“Đổi đời”
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Mỹ, nơi ông có cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama tại Nhà Trắng, trong đó hai bên cam kết đưa quan hệ an ninh Mỹ-Ấn trở thành “mỏ neo ổn định”.
Nhưng điểm gây chú ý đặc biệt hơn cả là việc Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng có bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong ngày 8-6. Một lời mời phát biểu trước Quốc hội Mỹ như thế này là vinh dự hiếm có dành cho các nhà lãnh đạo nước ngoài. Và trong trường hợp của ông Modi, nó là một bước đi để hoàn thành vòng tròn phục hồi quan hệ giữa hai nước và chứng tỏ vị thế của mình đối với nước Mỹ.
Rõ ràng, khi ông Modi bước chân vào Hạ viện Mỹ, ông sẽ không còn là “người hạ đẳng” - người từng có tên trong “danh sách đen” của Mỹ khi ông còn là bộ trưởng của bang miền tây Gujarat - nơi đã bùng nổ cuộc bạo động tôn giáo kinh hoàng năm 2002. Bởi những cáo buộc liên quan đến làn sóng bạo động này, Quốc hội Mỹ viện dẫn một phần luật nhập cư năm 2005 để cấm ông Modi nhập cảnh vào Mỹ. Kết quả là, chính quyền Tổng thống G.W.Bush thu hồi visa du lịch và từ chối yêu cầu cấp mới cho ông Modi.
Nhưng rồi, chiến thắng lớn của ông Modi trong năm 2014 đã làm thay đổi mọi việc. Tổng thống Barack Obama đích thân gọi điện chúc mừng ông Modi, bởi ông chủ Nhà Trắng nhanh chóng nhận ra, Mỹ không thể bỏ qua Ấn Độ, nền dân chủ lớn nhất thế giới. Nhà Trắng sau đó mời Thủ tướng Modi có chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Mỹ vào tháng 5- 2014. Và năm nay là lần thứ 7, Thủ tướng Modi gặp Tổng thống Obama kể từ khi ông trở thành thủ tướng, minh chứng rõ nét nhất về mối quan hệ phát triển chiến lược giữa hai nước.
Tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Obama hối thúc hai nền dân chủ lớn nhất thế giới tăng cường hợp tác. Hai nhà lãnh đạo cũng hoàn tất các thỏa thuận về hậu cần quân sự và chia sẻ thông tin khủng bố. Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo Mỹ-Ấn cũng đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề như chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, và chống khủng bố.
Có thể thấy, chỉ trong vòng 2 năm qua, ông Modi đi từ dưới đáy vực lên đến đỉnh vinh quang trong cách nhìn của người Mỹ và tạo ra mối quan hệ đối tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa hai nước. Lẽ dĩ nhiên, Quốc hội Mỹ không thể không công nhận tầm quan trọng của Ấn Độ khi đây là cơ sở tài chính và chính trị của 3,2 triệu người Mỹ. Điều này không có nghĩa là tất cả các nghị sĩ đã quên quá khứ nhưng họ không muốn quá khứ phá hoại tương lai.
Thanh Văn