Báo Công An Đà Nẵng

Đồi Capital "nổi gió"

Thứ năm, 30/07/2015 09:29

(Cadn.com.vn) - Thỏa thuận mới đạt được giữa Iran và các cường quốc P5+1 đang gây ra cuộc đối đầu nảy lửa giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Quốc hội, đặc biệt là các ứng cử viên của hai đảng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Mới đây, Tổng thống Barack Obama chỉ trích ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mike Huckabee và Donald Trump vì những lên án công khai của họ về thỏa thuận hạt nhân lịch sử này, đồng thời bác bỏ "đòn tấn công" của hai ứng viên tổng thống phe Cộng hòa này là "vô lý".  Ông Huckabee kích động những cuộc tranh cãi sau khi lên án thỏa thuận hạt nhân Iran nói rằng, ông Obama đang đẩy Israel "đến cửa hỏa lò", ám chỉ đến các phòng hơi ngạt của Đức Quốc xã vốn giết chết hàng triệu người Do Thái thời diệt chủng Holocaust.

Trước đó, tỷ phú Donald Trump gọi thỏa thuận này là "một sự ô nhục", cho rằng, Mỹ "nên tăng gấp đôi lên các biện pháp trừng phạt" nhằm vào quốc gia Cộng hòa Hồi giáo. "Chúng tôi thỏa thuận từ sự tuyệt vọng", ông nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin MSNBC. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton cũng lên án tuyên bố của Huckabee là một "sự xúc phạm"."Người ta có thể không đồng ý với những điều khoản của các thỏa thuận. Đó là trò chơi công bằng. Nhưng điều này đã vượt giới hạn", bà Clinton nói trong chiến dịch tranh cử ở bang Iowa.

Thực tế cho thấy, các ứng cử viên đảng Cộng hòa đang nỗ lực đoàn kết phản đối thỏa thuận hạt nhân lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran. Họ chỉ trích Tổng thống Obama đang giúp Iran đến cánh cửa chế tạo một quả bom. Một số ứng viên, bao gồm Thống đốc Wisconsin Scott Walker và Thượng nghị sĩ Marco Rubio Florida, tuyên bố sẽ ngay lập tức bãi bỏ thỏa thuận này nếu được bầu vào Nhà Trắng. Đây cũng chính là đòn công kích chí mạng đối với phe Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2016 khi thỏa thuận này được cho là di sản của ông Obama - một Tổng thống của đảng Dân chủ.

Hiện nay, Nhà Trắng đang tăng cường chiến dịch vận động hành lang để Quốc hội thông qua thỏa thuận này. Các nghị sĩ Quốc hội có thời hạn đến giữa tháng 9 tới, để xem xét lại thỏa thuận này. Những chỉ trích của ông Obama đánh dấu vai trò tham gia trực tiếp nhất của ông chủ Nhà Trắng trong cuộc đua tìm người kế vị. Những tuyên bố của vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ cũng nhấn mạnh vấn đề nhạy cảm trong nỗ lực làm chìm thỏa thuận hạt nhân Iran, vốn được coi là sáng kiến chính sách đối ngoại tối ưu của mình.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang rất muốn đánh chìm thỏa thuận hạt nhân với Iran và thậm chí nếu Quốc hội không thông qua thỏa thuận này, vẫn sẽ vô cùng khó khăn để bãi bỏ nó. "Sẽ rất khó khăn để tiếp tục vận động cộng đồng quốc tế tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran", thành viên cao cấp của Viện Brookings cho biết khi nói về các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt mà nhiều nhà phân tích tin rằng đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Iran trở lại bàn đàm phán.

Thật vậy, Washington đã rất khó khăn khi vận động các nước phương Tây đồng ý với biện pháp trừng phạt vốn ngăn chặn Iran bán dầu sang Châu Âu. Và thuyết phục họ làm như vậy một lần nữa sẽ là một trận chiến không hề dễ dàng.

Thanh Văn