Báo Công An Đà Nẵng

Độc đáo công viên đất nung đầu tiên tại Việt Nam

Thứ hai, 04/05/2015 10:35

(Cadn.com.vn) - Công viên đất nung Thanh Hà được khánh thành tại làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) ngày 30-4 vừa qua được xem là công viên làm hoàn toàn bằng chất liệu đất nung đầu tiên ra đời tại Việt Nam. Đây không chỉ là nơi lưu dấu quá trình phát triển làng gốm Thanh Hà hơn 500 năm qua mà xa hơn thế,  giúp gắn kết văn hóa giữa các vùng miền, hội tụ những tinh hoa trong tiến trình hình thành và phát triển của nền văn hóa Sa Huỳnh. Điều đặc biệt, không chỉ là nơi trưng bày những giá trị văn hóa truyền thống, công viên đã mở rộng quy mô và khoảng cách địa lý đến những miền văn hóa khác nhau trên thế giới. Cuộc thăng hoa của đất đã được khơi dậy mạnh mẽ.

Những công trình thu nhỏ được tạo nên từ chất liệu gốm.

Đến với công viên đất nung Thanh Hà, chúng ta như được đắm mình vào không gian mộc mạc đơn sơ đậm chất làng quê Việt qua những lũy tre làng yên ả. Nhưng không chỉ có vậy, những “kiến trúc sư” của làng gốm còn vươn mình ra khỏi lũy tre làng để đến với những nền văn minh khác nhau trên thế giới. Vẫn bằng thứ đất sét mộc mạc ấy những công trình tầm cỡ thế giới như Kim Tự Tháp, Tượng nữ thần tự do, vườn treo Babylon đã được tạo nên bằng những mô hình thu nhỏ. Du khách đến đây vừa được thưởng thức không gian ấm áp của làng quê Việt nhưng vẫn được chiêm ngưỡng bóng dáng những công trình hiện đại mang tầm vóc thế kỷ.

Bà Nguyễn Thị Được (nghệ nhân gốm cao tuổi nhất làng) đang chuốt một chiếc bùng binh.

“Đất và nước là hai yếu tố tiên quyết của đời sống con người cũng là nguồn cội của vạn vật. Sự hòa quyện giữa 2 yếu tố này đã cho ra đời những sản phẩm gốm vừa đẹp mắt vừa hữu dụng trong cuộc sống con người. Mặc dù chưa có bất kỳ tài liệu nào khẳng định làng gốm này là một phần trong quá trình hình thành nên nền văn hóa Sa Huỳnh, tuy nhiên chúng ta cũng đủ thấy rõ tầm quan trọng của nó trong đời sống, sự phát triển con người và xã hội. Công viên đất nung ra đời đã mang sứ mệnh truyền tải thông điệp đó”, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình (một trong những người gắn bó với công trình) chia sẻ.

Toàn khu công viên được chia làm 3 khu chính với một ý tưởng thống nhất là chiếc bàn chuốt. Mọi sinh hoạt của làng nghề đều được xoay quanh chiếc bàn gỗ này. Nó tượng trưng cho sự luân chuyển không ngừng của thời gian đồng thời cũng làm nên kết cấu của cả làng nghề. Đất và nước hòa quyện vào nhau rồi hun đúc qua nhiều lần lửa để tạo nên sản phẩm. Hai khu nhà đất nung tượng trưng cho lò úp và lò ngửa thể hiện sự chuyển giao vật chất và tinh thần ấy. Nhìn vào không gian kiến trúc của công viên rất dễ nhận thấy sự phối hợp hài hòa giữa hiện đại và dân gian.

Đó là tòa nhà có mô hình như một tòa lâu đài, những ngóc ngách rất nghệ thuật được bài trí với sự đầu tư ý tưởng cao. Hiện nay, công viên đất nung này có thể được xem là nơi trưng bày gốm có quy mô lớn nhất nước với sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã. Không dùng bất kỳ chất liệu để tạo màu nào sản phẩm gốm nơi đây được nặn bằng chính đất sét ven bờ sông Thu Bồn và tạo màu bằng ngọn lửa lò. So với những làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Vĩnh Long thì nơi đây có điều kiện thuận lợi để vừa phát triển du lịch vừa phát triển làng nghề nằm trong định hướng phát triển du lịch chung của Hội An.

Ông Trần Đình Châu (Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa Hội An) cho rằng: “Việc ra đời của một công viên văn hóa chung cho tất cả mọi người, nơi chúng ta có thể tìm lại những dấu ấn đặc trưng của một làng nghề sẽ là bước đệm cho sự phát triển lâu dài, bài bản. Hơn thế nữa, với một hình thức trưng bày mới mẻ sẽ thu hút thị hiếu của giới trẻ. Đó là điều làng gốm Thanh Hà đang cần”.

Những công trình thu nhỏ được tạo nên từ chất liệu gốm.

Được biết, trong thời gian đến, công viên đất nung Thanh Hà không chỉ là một địa điểm tham quan du lịch mà còn là nơi để du khách thử tài làm gốm của mình. Hy vọng mô hình du lịch đầy mới mẻ này sẽ góp phần vực dậy nghề gốm Thanh Hà là một nét đẹp truyền thống lâu đời gắn liền với phố cổ Hội An.

Hà Dung