Báo Công An Đà Nẵng

Đọc Di sản văn học lãng mạn bằng những cách khác

Thứ sáu, 06/10/2017 07:00

Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tố Mai vừa giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách "Di sản văn học lãng mạn - Những cách đọc khác", tập hợp những bài viết với cách tiếp cận mới về nghiên cứu văn học.

Cuốn sách đã khái quát chung về Di sản văn học lãng mạn, đưa ra một số minh chứng về sự tồn tại của văn học lãng mạn hay chủ nghĩa lãng mạn và cách tiếp cận trong dòng chảy văn học Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam... Trong bài giới thiệu tập sách có viết, nếu như thời Phục hưng mở ra thời hiện đại ở phương Tây thông qua việc tạo nên tiền đề là chủ nghĩa cổ điển của thời kỳ Ánh sáng, thì chính chủ nghĩa lãng mạn đã bổ sung và hoàn chỉnh cho tiền đề này để đưa tính hiện đại ra toàn thế giới. Hiếm có một trào lưu nào ở phương Tây mà tính toàn cầu hóa lại mạnh đến thế và có vai trò như một động lực hiện đại hóa cho toàn thế giới ở mọi phương diện, mọi cấp độ. Điều này cho thấy chủ nghĩa lãng mạn để lại một di sản cực kỳ to lớn và sâu rộng trong đời sống văn học và nghệ thuật.

Bắt đầu khoảng từ năm 1750 cho tới 1870, văn học lãng mạn đã cống hiến cho nhân loại những tên tuổi lẫy lừng như Jean-Jacques Rousseau, Johann Wolfgang von Goethe, Lord Byron, Victor Hugo, Edgar Allan Poe, Aleksandr Sergeyevich Pushkin... Chủ nghĩa lãng mạn được coi là bước chuyển then chốt để văn học cổ điển bước sang một trang mới, những "khuôn vàng thước ngọc" bị phá bỏ để nhường chỗ cho những khuynh hướng sáng tạo mới lạ đầy cuốn hút. Dư âm của văn học lãng mạn lan tỏa mạnh mẽ đến mức những tác phẩm tượng trưng và hiện thực sau này được nhiều học giả phương Tây cho rằng chúng chỉ là sự tiếp nối của văn học lãng mạn, hay nói một cách khác, chúng thuộc về lãng mạn hậu kỳ.

Có thể thấy rằng, các tác phẩm văn học lãng mạn cho đến nay vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác giả hiện đại. Nói một cách khác, văn học hiện đại sẽ không thể có được diện mạo như ngày hôm nay nếu không có suối nguồn văn học lãng mạn.

Trong cuốn sách Di sản văn học lãng mạn - Những cách đọc khác, bạn đọc có thể hình dung rõ nét tầm ảnh hưởng của trào lưu lãng mạn trong nền văn học thế giới. Di sản văn học lãng mạn - Những cách đọc khác sẽ đưa độc giả tiếp xúc với những cách đọc và lý giải rất khác biệt về trào lưu văn học lãng mạn nói chung và một số tác phẩm lãng mạn kinh điển nói riêng. Đó là những cách đọc từ nền tảng triết học, từ góc độ xã hội học hoặc tiếp nhận so sánh văn học với một chủ đề, cùng những cách nhìn mới về những hiện tượng văn chương lãng mạn vang bóng một thời.

Sách thuộc Tủ sách Phê bình văn học.  Di sản văn học lãng mạn - Những cách đọc khác do NXB Hội Nhà văn và Tao Đàn in ấn, phát hành.

TS. Hoàng Tố Mai, sinh năm 1972 quê tại Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp Khoa Viết văn- Đại học Văn hóa Hà Nội, năm 1992, chị bảo vệ thành công Thạc sĩ Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội I, năm 1996 và Tiến sĩ Ngữ văn tại Học viện Khoa học xã hội, năm 2012. Hiện chị công tác tại Viện Văn học- Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

P.V