Báo Công An Đà Nẵng

Đôi điều về phát triển giao thông đô thị ở Đà Nẵng

Thứ sáu, 03/02/2017 10:25

(Cadn.com.vn) - So với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông ở Đà Nẵng chưa cao bằng, tình trạng ùn tắc giao thông chỉ xảy ra cục bộ và không kéo dài. Nguyên nhân một phần là do dân số Đà Nẵng không quá lớn, mật độ phân bổ dân cư tương đối đồng đều và nhất là hệ thống hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa hiện nay, cùng với sự phát triển của lĩnh vực du lịch, các dự án đầu tư lớn cũng như sự gia tăng khách quan của phương tiện giao thông cá nhân... thì tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ không tránh khỏi tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, TNGT... Và thực tế đã có tình trạng kẹt xe tại các nút giao thông xung yếu của thành phố với thời gian kéo dài hơn những năm trước đây.

Giải pháp mang tính lâu dài là có định hướng cụ thể, chi tiết trong phát triển giao thông công cộng (GTCC). Do Đà Nẵng hiện chưa có một quy hoạch hệ thống GTCC hoàn chỉnh, nên thành phố cần ưu tiên cho công tác lập quy hoạch hệ thống GTCC (hướng tuyến, bến bãi, hậu cần, điều hành, quản lý...) để làm cơ sở cho việc quản lý. Việc lập quy hoạch tổng thể và kết nối các loại hình GTCC cần được quan tâm, nhất là trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn. Kinh nghiệm ở một số thành phố lớn trong khu vực là chính quyền đều mời các chuyên gia quốc tế tham gia xây dựng quy hoạch giao thông đô thị nói chung và hệ thống GTCC nói riêng, chẳng hạn như hệ thống xe buýt nhanh (BRT), hệ thống tàu điện ngầm... Mặt khác, trước khi phê duyệt quy hoạch thì phải có bước lấy ý kiến góp ý rộng rãi của cư dân trong đô thị, đây là việc làm cần thiết để tạo sự đồng thuận cao trước khi đầu tư.

Đà Nẵng vừa có thêm nhiều tuyết xe buýt nội thành đi vào hoạt động.  Ảnh: N.L

Giải pháp trước mắt cần thực hiện trong thời điểm hiện nay là việc phân làn giao thông, một giải pháp đòi hỏi phải có sự đồng bộ từ chủ trương, biện pháp đến sự hưởng ứng của người tham gia giao thông. Vấn đề này Đà Nẵng cũng đã từng bước triển khai và đã thu được những kết quả tích cực trong những năm qua. Phải khẳng định rằng, việc phân làn và đi theo làn đường rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Làn đường là ranh giới quyết định ai đi đúng, ai đi sai, ai cần phải nhường đường, ai cần phải xin đường, đó cũng được xem là “ranh giới pháp luật” quy định cho người tham gia giao thông.

Giải pháp mang tính trung hạn là hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân, hay nói cách khác là kiểm soát sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Đây là một nguyên nhân chính gây ùn tắc giao thông cũng như tai nạn giao thông. Đối tượng đầu tiên phải kể đến là xe máy. Để hạn chế sự phát triển xe máy, thì phải tạo cho người dân có thói quen di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, muốn vậy, tất nhiên phải có hệ thống giao thông công cộng hoàn chỉnh, đảm bảo các tiêu chí như: an toàn, thân thiện và hiệu quả. Cần sớm có những giải pháp cho từng giai đoạn cụ thể như: phát triển vận tải xe buýt phủ toàn thành phố, đặc biệt là hệ thống xe buýt nhanh (BRT), trong đó cần có cơ chế hỗ trợ cho người dân đi xe buýt; xây dựng những mức thu phí đậu đỗ phương tiện cá nhân thật cao trong nội thành; đồng thời xây dựng nhiều điểm bãi đậu gửi xe miễn phí tại các nút ngoại ô đi vào trung tâm thành phố; những điểm trung chuyển đầu cuối của xe buýt...

Cuối cùng không thể không đề cập đến vấn đề chế tài và ý thức của người tham gia giao thông. Cho dù có quy hoạch, định hướng bài bản và tốn kém trong triển khai, mà chế tài không nghiêm, hệ thống quản lý, giám sát thiếu đồng bộ và nhất là “văn hóa giao thông”  chưa được thể hiện một cách bền vững thì mục tiêu cho một đô thị văn minh-hiện đại của Đà Nẵng chắc chắn sẽ còn nhiều cam go.

Dân Hùng