Báo Công An Đà Nẵng

Đôi điều về thú đọc sách của con trẻ hiện nay

Thứ năm, 29/09/2022 14:24
Ảnh chụp lại từ tranh của họa sĩ Bảo Tân.

Những cậu bé, cô bé tung tăng đi bên cha, mẹ và chăm chú lật từng trang sách mới khiến tôi vui lây. Những trang sách có lạ lẫm với chúng ban đầu nhưng sẽ là người bạn đồng hành với trẻ cả 9 tháng ở học đường. Sách chờ đôi bàn tay xinh lần giở; sách chờ những đôi mắt tròn xoe ghé đọc và sách như đang lắng nghe tiếng ê a đánh vần của những cô cậu bé lần đầu tiên biết chữ.

Đón chào năm học mới với bao hứng khởi, tôi lại nghĩ nhiều đến những quyển sách và làm thế nào để toàn xã hội giúp cho con trẻ ngoài quyển sách giáo khoa hàng ngày, biết tìm đọc những tác phẩm văn học phù hợp với lứa tuổi của mình. Được biết, thư viện trung tâm nằm ở đường Bạch Đằng, bên bờ sông Hàn thơ mộng được thành phố đẩy mạnh đầu tư từ việc trang bị sách đến bàn ghế, tranh ảnh, máy vi tính… Một không gian thoáng mát, sạch sẽ với sự phục vụ chu đáo và thân thiện của đội ngũ nhân viên, đặc biệt thư viện phục vụ luôn những ngày cuối tuần. Bên cạnh việc cho mượn sách tại chỗ, thư viện thành phố đã có những chuyến xe lưu động chở sách đến nơi công cộng và các trường học để phục vụ cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở.

Còn ở các trường học trên địa bàn thành phố, mỗi phòng thư viện hàng năm đều được đầu tư kinh phí để mua sách phục vụ cho học sinh và giáo viên. Song đến tuổi vào Trung học phổ thông, do áp lực của việc học để ưu tiên cho nghề nghiệp tương lai, mặt khác các em đều được cha mẹ sắm điện thoại nên bị chi phối bởi thế giới ảo; hứng thú đọc sách của các em mất dần theo năm tháng. Nhiều em trước đây say mê đọc sách ở thư viện, bây giờ chúng lang thang trên mạng đọc chỗ này một ít, trang kia một tẹo và cứ nghĩ đọc tin tức trên đó là đủ rồi, đâu còn hứng thú để đến thư viện tìm sách hay để đọc. Trong khi, giai đoạn này, các em ở độ tuổi vị thành niên, rất cần sự trao đổi chia sẻ mà sách là người bạn, người thầy tốt nhất.

Hàng năm, thư viện thành phố Đà Nẵng tổ chức rầm rộ Ngày hội văn hóa đọc; cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc thu hút hàng trăm đại diện từ các trường trong địa bàn thành phố. Các trang báo Đà Nẵng, Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng, tạp chí Non Nước thường có trang giới thiệu sách tốt, sách hay… phần nào lan tỏa cho giới trẻ tình yêu đối với sách. Trong các chương trình ngoại khóa của thư viện trường, Đoàn trường, các tổ chuyên môn của giáo viên đều hướng về chủ đề này để khuyến khích các em đến với sách. Song việc nâng cao văn hóa đọc cho thế hệ trẻ vẫn là nỗi lo chung của toàn xã hội.

Nhìn lại những chồng sách còn mới nguyên xếp ngay ngắn trên kệ ở hiệu sách rồi ở thư viện, tôi bồi hồi nhớ lại thuở ấu thơ của mình. Thời ấy, chúng tôi đi học một buổi, một buổi lao động đỡ đần cha mẹ; thế nhưng, nghe nhà nào có cuốn truyện là đu bám theo để mượn đọc cho được dù chưa phù hợp với lứa tuổi của mình. Nhà tôi có sáu chị em gái lại sàn sàn tuổi, tôi áp út và nhỏ hơn nhưng lại đọc theo các chị sách tuổi hoa, kể cả hoa tím; vẫn còn nhớ những cuốn tiểu thuyết Quỳnh Dao, kiếm hiệp Kim Dung có giấy đen thui, gáy sách kết bằng chỉ trắng. Mỗi lần, chị tôi đi học về, vừa buông cặp sách, tôi đã chộp ngay cuốn truyện chạy tót ra gốc rơm ngồi đọc. Tôi ngấu nghiến từng con chữ như ngấu nghiến chiếc đùi gà KFC, món bánh tráng trộn của bạn trẻ hôm nay vậy. Tranh thủ vừa đọc, vừa canh chừng sợ chị lấy lại; có những buổi trưa cả bọn bị ăn đòn vì giành quyển truyện mà cãi nhau. Lại nhớ, có lần chị tôi mượn được cuốn Bên dòng sông Trẹm, ai cũng muốn giành đọc trước nên nảy ra ý định tháo chỉ, chia cuốn truyện làm 6 phần, sau đó đổi nhau đọc và tự ráp các tình tiết để hiểu. Khi đọc xong hết, mấy chị em mới dùng chỉ mới may lại cuốn sách, dán bìa lại và đem trả.

Dĩ nhiên, thời thiếu thốn ấy đã qua; một thời đại mới mở ra, nhận thức của giới trẻ hôm nay cũng khác thế hệ già cỗi của chúng tôi, nhưng điều đau đáu ở chúng tôi là làm sao để bạn trẻ hôm nay giữ được thú vui đọc sách và duy trì thú vui đó lâu dài. Thời đại 4.0 mọi thông tin trên mạng đến nhanh nhạy, kịp thời song cũng cần có những giây phút sống chậm bên sách để tâm hồn con người thêm đẹp và giàu có hơn. Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh ta nên làm gương, dành chút thời gian để đọc sách thay vì cứ dán mắt vào điện thoại; chở con đi thư viện, hiệu sách vào cuối tuần; thay vì mỗi nhà chưng tủ rượu có thể thay bằng tủ sách bởi "để cho con một hòm vàng không bằng dạy cho con một quyển sách hay" (Vi Hiền truyện).

Nguyễn Thị Thu Thủy