Độc đáo vườn nho Ba Mọi
(Cadn.com.vn) - Cách Phan Rang chừng 7km, Vườn nho Ba Mọi ở xã Phước Thuận, H. Ninh Phước hiện nay là một trong những địa điểm tham quan độc đáo của tỉnh Ninh Thuận. Vườn nho có tới 7 loại nho, trong đó 4 loại là nho tươi ăn quả, 3 loại dùng làm rượu. Điều thú vị, tất cả khách đến tham quan vườn nho đều được ăn nho, uống si rô, rượu nho miễn phí...
Ấn tượng đầu tiên về Vườn nho Ba Mọi với chúng tôi, đó là cái thương hiệu “Ba Mọi”. Nó khiến ta liên tưởng đến một loại sản phẩm gì đó rất riêng, rất hoang dã, rất nên khám phá... Thế nhưng, ngay khi vừa gặp ông “Ba Mọi”, chúng tôi thật bất ngờ, bởi đó là một người đàn ông ở độ tuổi dưới 70, rắn rỏi, gần gũi và nói năng uyên bác không kém một kỹ sư nông nghiệp. Đưa chúng tôi dạo thăm khu vườn nho rộng mênh mông, đầy kín trái, ông Ba Mọi vừa giới thiệu quá trình hình thành trang trại, vừa giải đáp những câu hỏi thắc mắc của khách. Theo ông Ba Mọi, gần 100 năm trước, người Pháp đã đem cây nho trồng thử nghiệm trên đất Ninh Thuận. Không ngờ khí hậu thổ nhưỡng nắng gió khô khốc nơi đây lại thích hợp với loại cây trồng vốn rất khó tính này.
Từ đó, nho bắt đầu quen thuộc với nông dân Ninh Thuận. Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 1980, nho Ninh Thuận mới thực sự chiếm ưu thế, gần như đủ cung ứng cho thị trường trong cả nước. Các loại nho được trồng chủ yếu là giống nho đỏ (Red Cardinal) tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải và thị xã Phan Rang - Tháp Chàm. Đến khoảng năm 2000, đột nhiên, cây nho Ninh Thuận lại rơi vào suy thoái, do hiệu quả kinh tế kém, không đủ sức cạnh tranh với một số loại nho nhập khẩu. Nhiều gia đình lâu nay gắn bó với vườn nho, buộc phải thay đổi, tìm đến những loại cây trồng mới hiệu quả kinh tế hơn.
Ông Ba Mọi (bên phải) hướng dẫn khách du lịch tham quan vườn nho. |
Không chịu bó tay trước khó khăn, ngày đêm ông trằn trọc, xoay xở tìm mọi cách, và may mắn, không bao lâu sau, nhờ sự giúp đỡ về giống, cùng phương pháp trồng mới của Trung tâm nghiên cứu cây bông Nha Hố, ông Ba Mọi được lựa chọn là người đầu tiên áp dụng mô hình khảo nghiệm “dùng phân hữu cơ sinh học trên cây nho”. Mô hình này nhằm mục đích tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng cung cấp cho thị trường. Vậy là ông quyết định đưa cả 1.000m2 nho xanh đang chuẩn bị cắt cành thu hoạch vào thử nghiệm.
Sau mấy tháng trời phập phồng lo lắng, ngay từ mùa đầu tiên cây nho đã đem lại cho ông kết quả mong muốn. Năm 2007, khi bắt đầu có chương trình canh tác VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt), ông Ba Mọi theo luôn và đến năm 2010 được cấp chứng nhận. Đến nay, vườn nho nhà ông Ba Mọi rộng 2 héc ta, ông vẫn giữ 1,5 héc ta trồng nho ăn. Còn lại 0,5 héc ta ông đầu tư trồng các giống nho làm rượu và đầu tư thêm cho bà con hàng xóm 0,5 héc ta nữa. Mỗi năm, kể cả các vườn nho vệ tinh, ông thu được 15 tấn nho làm rượu và ủ ra 10.000-15.000 chai rượu loại 0,75 lít. Ông cho biết, bình quân 1 ký nho cho ra khoảng 1 chai vang 0,75 lít, giá bán 70.000-90.000 đồng/chai tùy loại.
Khi được thị trường chấp nhận sản phẩm, mỗi năm ông lại sản xuất tăng thêm khoảng 1.000 chai so với năm trước. Trong vườn nho của mình, ông Ba trồng ba giống nho dùng để chế biến ba loại rượu vang theo tên của nho là giống Syrah và giống Cabernet Sauvignon làm vang đỏ, còn giống Chenin Blanc làm vang trắng. Ngoài ba loại rượu vang này, ông còn làm rượu trắng (na ná như rượu mạnh), chưng cất từ vang và sản xuất thêm si rô nho. Ông cho biết, nhiều nhóm khách du lịch Nga rất ưa chuộng rượu vang của trang trại ông chế biến bởi họ cho rằng nó có hương vị thật quyến rũ, khác hẳn với các loại vang mà họ từng nếm. Đặc biệt, từ khi được cấp chứng nhận sản xuất VietGAP, nho trồng của trang trại Ba Mọi đã tạo độ tin cậy cho người tiêu dùng khắp nơi trong nước, nhất là rượu vang.
Trong quá trình phát triển sản phẩm rượu nho, ông Ba Mọi cũng quan sát nhận thấy, ở nước ngoài, như Pháp, Tây Ban Nha... phần đông lên men nho thành rượu trong thùng gỗ sồi. Không có khả năng mua thùng gỗ sồi 200 lít của một công ty của Pháp chào bán với giá tới 25 triệu đồng/thùng, ông thử dùng vại sành của các cơ sở gốm sứ ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, để lên men rượu, kết quả cũng khá khả quan. Không có điều kiện xây hầm rượu kiên cố trong lòng đất như các hãng rượu vang nổi tiếng ở Pháp, ông cũng mày mò đào sâu xuống đất 3 mét để làm một hầm chứa rượu có sức chứa chừng 50.000 chai để có nhiệt độ ủ ổn định. Hồi đó, tuy là cơ sở nhỏ, nhưng chỉ riêng phần mua sắm máy móc, ông đã phải chi hơn 500 triệu đồng, trong đó ngân hàng cho vay 200 triệu.
Giải thích về thương hiệu “Ba Mọi” rất ấn tượng đã được ông tạo dựng ra sao, ông nói rằng, đó là công sức của các con ông: cậu con trai Nguyễn Đại Vệ và cô con gái út Nguyễn Thị Dạ Thảo học chuyên ngành marketing. Ông kể: “Khi còn học ở TPHCM, Vệ bắt đầu bằng việc ra chợ đêm Cầu Muối để khảo sát người bán. Lấy tên khoa học của giống nho, các chị ở chợ bảo không hiểu. Lấy tên nho Phan Rang, các chị cũng không ưng vì người dùng nghe là sợ nho bị xịt thuốc, không mua, người bán khó khăn. Cuối cùng Vệ đưa ra sáng kiến, chọn cái tên nghe rất gần gũi của cha là Ba Mọi (tên thật là Nguyễn Văn Mọi). Ban đầu, Trung tâm Khuyến nông không đồng ý vì tên đó nghe rất cá nhân, mà mục đích khi giao giống của Trung tâm là tạo nên một tập thể trồng nho lớn mạnh của tỉnh. Cứ lấn cấn mãi như thế, gia đình ông Ba Mọi phải mất cả năm trời để thuyết phục Trung tâm.
Ông nói: “Khi đã gắn tên mình vào sản phẩm, nghĩa là tôi cam đoan với người dùng sẽ không có sự cố nào về sức khỏe do trái nho của tôi gây nên. Những người không đáp ứng được các tiêu chuẩn tôi đưa ra, thì không thể hợp tác với chúng tôi. Suốt mười mấy năm theo đuổi mô hình trồng nho an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi đã chứng minh cho những người cùng nghề ở địa phương thấy, khi làm ăn bài bản, tôi có thể đạt được lợi nhuận lâu bền hơn rất nhiều”...
Vừa tiễn đoàn chúng tôi trước ngõ, ông Ba Mọi lại phải tất bật chào đón những đoàn khách mới vừa đến. Bởi những năm gần đây, Vườn nho Ba Mọi có tên trên tour tham quan Tháp Chăm Po Klong Garai - làng gốm Bầu Trúc, và sự nổi tiếng của địa chỉ này đến mức hỏi bất kỳ ai ở Ninh Thuận cũng biết.
Trần Trung Sáng