Báo Công An Đà Nẵng

Đôi điều về karaoke

Thứ sáu, 03/03/2023 10:15
Karaoke vốn là loại hình giải trí lành mạnh.

Trở về nguồn cội, karaoke do ông Inoue Daisuke người Nhật phát minh vào năm 1971, khi ông 31 tuổi. Ngay khi mới ra đời, karaoke đã sớm trở nên phổ biến và nổi tiếng, nhất là ở Đông Á. Từ "karaoke" bắt nguồn từ sự kết hợp từ kara, có nghĩa là không (cũng như trong môn võ karate - từ kara có nghĩa là tay không) với từ oke (viết tắt của từ okesutora) có nghĩa là dàn nhạc. Thay bằng việc có cả âm nhạc và xướng âm, các đĩa karaoke chỉ có âm nhạc thôi. Phần xướng âm dành cho người biểu diễn trực tiếp, người sẽ cầm micro và hát theo văn bản bài hát trên màn hình.

Karaoke du nhập vào nước ta khoảng hơn 31 năm trước. Khi mới du nhập, nó là một thứ giải trí xa xỉ, một dạng dịch vụ cao cấp. Dần dần nó trở thành phổ thông và bình dân hơn. Từ thành phố, thị xã, sau đó lan đến tận vùng thôn quê. Ban đầu chỉ những gia đình khá giả mới trang bị được dàn karaoke, rồi gia đình có thu nhập ở mức trung bình cũng có thể tự trang bị được. Các điểm dịch vụ karaoke không đặt nặng việc phải có phòng cách âm, cự ly đặt cũng chưa được quy định cụ thể, nhất là ở vùng nông thôn, thị tứ, miễn là có một cặp loa, một tivi. Lúc đầu dữ liệu bài hát được lưu bằng băng video, mỗi lần "tua" tìm bài hát thật là vất vả, sau đó nâng cấp lên dùng đầu VCD hoặc DVD và thế hệ sau này là dùng đầu CAVS hoặc các đầu karaoke vi tính số khác... Ở thời điểm đó, nội dung băng cũng nghèo nàn, chất lượng hình ảnh, âm thanh từ hệ thống đầu video, ampli, loa... cũng nghèo nàn tương đương, hát xong không có chấm điểm. Giờ thì đã khác xa rất nhiều, nếu không nói là "một trời một vực", thậm chí có thể gọi là loại hình giải trí mang tính công nghệ cao với các tính năng linh hoạt tiện lợi, chỉ cần có smartphone hay Ipad là có thể thoải mái hát karaoke tùy thích, ưng bài nào là có bài đó, bấm chữ trên bàn phím hay điều khiển bằng giọng nói v.v...

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của loại hình giải trí vốn lành mạnh, tích cực này là... những hệ lụy đáng tiếc. Đáng chú ý nhất là một số biến tướng không lành mạnh, khá phổ biến mà người ta hay gọi là "karaoke ôm". Nôm na người đi hát tại các điểm karaoke (thường là nam giới) có các nhân viên nữ ngồi bên để phục vụ..., "hát karaoke mỏi cả tay", hát karaoke đạt "giải bàn tay vàng" từ đó mà có! Chưa kể các tụ điểm karaoke là nơi núp bóng, xuất phát của tệ nạn mại dâm, ma túy... Nó phát triển đến mức, có một thời gian làm nhiều người hiểu, nghĩ sai về karaoke. Thậm chí có người cứ nghe nói đi hát karaoke là liên tưởng ngay đến tệ nạn, tới "em út"?! Sau này, nhà nước có những quy định nghiêm ngặt hơn như phòng karaoke không có tiếp viên nữ phục vụ, có cửa kính để bên ngoài có thể kiểm soát được hoạt động bên trong, rồi là phải cách xa trường học cự ly là bao nhiêu, cách âm thế nào...

Một điều muốn nhắc đến nữa là loại hình "karaoke tại gia". Hình thức này nếu được chú ý làm hệ thống cách âm tốt, tổ chức hát có giờ giấc nhất định thì có thể xem là loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích và ít tốn kém. Tuy nhiên, sự phát triển mang tính tự phát của hình thức giải trí tại gia này đã gây ra không ít phiền toái cho hàng xóm và cư dân xung quanh bởi những "ca sỹ bất đắc dĩ" thừa nhiệt tình nhưng thiếu... ý thức này. Đã không hiếm trường hợp những nhóm karaoke tự hình thành sau vài chầu bia rượu "sương sương" rồi "cảm hứng âm nhạc" nổi lên, vậy là thi nhau hát, không chỉ cho riêng mình mà cho cả hàng xóm cùng... bị "thưởng thức" qua âm thanh chát chúa của những chiếc "loa kẹo kéo". Khổ nhất khi bị "tra tấn" vào những giờ đáng lẽ để người ta nghỉ ngơi sau giờ làm việc như buổi trưa, sau 10 giờ đêm. Nhà thì không có cách âm, cửa thì rộng mở, âm thanh với bộ loa "khủng" được dịp khuyếch tán đi bốn phương tám hướng. Đã có người phải tạm lánh khỏi nhà khi hàng xóm thường xuyên "phục vụ miễn phí" bất kể ngày đêm. Góp ý cho những sinh hoạt karaoke ngẫu hứng này không dễ, chưa kể dễ "được vạ má sưng" vì những "ca sỹ vườn" này nhiều người đã "tới bến", hát cho to, cho lớn để giã bia rượu, có điểm cao và "chứng tỏ đẳng cấp" của mình nên hay "nóng tính" nếu ai nhắc nhở! v.v và v.v.

Sau hơn 31 năm du nhập vào nước ta, karaoke đã có những bước tiến dài về trang thiết bị, vế hình thức và nội dung băng đĩa, v.v... Có những điều tiêu cực liên quan đến karaoke đã mất đi, những cái tích cực xuất hiện và phát triển; cạnh đó vẫn còn tồn tại, biến tướng... Tất cả, làm cho người ta có lúc này lúc kia chán nản hay ưa thích, mê đắm. Để rồi tựu chung, karaoke không dễ gì mai một trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ của chúng ta hiện nay. Chỉ mong là càng ngày, người ta sẽ càng nghĩ đúng, nghĩ tốt, nghĩ hay về karaoke, tạo điều kiện để nó phát huy được tính tích cực, góp phần trong việc làm cho cuộc sống tinh thần của chúng ta thêm phong phú, lành mạnh và hữu ích.

Dân Hùng