Báo Công An Đà Nẵng

Đọc "12 truyện ngắn Thanh Quế"

Thứ bảy, 23/03/2024 15:09
Ký họa chân dung nhà văn Thanh Quế.

Trong tác phẩm này, phần lớn được viết trong những năm đầu sau ngày thống nhất đất nước. Với tư cách người trong cuộc, tác giả đã tái hiện cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng anh dũng hào hùng của quân và dân trên những vùng đất ông đã sống và đi qua. Theo nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình ghi ở lời tựa: "Nét nổi bật dễ nhận trong truyện ngắn Thanh Quế là giàu chất thơ và tải chở, giãi bày được những hiện thực bị khuất lấp trong đời sống, đặc biệt đời sống những năm chiến tranh ở một vùng quê nổi tiếng là gian khổ, ác liệt, nhưng trung kiên - vùng quê khu V. Truyện ngắn Thanh Quế chủ yếu viết về chiến tranh, nhưng ở đây tiếng súng dường như rất thưa. Ấy không phải là những trang "tả trận", những dòng "mang đậm hơi thở của chiến trường" với những trận đánh, bom rơi, đạn lạc và khói lửa bời bời nhưng lại lột tả được tinh thần quật khởi, ý chí quyết chiến quyết thắng cũng như sự hy sinh cao cả của những người dân".

"Mùa mưa" - truyện ngắn mở đầu tập sách, là truyện ngắn khá đặc trưng của Thanh Quế như nhận định nêu trên. Truyện kể về chuyến công tác của tác giả cùng Phê, người bạn nhân viên điện đài trên đất Gia Lai. Từ trong cánh rừng lao xao mưa gió, lạnh lẽo đói khát ấy, bỗng hiện ra một chú bé khoảng mười ba tuổi. Chuyện trò mới biết chú bé là người ở buôn, người lớn đi làm dân công hết, tụi nhỏ đi nộp đảm phụ. Bản thân chú bé cha chết khi đi tải đạn đường 19. Mẹ đang chờ ở nhà, bệnh ho có máu. Vậy mà gặp cảnh bộ đội đang bị kẹt trong mưa lũ, chú đã tìm cách băng rừng tìm thức ăn về cứu giúp…Xong việc, chú bé ra đi không hề để lại một cái tên, mà sau khi biến mất, tác giả nhìn theo chỉ còn thấy một màu xanh bạt ngàn lao xao, đang nói lên những tiếng nói của rừng. Một câu chuyện chiến tranh đầy gian khổ, khốc liệt… nhưng không hề nghe tiếng súng và da diết làm sao!

Ở những truyện ngắn "Trong lòng hồ", "Hai chị em", "La Hai", "Người khách lạ"… là những chuyện kể vốn có không gian thời hậu chiến, nhưng vẫn mang đậm ký ức của tác giả về những năm tháng mà ông đồng hành cùng đồng đội trải qua những thăng trầm của đất nước, về những con người bình thường, vô danh, khuất lấp trong đời sống… với những nuối tiếc xót xa, nhưng đầy bao dung, như là một cái cớ để tri ân những người và việc đã bị đời sống hiện tại lãng quên.

Bìa tập sách "12 truyện ngắn Thanh Quế".

Đáng chú ý, ở 12 truyện ngắn Thanh Quế lần này, cũng theo nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình: "Không phải ngẫu nhiên mà nhân vật trong các truyện của anh đa phần là phụ nữ. Phụ nữ trong chiến tranh xưa nay bao giờ cũng là những người chịu đựng hy sinh nhiều nhất. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã phát hiện ra điều này, và với Thanh Quế dường như anh cũng muốn nói điều này bằng hình tượng nghệ thuât…". Đó là người phụ nữ trong các truyện ngắn: Dì Út, La Hai, Mai, Bà mẹ vui tính. Một lần và mãi mãi… Nhưng có lẽ đặc sắc hơn cả là nhân vật nữ tên Mai, trong câu chuyện người cha già đi tìm hài cốt đứa con gái đã hy sinh và thất lạc trong chiến tranh. Câu chuyện dẫn dắt người cha đi hết nơi này sang nơi khác, lúc nào ông cũng cảm run lên tưởng tay sắp chạm mồ con. Thế nhưng, suốt hành trình tìm kiếm của người cha, có rất nhiều người con gái tên Mai, có rất nhiều người con gái đã hy sinh hoàn cảnh cũng giống con ông. Cho đến khi, đứng trước ngôi mộ cuối cùng ông run run xé bó nhang, rút ba cây châm lửa, thì ông bỗng lại thấy một tấm bia gần đó ghi: "Liệt sĩ Trần thị Mai". Vậy là ông vội vàng đốt cả bó nhang, lần lượt cắm lên tất cả các ngôi mộ chung quanh… "Mai" là một trong những truyện ngắn độc đáo của Thanh Quế được chuyển ngữ sang tiếng Anh, Nga, Pháp và in ở nước ngoài (cùng với Dì Út, Bà mẹ vui tính).

Nhà nghiên cứu Phạm Phú Phong khẳng định, vị trí văn học của Thanh Quế trong bức tranh văn học viết được xác lập vừa bởi khối lượng tác phẩm, vừa bởi hành trình ông tạo dựng được một phong cách riêng, đủ để khu biệt văn ông với những bạn văn cùng thời và thế hệ sau này. Truyện ngắn của ông thường không có độ dày về sự kiện, nhân vật mà chỉ là một lát cắt, có khi rất nhỏ trong cuộc đời một con người. Ông quan tâm đến việc thể hiện bi kịch của nhân vật, những trái ngang của cuộc đời hơn là trần thuật và miêu tả chi tiết diễn biến các sự kiện, nội tâm của nhân vật. Ông có biệt tài tạo nên độ sâu của suy ngẫm, sự lắng đọng của cảm xúc. Bởi lẽ, trước khi đến với văn xuôi, ông là nhà thơ. Truyện của ông là truyện của một nhà thơ.

Và cụ thể hơn cả, ở "12 truyện ngắn Thanh Quế", phần lớn nội dung mỗi truyện cấu trúc đơn giản, không nặng kịch tính rối rắm, nhưng thường vọng lên những âm hưởng ngân nga đầy rung động bởi các yếu tố lãng mạn, trữ tình… Phải chăng chính vì điều đó, tác phẩm của Thanh Quế đã trở thành một sinh thể nghệ thuật có sức sống lâu bền, đọng lại trong tâm tưởng người đọc của nhiều thế hệ.

Trần Trung Sáng