Đọc “KÉO CO VỚI MÙA XUÂN”: Ấn tượng phong cách Nguyễn Kim Huy
Kéo co với mùa xuân là tên gọi tập thơ mới nhất của Nguyễn Kim Huy, do Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa ấn hành tháng 8-2017. Sách gồm hơn 60 bài thơ chọn lọc. Kéo co với mùa xuân trước hết là một tuyển tập thơ có chủ đề đậm nét về mùa xuân, thể hiện qua các bài: Mùa xuân, Có thể mùa xuân, Sợi xuân, Ngày xuân, Nét xuân, Ngược chiều với mùa xuân, Trần tình với mùa xuân... Thế nhưng, mùa xuân nơi đây, chỉ là một biểu tượng, một nỗi ám ảnh với tác giả: “Trong cơn mơ anh lại kéo co với mùa xuân”, đôi lúc phải thốt lên: “mùa xuân mùa xuân mùa xuân mùa xuân/lũ lượt kéo nhau về sắp hàng trước mặt”, và có khi tự hỏi: “Không lẽ suốt cuộc đời/ Anh và em và mùa xuân vẫn giằng co nhau trong giấc mơ?”...
Có thể nói “mùa xuân” trong thơ Nguyễn Kim Huy chỉ là một cái cớ trong tâm khảm, để anh dùng dằng, va đập những nỗi buồn tinh khiết trên hành trình băng qua thời gian: “Cúi người nhặt những mảnh vỡ mùa đông tơi tả/ Rồi tỉ mẩn ngồi ghép hình tia nắng ngày xuân/ Anh không biết rằng nắng luôn đồng hành cùng ánh sáng/ Có thể nào ghép nên những sợi buồn?”. Đặc biệt, ở "Kéo co với mùa xuân", còn có những bài thơ khá xúc động viết về làng quê, gia đình, mẹ và vợ... như : Mục đồng, cây sáo và chiếc kèn đồng, Riêng em chỉ một yêu thương một đời, Ngõ cũ vườn cũ ngôi nhà cũ Đông An, Giữ mãi nghe con đôi mắt tròn xoe... Trong đó, tôi thích nhất là bài Mục đồng, cây sáo và chiếc kèn đồng: “Mục đồng cất tiếng sáo/ Cánh đồng chiều bay lên/ Đàn bà dừng tay cấy/ Đàn ông dừng tay cuốc/ Lắng nghe...”. Thế rồi, chú mục đồng nghĩ mình phải khác đi, phải làm điều gì mới mẻ, chú tìm đến tiếng kèn đồng chói lói, nhưng sự thật bẽ bàng, cây rùng mình trút lá, hoa co rúm khép nụ..., mục đồng ân hận đi tìm lại cây sáo/cây sáo đã vỡ từ lâu. Dường như ấy là một câu chuyện nhỏ kể bằng thơ. Nó làm gợi nhớ đến tác phẩm Con lừa và tôi - Juan Ramón Jiménez (Tây Ban Nha). Nó du dương như một khúc nhạc thanh bình. Nó là hình ảnh, sắc màu như một bức tranh ấn tượng. Và theo tôi, đây cũng là một bài thơ điển hình nhất mang phong cách Nguyễn Kim Huy.
Theo nhà phê bình Phạm Phú Phong: “Thơ Nguyễn Kim Huy hồn nhiên và đằm thắm về cảm xúc, bình dị và trong sáng về câu chữ, dẫn dắt tứ thơ theo mạch cảm xúc một cách kiệm lời. Anh không chạy theo xu thế thời thượng (hiện đại, hậu hiện đại) thường thấy của người làm thơ trẻ, với những cách tân về thi pháp, những phát hiện tân kỳ về tâm trạng, sự cao siêu về câu chữ, sự phô bày bản thể một cách trần trụi... Anh nhất quán với sự hồn nhiên, đằm thắm của riêng anh, với cái nhìn thực tại hết sức gần gũi, thân quen nhưng đầy tính phát hiện”. Còn nhà thơ Nguyễn Đông Nhật cho rằng: “Nhớ lại “Thơ từ yên lặng”(Nxb Đà Nẵng 1995) và Nỗi buồn lan tỏa của ngày (Nxb Văn Học 2004) hơn hai mươi năm và mười năm trước với những câu hỏi đặt ra ở độ tuổi tứ thập nhi bất hoặc, thì có thể thấy rằng từ cái mốc đó đến nay, Nguyễn Kim Huy đi thêm một chặng dài với thơ. Và giờ đây, khi những suy niệm siêu hình tạm lui bước thì anh lại đứng trước niềm xao xuyến khác. Biểu tượng mùa xuân, trong khi đang kéo co, là một cách nói thơ. Thực ra, đó chính là sự va đập của thời gian, khi mà thời gian là những “ngày đi qua thẳng băng ngày không có nắng”.
T.T.S