Báo Công An Đà Nẵng

Độc đáo rừng cấm Nam Ô

Thứ bảy, 03/09/2016 11:37

(Cadn.com.vn) - Từ trên cao nhìn xuống, khu rừng như con chim khổng lồ vươn ra biển với đôi cánh là 2 bãi cát trải dài phẳng lặng. Đây cũng là khu rừng cực hiếm nằm ngay khu dân cư, bên biển rì rào sóng vỗ đêm ngày. Điều lạ hơn là trải qua nhiều thế kỷ nhưng tới nay khu rừng vẫn được giữ xanh tốt. Người dân Nam Ô- P.Hòa Hiệp Nam- Q.Liên Chiểu- TP Đà Nẵng coi đây là rừng cấm, rừng thiêng nên truyền đời ra sức bảo vệ, không dám chặt cây lấy gỗ, củi.

Chỉ vài bước chân từ bãi biển Nam Ô bước vào rừng là một cảm giác hoàn toàn đối nghịch với cái ồn ào, nắng gió. Đường mòn trong rừng quanh co qua những gốc cây cổ thụ, những lùm tay vẹt rậm rạp, tĩnh lặng và mát dịu cảm giác như đang đi giữa đại ngàn thâm u. Thú vị hơn là những đóa cẩm nhung đỏ rực rải rác treo trên cành cao, những con cánh cam, quýt quýt đa sắc xếp cánh nép trên lá rừng. Đặc biệt, nét độc đáo trong khu rừng là loài ve bầu to như ngón chân cái, cất giọng trầm rền vang không ngơi nghỉ. Người làng kể rằng những con ve bầu non chính là sản vật của làng, được dùng làm món ăn có tên "chá thiền tử" để tiến vua ngự thiện xưa kia. Nhà nghiên cứu Đặng Dùng, hiện đang sống ở Nam Ô, người biết nhiều chuyện thâm cung bí sử của khu rừng cho biết, từ thời phong kiến nhà Nguyễn đã có chỉ thị cấm chặt phá khu rừng vì nó nằm sát khu dân cư, che chở cho làng. Để tăng tính hiệu quả cho chỉ thị cấm, người ta đồn đãi, lồng ghép thêm những câu chuyện mang tính tâm linh như gỗ rừng chỉ để xây dựng đình miếu trong làng. Nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử sau khi quyết định cho phép chặt cây dù để sử dụng cho việc công của làng xã. Cũng có những người chặt cây rừng sau đó bị cháy nhà, chìm ghe, tai nạn...Có lẽ vì những chuyện đồn đãi như vậy mà dân làng ra sức bảo vệ rừng, kể cả những lúc thiếu chất đốt mà không dám chặt cây lấy củi. Ngoài ra cũng vì đặc thù địa lý ngay dưới chân đèo lại bên vịnh nên mỗi mùa gió Đông Bắc tràn về, nhờ có rừng che chở mà cuộc sống dân làng mới yên ổn.

Khu rừng xanh tốt bên biển Nam Ô.

Dẫn chúng tôi đi dọc phía nam khu rừng, ông Dùng giới thiệu về 2 phế tích của nhiều thế kỷ trước bị vùi lấp chỉ còn lại nền móng trơ vơ. Theo truyền thuyết thì phía trong là miếu bà "Chúa Tiên Thần Nữ"- vị nữ thần bảo hộ dân làng có từ thời các chúa Nguyễn thế kỷ XVI-XVII, và phía ngoài được cho là miếu vọng Công chúa Huyền Trân. Tương truyền, Công chúa Huyền Trân về làm vợ vua Chiêm Thành là Chế Mân được hơn 1 năm thì vua chết, theo tục lệ hoàng hậu sẽ bị hỏa thiêu. Lo sợ điều ấy, vua Trần Anh Tông đã cử tướng tài Trần Khắc Chung, sứ giỏi Đặng Vân cùng nhiều quân lính vào kinh đô Đồ Bàn (Bình Định) lập kế cứu Huyền Trân. Trong hành trình đào thoát khỏi Chiêm Thành, tới Nam Ô, một viên tùy tướng của Trần Khắc Chung và nhiều binh lính đã ở lại chặn đường quân Chiêm để Công chúa lên đường về Đại Việt. Và khu rừng Nam Ô chính là điểm ẩn nấp cuối cùng của Công chúa trước khi lên "thuyền nhẹ" ra "thuyền lớn" giong về cố quốc. Đến nay, ở Nam Ô vẫn còn một ngôi mộ mà người làng tin rằng đó là mộ của tùy tướng nhà Trần đã hy sinh khi chặn đường quân Chiêm.  Độc đáo hơn cả trước mặt khu rừng nối với biển chính là ghềnh đá lởm chởm đủ màu sắc mang dáng vẻ hoang sơ kỳ lạ nhoài mình ra sóng nước. Ven ghềnh đá sóng xô tung bọt trắng nổi lên một sản vật độc đáo người dân quen gọi là "mứt", cũng là một món ăn tiến vua xưa kia. Từ tháng 9 đến tháng 12 (âm lịch) khi những cơn gió lạnh từ phía Bắc qua Hải Vân tràn về, loài mứt đặc sản sẽ xuất hiện. Tầm khoảng 2 giờ sáng khi thủy triều trong vùng hạ xuống, mứt sẽ hiện ra trên những ghềnh đá, dân làng đi cào về ăn hoặc bán.

Một góc ghềnh đá Nam Ô nơi nối khu rừng với biển.

 Từ ghềnh đá theo đường mòn trong rừng trở về bãi biển Nam Ô chưa đầy 10 phút, những chiếc thuyền, mủng ngư dân ra khơi trở về nằm phơi mình trên bãi cát. Chỉ tay vào những ngôi nhà đang đập phá nham nhở bên biển, ông Dùng thở dài bảo họ sẽ di dời nhường đất làm khu du lịch sinh thái Nam Ô. Theo qui hoạch, không chỉ 2 dải đất ven biển bên khu rừng được ví như 2 cánh con chim khổng lồ bị giải tỏa mà ngay cả khu rừng cũng được trồng cỏ phủ trên đó là biệt thự, nhà hàng. Bao đời, dân Nam Ô đã gắn với biển, bây giờ chuyển đổi nghề, khó khăn đã đành, ngay cả những sản vật như mứt hay nước mắm Nam Ô cũng mất. Ông Dùng bảo, nước mắm Nam Ô nức tiếng bao đời còn thơm đến nay cũng là bởi con cá, con tôm bắt được trong vùng, tươi ngon mỗi sớm. Khu rừng cấm dân làng gìn giữ xanh tốt bao thế kỷ, nơi lưu giữ những phế tích và cả huyền sử nếu mất đi thì Nam Ô còn gì? Trong tiếng sóng rì rào, tiếng thở dài của một người con Nam Ô, một người nặng nợ, cả đời bỏ tâm huyết nghiên cứu về làng mình, cứ ray rứt, nghẹn ngào...

Hải Hậu