Báo Công An Đà Nẵng

Đọc "Những mạch sống nâu trầm" của Lê Khánh Mai

Thứ bảy, 09/12/2023 15:32
Bìa sách "Những mạch sống nâu trầm".

Tôi biết đến Lê Khánh Mai từ lâu, chị là một người được giới văn chương biết nhiều và có thời gian làm Chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa...

Sinh ra ở Tu Bông, Vạn Ninh, Khánh Hòa rồi theo cha tập kết ra Bắc khi mới 7 tháng tuổi, thế nên Lê Khánh Mai nói giọng Bắc. Chị kể chuyện, những ngày đi học chị nói tiếng Bắc cùng bạn bè, bạn bè nói vui "Con nhỏ này nói rặt tiếng Bắc, mai mốt này thống nhất về Nam, hổng cho nó qua cầu Hiền Lương". Năm 1975, đất nước Thông Nhất, chị vừa tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Hà Nội, đi xe lửa tới Vinh, rồi đi xe đò về Nha Trang. Đó là lần đầu tiên trong đời chị qua cầu Hiền Lương. Cuộc sống của mỗi người dày đặc những ký ức, với Lê Khánh Mai chị đưa ký ức thành những bài viết. Chị có thời gian dạy học ở trường Võ Tánh (nay là Lý Tự Trọng), căn nhà của chị và chồng là nhà nghiên cứu Trần Việt Kỉnh trên đường Hoàng Hoa Thám, tôi nhớ cạnh nhà có một gốc me. Những ngày đó, chị kể: "Thuở hàn vi, vợ chồng tôi kiếm sống bằng cả nghề chính lẫn nghề mọn: Dạy học chính khóa, dạy bổ túc văn hóa ban đêm; Viết tin, bài về lĩnh vực văn hóa, giáo dục cộng tác với vài tờ báo địa phương; Xâu những con ốc nhỏ màu sắc rực rỡ thành chuỗi hạt theo đặt hàng của Công ty Mỹ nghệ; Cắt dán bìa cacton làm ống sợi cho nhà máy dệt; Đan lá buông cho Hợp tác xã Thủ công; Làm một số loại bánh gửi các quầy bán lẻ...". Giờ anh Trần Việt Kỉnh không còn nữa, chị về sống với con cái trong một căn nhà ở ngoại ô, có vườn rau xanh, có hoa cỏ…

Trong "Những mạch sống nâu trầm" ta khó lướt vội qua những trang sách. Ở đó, cứ tưởng là điều nhỏ nhặt trong cuộc sống được kể, nhưng thật ra là trải nghiệm sống của một người đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, bao buồn vui của thế gian, rồi ngồi ở bàn viết, nhìn ra ô của sổ ngắm nhìn những con chim bay tìm mồi, ngắm nhìn những hàng cây xanh lá, viết về. Viết về chưa đủ, còn là lời văn như kể chuyện, chẳng cần ngôn từ mỹ miều, mà là tỉ tê kể giống như ngồi cùng một người bạn ở chiếc xích đu trước nhà: "Tôi bảo: "Dùng dao cắt thì cây sẽ phát triển nhanh hơn". Bạn nói: "Em biết, nhưng cắt thì chúng sẽ đau đớn lắm. Mắt thường mình không thấy được đâu, nhưng khi bị ngắt đi một phần sự sống, nó như khẽ rùng mình". Rồi bạn chỉ vào giàn mướp, nói: "Cây mướp này, ngọn nó mọc lan man, leo ra ngoài hàng rào, vươn sang nhà hàng xóm và kết trái ở bên đó. Nhưng, hễ trái nào trong khuôn viên nhà mình thì nó thẳng thớm, sởn sơ, còn trái nào lọt ra ngoài thì vẹo vọ, xấu xí, giống như những đứa trẻ con thiếu tình thương của cha mẹ. Cây trái cũng như con người, cũng có linh hồn, cũng cảm nhận được sự đau đớn, tổn thương".

Chị không cắt cây vì sợ cây tổn thương, trái tim ấy đẹp đến thế. Và cả tập sách là những câu chuyện đẹp, chị viết: "Sinh ra trên trái đất, mỗi người có một điểm xuất phát, một hành trình riêng biệt hướng tới một cái đích riêng biệt. Nhưng cuối cùng ai cũng đến một nơi na ná giống nhau đó là huyệt mộ. Và huyệt mộ lại trở thành một điểm xuất phát mới để mỗi người tiếp tục cuộc hành trình riêng biệt đến một cái đích riêng biệt trong thế giới đa tầng, sẽ còn mở ra những cuộc hành trình vô tận".

Đọc Lê Khánh Mai, sẽ là chút bâng khuâng của cuộc đời vốn rộn bước chân qua.

Khuê Việt Trường