Báo Công An Đà Nẵng

Đôi điều về cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”

Thứ năm, 16/10/2014 09:31

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, trên các trang mạng BBC, RFA, VOA, RFI.. các blog và facebook cá nhân của một số đối tượng cơ hội chính trị, cực đoan... đồng loạt thông tin về tuyên bố thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”. Vậy, mục đích, ý đồ của việc thành lập “hội này” là gì? Có tuân thủ pháp luật Việt Nam hay không? Hay là chỉ rêu rao ủng hộ, đề cao tự do ngôn luận, tự do báo chí để đánh lừa dư luận, cổ xúy cho việc hình thành, phát triển cái gọi là “xã hội dân sự” ở Việt Nam?

Tại Điểm 1, Điều 5, Chương II Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21-4-2010 quy định: “...Hội phải có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ”. Còn Điều 25, Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, căn cứ vào 2 điều trên xin trao đổi một số điểm sau đây:

Trước tiên, tên gọi của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” cũng đã thể hiện sự “đạo danh” Hội Nhà báo Việt Nam, chỉ khác là thêm chữ “Độc lập” chen vào cụm từ này nhằm đánh lừa dư luận, đánh lừa bạn đọc không phân biệt đâu là thật, đâu là giả, đây chính là sự trùng lắp về tên gọi mà theo quy định của Chính phủ không cho phép.

Tiếp đến, lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó (Hội Nhà báo Việt Nam) là hoạt động báo chí. Vậy cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” này hoạt động cái kiểu gì, nếu không trùng lắp hoạt động báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam?

Nên nhớ rằng, sau khi Nghị định số 45 đi vào thực tiễn thì ngày 13-4-2012 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 33/2012/NĐ-CP về việc “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45”, đây là những văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở và điều kiện cho việc thành lập hội. Vậy cớ làm sao nhóm người nói ở trên cố tạo ra cái “hội này” lại không biết, hoặc biết nhưng không tuân thủ, họ coi thường kỷ cương phép nước đến thế là cùng. Chưa hết, trong danh sách tham gia có cả những người mang quốc tịch Đức, Hoa Kỳ, Séc, Đài Loan, Pháp... được gọi là “hội viên”, chắc gì tất cả họ đều là nhà báo (?). Rõ ràng đây là một tổ chức mà thành phần tham gia “phức tạp” nếu không nói là “hỗn tạp”, bất hợp pháp không hơn không kém!

Vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nghị quyết khẳng định, cái gọi là “Hội Nhà  báo độc lập Việt Nam” là một tổ chức bất hợp pháp, được một vài cá nhân không phải là nhà báo đứng ra thành lập, thu nạp những đối tượng chống đối trong và ngoài nước, công khai tuyên bố theo đuổi mục tiêu đa nguyên chính trị, tư nhân hóa báo chí nhằm chống đối chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý xã hội và báo chí; yêu cầu hội viên không tham gia, không cổ vũ cho tổ chức này. Có thể thấy, cả về mặt pháp lý và thực tiễn, cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” hoàn toàn không có giá trị, không cần thiết đối với những người làm báo Việt Nam.

Lâu nay ai cũng biết là vấn đề tự do ngôn luận, tự do hoạt động báo chí luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, tạo thuận lợi cho mọi người có quyền được phản biện, được hoạt động báo chí để góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội được phản ánh một cách khách quan, trung thực cùng hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ, không những trên lĩnh vực hoạt động báo chí mà cả trên những lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, chỉ có Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị, xã hội - nghề nghiệp duy nhất, mái nhà chung của những người làm báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam có quyền và nghĩa vụ tham gia xây dựng và góp phần thực hiện chính sách thông tin - báo chí; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo. Hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, là tổ chức đại diện tập hợp, đoàn kết, động viên các nhà báo phát huy khả năng sáng tạo, cùng các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp khác và nhân dân cả nước phấn đấu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Mặc Sinh