Báo Công An Đà Nẵng

Độc đáo làng cổ Lộc Yên

Thứ tư, 03/04/2019 10:06

Thôn Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh, H.Tiên Phước (Quảng Nam) tọa lạc trong một thung lũng đẹp, được bao bọc bởi sông, suối, núi như sông Đá Giăng, suối An Sơn, đồi Đá Ràn Dàn, núi Bà Bướm, núi Bàn Mây, núi Rừng Cấm, núi Hố Chò, Vườn Mồ, Dương Phối... Con đường duy nhất dẫn vào làng quanh co giữa thung lũng, hai bên là ruộng lúa vây quanh. Lối đi giữa thung lũng chia đôi làng thành hai xóm, bà con địa phương thường gọi là xóm Gò Tròn, bên phải là xóm Hòn Ngang.

Nơi đây, ta thấy những hình ảnh thiên nhiên rất giản dị, gần gũi, thân thiết rất đặc trưng của làng quê xứ Quảng, đó là những nhà rường cổ trầm mặc giữa lưng chừng đồi núi ẩn mình trong những vườn cây xanh mướt, những hàng cau  cao vút, những khu vườn được phân tầng bậc bằng các bờ đá thẳng tắp; những con ngõ được xếp bằng đá rất đều; giếng nước đào trong veo; những bờ mương róc rách nước đổ xuống những cánh đồng bậc thang thật mượt mà theo 4 mùa không hề ngưng chảy. Nơi đây còn có phong tục, tập quán, lối sống thuần Việt, phong cách ứng xử thôn dã thật thà, thơm thảo và đôn hậu của người dân... đã làm nên một không gian văn hóa làng đặc sắc! 

Hàng rào và ngõ đá ở làng cổ Lộc Yên.

Không chỉ có văn hóa đá mà quần thể những ngôi nhà cổ và cả một không gian: nhà-ngõ-vườn-ruộng-đồi núi-sông-suối gắn bó một cách hết sức hài hòa, thân thiện, tạo cho Lộc Yên một vẻ đẹp đặc trưng. Đến Lộc Yên ta tận mắt chiêm ngưỡng sự khéo léo trong không gian của những lợi thế địa lý tạo cho bức tranh tổng thể đầy màu sắc. Người xưa có câu "an cư mới lạc nghiệp" có lẽ vì thế mà những bậc tiền nhân-những người có công khai phá vùng đất này đã chọn cho mình những vị thế "đắc địa" để dựng nhà. Xét về hình thế núi hay phương hướng mới thấy những cư dân đầu tiên ở Lộc Yên quả là bình dị nhưng rất thâm ý! Vì vậy khi dựng nhà, người Lộc Yên đã bạt những quả đồi hai bên tả và hữu của làng để dựng nhà và vị trí "đắc địa" đó chính là lưng chừng đồi. Đây là vị thế nhiều nhà nghiên cứu khi đến với Lộc Yên đã thán phục thâm ý của các bậc tiền nhân. Cùng với địa lý tự nhiên mang nhiều đặc điểm ưu việt đó người dân Lộc Yên đã biết tận dụng và tạo một mặt bằng sinh hoạt khá lý tưởng và độc đáo khó nơi nào có thể sánh được.

Đặc biệt, năm 1950, Lộc Yên là nơi đặt Công binh xưởng  QB 150, chế tạo vũ khí đạn dược phục vụ chiến thường Khu V trong kháng chiến chống Pháp và tiếp tục những năm chống Mỹ, trở thành vùng căn cứ cách mạng. Từ Khu căn cứ này, nhân dân trong thôn có truyền thống đoàn kết, gắn bó nếp sống thân thiện, một lòng chiến đấu bảo vệ làng, bảo vệ quê hương, tạo nên lễ hội dân làng như vây Cọp, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng chống lại sức mạnh thiên nhiên, bảo vệ bình yên làng quê... Ở thôn Lộc Yên còn có một ngôi nhà cổ rất ấn tượng với khách tham quan. Đây là ngôi nhà của ông Nguyễn Đình Hoan, xây năm 1850, thời cụ cố Nguyễn Đình Hoằng giữ chức Cửu phẩm Bá hộ, nay đã qua 5 đời. Nhà xây trong 3 năm, sườn toàn bằng gỗ mít do nghệ nhân phường Vân Hà phủ Tam Kỳ, Quảng Nam (nay là H.Phú Ninh, Quảng Nam). Ngôi nhà có diện tích 100 m2, gồm 36 cột lớn nhỏ, 16 cột lớn vừa người ôm. Toàn ngôi nhà không dùng đinh, nhưng vững chắc qua gần 200 năm.

 Khách tham quan ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên .

 Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho H. Tiên Phước thực hiện Đề án "Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025" (gọi tắt là Đề án 548). Theo đó, Tiên Phước chọn làng cổ Lộc Yên là vùng lõi để làm điểm triển khai Đề án 548, phát triển du lịch sinh thái.

Tường Huy