Dời Bảo tàng Đà Nẵng từ thành Điện Hải về 42 Bạch Đằng: Chủ trương mang tính lịch sử
Nhất cử lưỡng tiện
Ngay đầu năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định phê duyệt quy chế, nhiệm vụ thiết kế và kế hoạch thi tuyển phương án kiến trúc công tình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng TP Đà Nẵng. Công trình do Sở Văn hóa và Thể thao làm chủ đầu tư; BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị là đơn vị quản lý, điều hành dự án; Trung tâm Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đà Nẵng là đơn vị tổ chức thi tuyển trong thời gian 4 tháng. Phương án được phê duyệt là nghiên cứu cải tạo, sử dụng cơ sở vật chất tại các khu đất 42 - 44 Bạch Đằng (hiện đang là trụ sở, hội trường của HĐND, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng) và 31 Trần Phú (hiện là Vườn ươm khởi nghiệp), khu vực vẫn thường được gọi chung là 42 Bạch Đằng, với tổng diện tích 8.686m2. Về ranh giới, phía Bắc bảo tàng giáp đường Quang Trung, phía Nam giáp Thư viện khoa học tổng hợp, phía Tây giáp đường Trần Phú và phía Đông giáp đường Bạch Đằng. Bảo tàng TP Đà Nẵng hiện nay lại nằm ngay trong khuôn viên thành Điện Hải, xâm phạm khu vực vùng lõi của Di tích quốc gia đặc biệt này.
Một góc khu nhà 42-44 Bạch Đằng. |
Theo phương án đã được Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng thống nhất, bảo tàng được xây dựng trong khu vực 42 Bạch Đằng có quy mô lớn, vừa mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc, vừa mang tính hiện đại tương xứng với tầm vóc của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế của miền Trung, cửa ngõ giao thương quan trọng của đất nước. Khi hoàn thành, đây sẽ là một không gian mở, kết nối với quảng trường xung quanh thành Điện Hải, Thư viện khoa học tổng hợp và cảnh quan bờ Tây sông Hàn. Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện –Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, để phục hồi, phục dựng, trùng tu thành Điện Hải giai đoạn 2 thì việc di dời Bảo tàng ra khỏi vùng lõi di tích quốc gia đặc biệt này là tất yếu và cần triển khai nhanh chóng. Xong giai đoạn thành cao hào sâu thì việc cần thiết bây giờ chính là phát lộ hệ sơ đồ phòng thủ, hệ thống công sự của triều này là cần thiết và phải làm.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Văn Hùng cho biết, hiện đơn vị đang triển khai các thủ tục phối hợp Sở Xây dựng tổ chức cuộc thi quốc tế tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng thành Bảo tàng TP Đà Nẵng theo đúng quy định. Sau khi lựa chọn được các phương án, ngành Văn hóa sẽ trình Thường trực Thành ủy, UBND thành phố xem xét và quyết định trên cơ sở tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và đơn vị chuyên môn. “Vấn đề bây giờ là các thủ tục cần thiết để triển khai sớm thôi. Chủ trương đã được thống nhất cao vì tốt cho cả hai nhiệm vụ”, ông Hùng cho biết.
Bảo tàng Đà Nẵng nằm trong vùng lõi di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải sẽ được chuyển về 42 Bạch Đằng. Ảnh: CÔNG KHANH |
Cẩn trọng trong quy hoạch
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện đánh giá, một lợi thế của việc di dời này là bản thân những công trình tại 42 Bạch Đằng vốn cũng đã mang dấu ấn lịch sử hành chính công của Đà Nẵng giai đoạn thời thuộc Pháp. Những tư liệu mà ngành văn hóa thể thao thành phố tiếp cận được từ các trung tâm lưu trữ tại Pháp trong chuyến công tác mới đây cũng sẽ phục vụ rất ý nghĩa cho công tác trưng bày mới tại bảo tàng sau khi hoàn thành. Trong đó phần lịch sử hành chính, lịch sử kinh tế của Đà Nẵng, khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng sẽ được trưng bày, trình diễn tại đây. Về tiến độ xây dựng bảo tàng, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết, hiện Viện Di tích quốc gia đang vào giai đoạn hoàn thành 4 phương án trùng tu để mời hội đồng tư vấn quy hoạch kiến trúc thành phố xem xét, sau đó sẽ mời Cục Di sản và Hội đồng di sản di tích quốc gia cho ý kiến cuối cùng để bắt tay tiến hành. Cơ quan chuyên môn đang tổ chức cuộc thi quốc tế thiết kế mẫu để thông qua Thường trực Thành ủy, UBND thành phố. Tuy nhiên, song song với công việc này thì thành phố cần sớm có chủ trương chuyển trụ sở Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội để chủ động trong việc triển khai các công việc chuẩn bị. “Thi công công trình này liên quan đến công trình kia. Chúng tôi mong thành phố sớm có chủ trương để bắt tay thực hiện. Xây dựng bảo tàng sớm thì cũng đồng nghĩa với việc trùng tu thành Điện Hải sớm”, ông Hùng kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Nho Trung – Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, quan điểm của HĐND là hoàn toàn ủng hộ chủ trương xây dựng Bảo tàng tại 42 Bạch Đằng. Không chỉ giải phóng để trùng tu vùng lõi thành Điện Hải mà ở vị trí mới Bảo tàng Đà Nẵng sẽ là một công trình mang tầm khu vực. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải cẩn trọng trong công tác quy hoạch để đáp ứng công năng và giữ gìn những gì thuộc về lịch sử. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc bảo vệ không gian, các công trình kiến trúc đang có. Vì bản thân các công trình trong khu vực 42-44 Bạch Đằng nằm trong quần thể Tòa thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc, sau nhiều lần chuyển đổi nhưng vẫn giữ được những nét đặc trưng ban đầu, vốn đã như một bảo tàng kiến trúc rồi. “Trước đây cũng đã có chủ trương xây dựng trung tâm lưu trữ tại đây rồi nhưng chúng tôi không đồng ý. Ngay cả khi sửa chữa, cải tạo công năng hội trường thì cũng phải giữ lại những nét đặc trưng. Bản thân chỗ này cũng đã là một bảo tàng kiến trúc đặc biệt mà Đà Nẵng sở hữu. Chủ trương thì nhận được sự đồng thuận, nhưng chúng ta phải cẩn trọng, bảo tàng phải đáp ứng được yêu cầu, xứng tầm với vị thế của thành phố, nhưng phải giữ được lịch sử. Cho nên phải có quy hoạch tổng thể cho đàng hoàng”, ông Trung nhấn mạnh.
CÔNG KHANH