Báo Công An Đà Nẵng

Độc đáo lễ cúng cầu mưa ở Plei Rbai

Thứ năm, 03/05/2018 17:00

Tháng 4, những đợt nóng hầm hập oi bức cũng là lúc báo hiệu những cơn mưa đầu mùa cho vụ mùa mới ở vùng đất thung lũng chảy dọc theo con sông Ayun ở huyện Phú Thiện (Gia Lai). Đây cũng là lúc người dân Plei Rbai tổ chức nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống cộng đồng: Lễ cúng cầu mưa.

Thầy cúng Ksor Lol cùng phụ tá thực hiện Lễ cúng cầu mưa tại Plei Rbai.

Plei (làng) Rbai (xã Ia Piar, H. Phú Thiện) sáng nay bỗng chốc nhộn nhịp hẳn lên, dân làng không ai bảo ai cùng kéo nhau về căn nhà của thầy cúng Ksor Lol. Thanh niên, phụ nữ mỗi người mỗi việc. Người kéo đến càng đông thì những ghè rượu đặt dưới chân nhà sàn càng chen kín hơn, bởi mỗi hộ đều góp vào một ghè rượu cho buổi cúng quan trọng trong năm của cộng đồng dân làng: Lễ cúng cầu mưa. Nay Khuôn, thôn trưởng Plei Rbai chạy tới chạy lui thúc giục mọi người chuẩn bị cho buổi lễ diễn ra chu đáo. Bởi lần này Lễ cúng cầu mưa không chỉ gói gọn trong làng mà còn là dịp đầu tiên giới thiệu đến du khách gần xa về một phong tục quan trọng của người Jrai khi mới đây UBND H. Phú Thiện đã đưa lễ cúng cầu mưa ở làng thành địa chỉ du lịch của huyện. Đặc biệt, dưới chân nhà sàn của thầy cúng-nơi diễn ra buổi lễ, tuyệt đối không một bóng dáng đứa trẻ con nào dám bén mảng lại gần và không một ai dám to tiếng. Tuy nhiên, cứ mỗi người mỗi việc không phải vội vàng bởi nghi thức chính diễn ra vào đúng khi mặt trời đứng bóng.

Nay Khuôn cho biết: "Mỗi việc đều được bà con dân làng chung tay làm cả và đây là buổi cúng cuối cùng trong các nghi thức cúng cầu mưa của bà con dân làng diễn ra trong suốt tháng 4. Ngày 12-4, dân làng cúng trong làng để xua đuổi tà ma, ngày 17-4 tổ chức cúng bến nước bên dòng sông Ayun, ngày 24 đến 27-4 cúng tại làng "tổng dọn vệ sinh" và đến ngày 30-4, nghi thức cúng cầu mưa chính thức diễn ra". Theo phong tục, bà con dân làng góp mỗi hộ một ghè rượu để làm lễ vật dâng lên các Yang (thần linh), mỗi người 2 lon gạo và 30.000 đồng mua mắm, muối phục vụ cho buổi cúng. Tất cả các lễ vật cúng khác như, gà, heo đều của người trong làng, tuyệt đối không mua bên ngoài.

Lễ cầu mưa trong suốt văn hóa lịch sử người Gia Rai được xem là một trong những nghi thức quan trọng gắn liền với những đời Vua lửa (Pơtao Apuih) ở vùng đất Tây Nguyên này. Người Gia Rai không chỉ quan niệm vạn vật hữu linh mà bao đời nay nguồn nước trở thành quý báu hơn cả, bởi Tây Nguyên có những năm vào mùa khô hạn hán khiến người dân điêu đứng. Việc mong những cơn mưa đổ xuống trở thành niềm khao khát. Và bao đời vị Vua Lửa ở vùng đất H. Phú Thiện này đã trở thành huyền bí, đầy quyền năng khi có thể... hô mưa, gọi gió. Đó cũng là tín ngưỡng văn hóa độc đáo của người Gia Rai và đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận "Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apuih là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia". Thế nhưng, ông Siu Luynh - vị Vua Lửa cuối cùng của vùng đất này đã về với thế giới Atâu (người chết) nhiều năm nay và Lễ cầu mưa do Pơtao Apuih đứng ra cúng cũng không còn. May mắn, ở làng Rbai - có quan hệ gần gũi với Vua Lửa còn giữ được những cách thức, nghi lễ của lễ cúng này.

Hàng trăm ghè rượu bà con dân làng mang tới dâng lên Yang cầu cho vụ mùa bội thu, dân làng khỏe mạnh.

Khi mặt trời chính ngọ, thầy cúng Ksor Lol bước ra cùng 2 phụ tá, ngọn nến được cuốn từ sáp ong rừng được thắp lên. Thầy Ksor Lol cắt từng miếng thịt nhỏ đặt lên một giàn tre dựng sẵn tượng trưng mời các Yang về ngự. Phía sau, người phụ tá đứng bưng những vật phẩm khác. 8 ché rượu bằng đất nung được bày riêng tượng trưng cho 8 người lập làng đầu tiên để dâng lên các Yang. Quay người về hướng mặt trời mọc, thầy cúng Ksor Lol lầm rầm khấn. Hòa quyện với lời khấn là tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên gửi đến các Yang mang ước nguyện của dân làng cầu cho những cơn mưa cho vụ mùa mới tươi tốt. Cùng với đó, thầy cúng Ksor Lol hút rượu trong những chiếc ghè nung bằng đất kính cẩn nâng hai tay lầm rầm khấn mong Yang chứng kiến về dự lễ ban phát ước nguyện cho dân làng. Khi bài cúng dứt, thầy cúng Ksor Lol tự tay đi múc những bầu nước được lấy từ bến nước sông Ayun trong lễ cúng bến nước trước đó đổ đầy những ghè rượu. Khi những ghè rượu sóng sánh cũng là lúc thanh niên làng Rbai được ưu tiên chuyền tay nhau những cần rượu ghè đầu tiên và cứ thế nếm thử cho hết hơn 200 ghè rượu dân làng mang đến. Và chỉ duy nhất thanh niên làng Rbai mới được uống những giọt rượu đầu tiên, còn thanh niên làng khác hay du khách phải chờ sau buổi cúng. Điều đó, thể hiện sự gắn kết của cộng đồng làng, bản xuyên suốt trong đời sống, văn hóa của người Gia Rai bao đời nay.

Tiếng trống, tiếng chiêng tiếp tục vang ngân hòa quyện mùi ngọt nồng của hàng trăm ghè rượu khiến dân làng cũng như du khách gần xa chếnh choáng trong niềm hân hoan. Dù giờ đây, dân làng Rbai cũng như hàng nghìn hộ dân ở các huyện, thị phía Đông Nam tỉnh Gia Lai không còn phải chịu cảnh khô khát như trước khi thủy lợi Ayun Hạ được xây dựng đã mang nguồn nước về cho bà con quanh năm. Thế nhưng, lễ cúng cầu mưa không chỉ là ước muốn cho những cơn mưa xuống mà là lễ cúng cầu bình an, sức khỏe cho cả buôn làng...

MINH TÂN