Đọc truyện ký “Cha tôi”
(Cadn.com.vn) - Đúng vào dịp Kỷ niệm 38 năm ngày đất nước thống nhất, nhà văn Bùi Công Dụng vừa ra mắt bạn đọc cuốn truyện ký về cha mình-ông Bùi Công Trọng, một nhà hoạt động quản lý qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Trong phần mở đầu, tác giả có đôi lời với bạn đọc: “... Một cuộc đời, một sự nghiệp gắn chặt với những chuyển biến lớn lao và đầy hào hùng của đất nước, dân tộc Việt có biết bao người, thế mà vẫn phải viết riêng về ông, chỉ để nói lên một điều nhỏ bé: trên con đường đầy nhọc nhằn nhưng rất đỗi vinh quang đó của dân tộc, còn có dấu chân ông”.
Bằng những lời tâm tình khiêm nhường, Bùi Công Dụng đã trung thành với ý kiến người cha lúc sinh thời khi biết ý định của con cái muốn ghi lại cuộc đời hoạt động của ông “... mình không là gì hết trong cuộc chiến tranh quá nhiều đau thương mất mát này. Máu xương anh em đồng đội đồng chí của cha, rồi của đồng bào mình nữa chất thành sông thành núi, mình không là gì hết đâu các con…” , để rồi từ đầu đến cuối cuốn sách, những tình tiết về đời hoạt động của nhân vật lặng lẽ theo bối cảnh xã hội từng thời kỳ, cứ hiện ra một cách hấp dẫn, lôi cuốn. Trong cuốn truyện ký, tác giả đề cập đến những nhà hoạt động cách mạng những năm 1930-1945: “Sau hai năm làm quen với môi trường học tập, nhờ các anh Trần Tống, Tố Hữu và Huỳnh Ngọc Huệ giới thiệu, cha tôi bắt đầu tham gia tổ chức Đoàn thanh niên dân chủ ở Trường Quốc học Huế”... hoặc “Ông Võ Toàn (sau này lấy tên là Võ Chí Công) làm Bí thư Liên tỉnh- Thành ủy Quảng Nam- Hội An - Đà Nẵng, sau đó đổi tên thành Đảng bộ Quảng Nam”, hoặc “... Ở phía nam sông Cẩm Lệ, Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng do ông Đàm Quang Trung là chỉ huy trưởng, đã bố trí một trung đoàn chốt ở đây để ngăn chặn không cho địch tiến vào thành phố qua hướng này...” , “…Hồi đó có ông Trần Phương bên Ủy ban Khoa học nhà nước, là Viện trưởng Viện Kinh tế, ông có những phát kiến rất hay về nền kinh tế bao cấp”...
Qua tác phẩm, bạn đọc thấy rõ nét chân dung ông Bùi Công Trọng với phẩm chất cách mạng rất đáng quý của một người “thuần khiết dấn thân làm cách mạng”. 3 lần ông vượt Trường Sơn: lần đầu (1953) ra chiến khu Việt Bắc dự hội nghị thương mại phục vụ kháng chiến chống Pháp; lần 2 (1964) vượt Trường Sơn vào phục vụ Ban Kinh tài- Trung ương Cục miền Nam, làm tham tán đại sứ cho Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam và lần 3 (1973) vượt Trường Sơn vào chiến trường Khu 5, làm việc tại Ban Kinh tài)... là 3 lần ông nung nấu ý chí quyết tâm đi vào nơi gian khó, mà theo suy nghĩ của ông, đó mới là đóng góp sát thực và hiệu quả nhất của bản thân mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mặc dù lúc đó ông đang nắm giữ trọng trách lớn trong cơ quan quản lý nhà nước.
Cuốn truyện ký mô tả khá kỹ về hoàn cảnh sống, ý thức giác ngộ, sự đồng lòng đồng tâm của mọi người trong gia đình đối với sự nghiệp gian nan của ông. Và tất cả những con người đó cùng những đặc điểm, tính cách đã được thể hiện đại diện qua người vợ, người mẹ yêu quý trong gia đình. Hình ảnh người vợ được tác giả khắc họa để lại trong lòng bạn đọc nhiều cảm xúc khi được ông giao cho tấm thẻ “Việt Minh” của ông cho bà giữ “…mẹ tôi giữ mãi tấm thẻ đó và đã đi theo cha tôi, phục vụ ông một cách cần mẫn, đắc lực và trung thành như bao người vợ, người mẹ can trường của đất nước”. Tác giả đã dành hẳn một chương viết về người mẹ: “Mẹ cũng vượt Trường Sơn” (chương 8) để nói lên quyết tâm và sự đồng lòng không chỉ trên tâm tưởng mà người vợ còn sẵn sàng cùng chung chiến hào với chồng trong những ngày đánh Mỹ... Truyện ký “Cha tôi” là tiếng nói tự hào của tác giả về người cha yêu quý không chỉ của riêng mình: “Sự dấn thân hòa quyện với lý tưởng sống, làm cho ông trở thành một con người mẫu mực trong con mắt của nhiều người và của đại gia đình chúng tôi”. Đó là lời giới thiệu nhưng có thể cũng là lời kết cho cuốn sách rất đáng trân trọng này.
Lê Anh Dũng