Đôi bạn "kỳ lạ"
(Cadn.com.vn) - Một chàng trai 26 tuổi, bị nhiễm chất độc da cam nên chân tay quặt quẹo, được một người bạn nhỏ hơn đến 8 tuổi hằng ngày chở đi học trong hơn 3 năm liền. Câu chuyện về đôi bạn này khiến nhiều người cảm động.
Về Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (TX Điện Bàn, Quảng Nam) hỏi về hai học sinh Hà Anh Khánh (lớp 12/3) và Trương Hùng Anh (lớp 12/4) thì ai cũng biết. Bởi, Khánh và Anh là đôi bạn thân "kỳ lạ", theo cách gọi của bạn bè. Không khó để nhận ra Anh Khánh - Hùng Anh trong giờ ra chơi của học sinh trường Nguyễn Duy Hiệu vì lúc nào đôi bạn này cũng quấn quýt bên nhau. Hỏi chuyện, Khánh bẽn lẽn: "Em giúp bạn Anh là chuyện bình thường thôi, vì bạn ấy bị khuyết tật mà phải đi rất xa mới đến trường".
Khánh kể quen biết với Hùng Anh từ khi cả hai mới vào học lớp 10. Một hôm, trên đường đi học về Khánh thấy Hùng Anh ngồi co ro trú mưa dưới một mái hiên ven đường. Nhìn bạn như vậy thương quá, nên dù đã đi qua một đoạn xa Khánh đã quyết định quay lại chở Hùng Anh về nhà. "Ban đầu em nghĩ nhà bạn gần thôi ai ngờ lại ở tận xã Điện Phước", Khánh nhớ lại. Nhìn những bước chân khó nhọc của Hùng Anh phải đi bộ quãng đường gần chục ki-lô-mét để đến trường, Khánh rất thương cảm, kể từ đó em quyết định đưa đón bạn đi học.
Khánh dìu Hùng Anh trong giờ ra chơi. |
Nhà Khánh ở thôn Câu Nhi Tây (xã Điện An), còn nhà Hùng Anh ở thôn Nhị Dinh 3 (xã Điện Phước) nên mỗi khi chở bạn, Khánh phải đạp xe xa hơn. Nhưng điều đó chẳng làm Khánh nản lòng. Đều đặn mỗi ngày, Khánh xuất phát từ nhà rồi vòng qua những con đường làng để lên xã Điện Phước đón Hùng Anh, rồi di chuyển ngược xuống trường ở trung tâm thị xã. Tôi hỏi đi quãng đường xa như vậy em có thấy mệt không? Khánh nhanh nhảu: "Em chẳng thấy mệt gì cả. Có những ngày bạn Hùng Anh đi học thêm buổi chiều thì em cũng chở đến chỗ học rồi mới về. Em luôn cảm thấy vui khi được giúp bạn và Hùng Anh cũng là động lực giúp em học tốt". Nghe bạn thân nói thế, Hùng Anh cười rồi khoác tay ôm bạn.
Những vòng xe đưa đón của Khánh đã nuôi dưỡng ước mơ con chữ của Hùng Anh. Do bị khuyết tật nên Hùng Anh nói không rõ, phải rất khó khăn mới nói được một từ. Nhưng với Khánh thì em hiểu rất nhanh nội dung câu chuyện mà bạn muốn kể. Bởi nhiều năm gắn bó nên họ quá hiểu nhau.
Việc Hùng Anh theo đuổi việc học đến bây giờ cũng là câu chuyện cổ tích về ước mơ con chữ. Chị Trần Lệ Hương (mẹ Hùng Anh) kể, khi mới sinh ra Hùng Anh đã có triệu chứng của chất độc da cam, cơ thể quặt quẹo, phát triển không bình thường, vì thế mà em chẳng được đi học như những đứa trẻ khác. "Hùng Anh sinh năm 1990. Năm 13 tuổi, nhìn thấy bạn bè trong xóm đi học nó đòi đi, nên vợ chồng tôi phải cho con đi học. Chúng tôi chỉ muốn con không bị mù chữ, chứ đâu nghĩ nó học lên được đến bây giờ", chị Hương kể.
Từ ngày được tiếp xúc với cái chữ, con số, Hùng Anh khiến bạn bè và thầy cô luôn bất ngờ bởi khả năng học của mình. Không chỉ xóa mù chữ, Hùng Anh còn trở thành một trong những học sinh giỏi của trường. Điều đó khiến cho ba mẹ em vui mừng, nhưng cũng nhiều lo lắng. "Nó ham học lắm, chưa nghỉ học buổi nào. Con học giỏi thì cha mẹ nào chẳng vui, nhưng mà sắp đến là kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học nhưng do học chậm nên Hùng Anh thiếu học bạ cấp 2, chừ không biết cháu có được thi không nữa", chị Hương nói.
Thầy Phạm Tấn Sáu - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu cho biết, tình bạn đẹp giữa Khánh và Hùng Anh là niềm tự hào của trường, sự hiếu học của Hùng Anh là trường hợp đặc biệt. "Dù cơ thể khuyết tật nhưng Hùng Anh có trí nhớ rất tốt, sức học của em hơn rất nhiều học sinh khác trong trường. Năm lớp 10, em được xếp vào lớp cơ bản nhưng sang năm 11 thấy em học tốt nên trường chuyển em sang lớp học khá hơn và em học rất tiến bộ, đặc biệt em học toán rất giỏi với điểm trung bình đạt 9,5. Những môn tự nhiên, Hùng Anh học rất chắc, có khi chỉ dẫn lại cho các bạn trong lớp. Trong gần 30 năm dạy học, tôi chưa thấy trường hợp nào đặc biệt như Hùng Anh", thầy Sáu nói.
Liên quan đến việc Hùng Anh có được thi tốt nghiệp và đại học hay không, thầy Sáu cho biết đã báo cáo với Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam. "Tôi nghĩ Hùng Anh sẽ được dự thi vì đây là trường hợp đặc biệt. Do bị khuyết tật nên em viết chữ không rõ, thầy cô ở trường biết điều này nên châm chước. Tuy nhiên, lúc em thi tốt nghiệp hay đại học thì sẽ gặp khó khăn", thầy Sáu chia sẻ.
Chia sẻ về dự định tương lai, Khánh nói vẫn chưa quyết định chọn thi đại học ngành nào, còn Hùng Anh thì bảo sẽ học ngành công nghệ thông tin, để sau này dễ xin việc. Để thực hiện được dự định tương lai, bây giờ đôi bạn này vẫn chở nhau hằng ngày để nuôi dưỡng giấc mơ con chữ.
Minh Hà