Báo Công An Đà Nẵng

Độc đáo lễ hội cầu ngư 700 năm tuổi

Thứ năm, 09/02/2017 08:42

(Cadn.com.vn) - Ngày 8-2, tại TT Thuận An (H.Phú Vang, TT-Huế) đã diễn ra lễ hội cầu ngư làng Thai Dương với quy mô lớn nhất, nhì Việt Nam. Hàng ngàn người dân trong tỉnh và kiều bào là con em của dân làng ở các vùng biển TT-Huế đã về tham dự.

Tái hiện lễ rước tàu trước khi ra khơi tại đình làng Thai Dương.

Lễ hội cầu ngư làng Thai Dương tồn tại 700 năm theo lệ “tam niên đáo lệ” (3 năm 1 lần). Ông Nguyễn Văn Ái- Trưởng làng Thai Dương (TT Thuận An) cho biết, xuất xứ lễ hội truyền thống cầu ngư cách đây 700 năm do Ngài Trương Quý Công (Trương Thiều) ở Thanh Hóa vào đất TT-Huế lập nghiệp.  Sau đó, cụ vào Đà Nẵng- Quảng Nam học nghề đánh bắt xa bờ, rồi trở ra vùng đất TT-Huế truyền nghề cho ngư dân trong làng với mục đích nâng cao đời sống của người dân. “Cầu ngư là cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho ngư dân luôn bình an sức khỏe, người dân có tài có lộc. Lễ hội cầu ngư không chỉ là dịp để nhớ đến công ơn người đi trước, cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mọi người sức khỏe để chuẩn bị cho mùa vụ sắp đến. Đây cũng là dịp để những người con xa quê được chiêm ngưỡng nét văn hóa truyền thống và nhớ về nguồn cội tổ tiên”- ông Ái cho hay.

Ông Đào Duy Nga (56 tuổi, trú đường Nguyễn Văn Tuyết, TT Thuận An)- Việt kiều Mỹ háo hức: Gia đình tôi qua Mỹ định cư gần chục năm. Năm nay, biết ở quê hương mình có lễ hội cầu ngư nên cả nhà thu xếp về chơi từ trước Tết. Từ 2 giờ sáng ngày 8-2, cả nhà đã tập trung về đình làng để đón chờ lễ hội cầu ngư. Cùng suy nghĩ với gia đình tôi, rằng lễ hội cầu ngư sẽ đem đến may mắn nên dịp này rất nhiều bà con kiều bào ở làng biển cũng đã có mặt”. Sau phần nghi lễ mang đậm tính chất văn hóa truyền thống tâm linh như: lễ cầu an, lễ tưởng niệm, lễ tạ... là phần hội với các tiết mục múa hát truyền thống, đoàn tàu ra khơi đánh cá, cảnh buôn bán trên bờ đã tái hiện sinh động và hấp dẫn cuộc sống lao động, đời sống văn hóa của ngư dân ven biển và đầm phá TT-Huế.

Nét độc đáo của lễ hội cầu ngư làng Thai Dương là cảnh đánh bắt cá người trên cạn được du khách và người dân địa phương đón chờ. Theo đó, một lão ngư đại diện dân làng thắp hương cầu nguyện năm mới sau đó đánh ba hồi trống. Dứt tiếng trống, một người đàn ông trung niên mặc lễ phục màu đỏ đi kèm có hai thuyền trưởng tàu đánh cá đầu bịt khăn đỏ, mặc trang phục dân chài lưới. Trống lệnh lại gióng lên báo hiệu hoạt cảnh diễn ra. Một vị cao tuổi ném tiền và kẹo bánh xuống sân đình cho học sinh tiểu học đã thức giấc từ rạng sáng, hóa trang thành cá, mực, tôm cúi xuống nhặt. Tiếp đến, các chàng trai cao to lực lưỡng khiêng một chiếc thuyền bằng tre được trang trí màu sắc rực rỡ, trên ghe có người quăng lưới bắt “tôm, cua” trong âm thanh náo nhiệt của những làn điệu hò. Tiếng trống tiếp tục vang lên báo hiệu việc mua bán hải sản bắt đầu, các chủ thuyền chọn vài “con cá” đến trước bàn thờ làm lễ. Số cá còn lại những người thu mua cá biếu các hương thân phụ lão…

Các đội đua thuyền ở làng Thai Dương Hạ đang tranh tài.

Trước khi kết thúc lễ hội là phần đua thuyền trên phá Tam Giang thu hút hàng chục đội đua khắp địa bàn tỉnh diễn ra suốt ngày 8-2. Tiếp đó, các đội tàu đánh bắt của bà con ngư dân khắp các vùng biển TT-Huế chuẩn bị các nhu yếu phẩm giong thuyền ra khơi đánh bắt vụ đầu năm với mong ước các khoang thuyền đầy ắp cá tôm. “Ngư dân chúng tôi ra khơi với mong muốn làm giàu cho gia đình, góp phần xây dựng xóm làng trù phú và quan trọng hơn cả là bám biển để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”- ngư dân Nguyễn Thiện ở xã Phú Thuận (H.Phú Vang, TT-Huế) cho hay.

Thượng tá Huỳnh Công Thắng- Phó trưởng CAH Phú Vang cho biết, xác định, mỗi dịp lễ hội cầu ngư Thuận An có hàng ngàn người khắp nơi đổ về nên đây chính là cơ hội để các đối tượng móc túi, cướp giật “hành nghề”. Ngoài ra, quá trình đua thuyền rất dễ xảy ra ẩu đả nên từ chiều 7-2, hơn 50 CBCS của CAH Phú Vang được điều động đến hiện trường lễ hội cầu ngư Thuận An để đảm bảo ANTT. Ngoài ra, có gần 100 CBCS thuộc BĐBP tỉnh TT-Huế cũng có mặt tại lễ hội để đảm bảo công tác ANTT. Trước đó, ngày 7-2, tại xã Hải Dương (TX Hương Trà, TT-Huế) diễn ra lễ hội cầu ngư làng Thai Dương Hạ. Đây là ngôi làng vào loại cổ xưa nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 500 năm do ông Trương Qúy Thiều được chúa Nguyễn Hoàng chỉ định về Đại Trường Sa (vùng cát ven biển) khai khẩn đất đai lập làng.

H.Lan