến nay, Công ty Cổ phần Dệt May 29/3 cũng liên tục xuất hiện nhiều ca F0 mỗi ngày. Ông Trần Xuân Hòe - Phó Tổng Giám đốc Công ty cho hay, mỗi băng chuyền có khoảng 30 công nhân thì ghi nhận khoảng 3 F0. “Công nhân mắc COVID-19 phải nghỉ làm từ 5 - 7 ngày, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến dây chuyền sản xuất cũng như tiến độ sản xuất. Tuy nhiên, trong bối cảnh “sống chung” với dịch bệnh hiện nay, các đối tác cũng thông cảm khi việc xuất hàng trễ 1 - 2 ngày vì nguyên nhân dịch bệnh”, ông Hòe nói.

Từ khi chuyển sang trạng thái “sống chung” với dịch, các doanh nghiệp, công ty cũng chuẩn bị các phương án để thích nghi với việc số ca nhiễm liên tục tăng trong xí nghiệp, phân xưởng. “Công nhân đã được tiêm đầy đủ các mũi vaccine, đồng thời, cũng có thuốc đặc trị COVID-19 nên các trường hợp diễn tiến nặng giảm hẳn. Khi phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, công nhân sẽ báo lên quản lý và nghỉ làm, khi âm tính sẽ đi làm trở lại. Những người làm cùng dây chuyền vẫn làm việc bình thường chứ không như trước đây một F0 thì cả chuyền phải tự cách ly”, ông Hòe cho biết.

Cùng quan điểm trên, ông Lĩnh cũng cho rằng, việc các trường hợp F0 tăng nhanh là điều không thể tránh khỏi khi chấp nhận “sống chung” với dịch. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại thủy sản Thuận Phước, việc có 2/3 công nhân được làm việc tại các phân xưởng vẫn tốt hơn nhiều so với những thời điểm phải đóng cửa hoặc chỉ duy trì sản xuất với 30 – 50% công nhân trong điều kiện ngặt nghèo. “Hơn 2 năm dịch bệnh liên tục, việc đình trệ sản xuất, đình trệ giao hàng cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp. Nhiều đơn hàng từ năm ngoái đến giờ vẫn chưa giao xong, tuy nhiên, chỉ cần duy trì hoạt động sản xuất, những khó khăn khác đều có thể khắc phục được”, ông Lĩnh chia sẻ.

Theo ông Trần Văn Tỵ - Phó trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thiếu khoảng 20% lao động do công nhân phải nghỉ việc điều trị COVID-19, việc này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của đa phần các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc xử trí khi phát hiện F0 là công nhân đã đơn giản và thuận tiện hơn nhiều. “Công nhân đang trong độ tuổi lao động nên sức khoẻ tốt, chỉ cần nghỉ ngơi từ 3-7 ngày là có thể đi trở lại. Việc thiếu hụt lao động cục bộ, các doanh nghiệp có thể điều phối bằng cách tăng ca, tuyển thêm lao động thời vụ”, ông Tỵ cho hay.

Hiện, vấn đề được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Các khu công nghiệp Đà Nẵng quan tâm nhất đó là điều trị hậu COVID-19 cho công nhân đã bị nhiễm bệnh. “Người lao động giảm sút về sức khoẻ, có các bệnh về tâm lý, stress, mất ngủ… hậu COVID-19. Chúng tôi đang phối hợp với Bệnh viện 199 tổ chức các buổi tư vấn cho những công nhân từng là F0, để hướng dẫn họ cách xử lý, hồi phục hậu COVID-19”, ông Tỵ nói.

T.D