Báo Công An Đà Nẵng

Đời hớt tóc dạo

Thứ năm, 16/07/2015 11:05

(Cadn.com.vn) - Hơn 65 năm nay, cụ Ca Trà (85 tuổi, thôn 3, xã Tiên An, H. Tiên Phước, Quảng Nam) vẫn lặng lẽ đi hớt tóc dạo ở khắp trong cùng ngõ hẻm. Đặc điểm để bà con miền sơn cước nơi đây nhận ra ông cụ là chiếc mũ phốt với dáng đi chậm chạp và bộ đồ hành nghề cũ kỹ...

Nghề hớt tóc dạo trong trí nhớ ông Trà cách đây hơn nửa thế kỷ thật đặc biệt. Ngày đó, cuộc sống thiếu thốn nhưng người dân xứ Tiên luôn lạc quan, yêu đời. “Đời sống tinh thần của bà con trước giải phóng chẳng cần cầu kỳ vì nhà nào cũng đói khổ cả. Có gia đình dành dụm, chắt góp cả tháng trời chỉ để có tiền cho con cái họ được cắt tóc. Không phải vì họ sĩ diện hay đua đòi đâu, họ nghèo nhưng luôn mong những đứa trẻ của mình được gọn gàng và tươm tất thôi”, ông Trà giải thích.

Ngày còn nhỏ, làng quê nghèo nơi ông Trà sinh sống chỉ có duy nhất một ông giáo dạy học. Ngoài giờ lên lớp, ông giáo già còn làm thêm nghề hớt tóc dạo. Vị thầy giáo đó nổi tiếng có đôi tay khéo léo và biết kể những câu chuyện tiếu lâm lôi cuốn người nghe. Lũ trẻ con trong làng thường lố nhố vây quanh người được ông giáo già hớt tóc chỉ vì tò mò và ham vui. Sau, ông Trà được ông giáo già yêu mến nên truyền lại nghề và bộ đồ hớt tóc. Những khách hàng đầu tiên của ông Trà cũng là lũ bạn cùng trang lứa hoặc vài người trong nhà. Và để có khách, ông Trà vui vẻ hớt tóc miễn phí cho bất cứ ai có nhu cầu.

Ông Trà bảo người hớt tóc giỏi là một người luôn làm khách hàng hài lòng.

“Xấu lắm! Lúc mới hớt, đôi tay thô cứng, chưa có kinh nghiệm nên nhiều đầu tóc tui cắt nham nhở nhìn chẳng giống ai”, ông Trà thật thà. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, từ niềm đam mê làm đẹp cho đời và óc hài hước đã khiến ông nổi tiếng cả vùng, “níu chân” bao vị khách khó tính đến hàng chục năm sau vẫn chỉ thích mỗi ông Trà hớt tóc.

Trong suốt cuộc nói chuyện với tôi, ông Trà chưa bao giờ coi hớt tóc dạo là một nghề.  Ông bảo rằng chỉ cần nhìn những nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ luộm thuộm được ông hớt tóc hay những ông chồng vụng về quanh năm “đầu tắt mặt tối” ngoài đồng ruộng được ông cắt, tỉa tươm tất thì bao nhiêu vất vả như tan biến chứ tiền bạc chẳng quan trọng. Ấy vậy nên tiền công hớt tóc cũng chẳng đáng là bao, ai có gì đổi đó, đôi khi còn khất nợ đến ngày mùa rồi trả một lần. Nhiều lần ông Trà đi đến các vùng Tiên Hiệp, Tiên Kỳ, Tiên Thọ xa nhà hàng chục ki-lô-mét để hớt tóc. Lúc về, vợ con thấy ông vác một bao gạo to. Ông cười nói rằng đó là tiền công của người dân trả cho những lần hớt tóc. Cả đời chỉ làm duy nhất một nghề mà ông Trà ví nó như “làm dâu trăm họ”. Ông luôn tâm niệm muốn thành nghề hớt tóc giỏi, điều đầu tiên phải biết sử dụng các đồ dùng như kéo, dao, tông đơ... Ông bảo những người thợ có kinh nghiệm, tinh tế, chỉ cần nhìn vào đầu khách hàng có thể biết ngay khuôn mặt họ hợp với kiểu tóc nào. Quan trọng hơn phải làm khách hàng thoải mái, hài lòng. “Dùng tông đơ sai hoặc một chút lơ là sẽ đứt tóc ngay, nếu không chú ý và thiếu cẩn thận chẳng may cầm dao cạo không vững sẽ làm sây sát, mất khách quen chứ chẳng đùa”, ông Trà tâm sự...

Bộ đồ nghề lâu nay đã trở thành người bạn tri kỷ của ông Trà trên những đoạn đường thăm thẳm.

Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng khi ông dừng chân tại ngôi nhà gỗ nhỏ có vườn cây xanh tốt, xung quanh tiếng chim hót líu lo, rộn rã trong ánh nắng hè. Đón chúng tôi, ông Võ Nhạc (80 tuổi), bạn lâu năm của ông Trà cười sang sảng: “Vẫn biết hiện nay những tiệm hớt tóc ở khắp nơi mọc ra như nấm, nhưng tui vẫn chỉ thích được ông Trà hớt tóc. Ổng mặc dù lớn tuổi nhưng mắt còn sáng, tay còn nhanh nhẹn lắm. Thích nhất khoản ráy tai rồi thêm tài kể chuyện hài hước. Người trẻ bây chừ chẳng ai làm khéo như ổng đâu”. Cẩn thận bày lỉnh kỉnh  bộ đồ nghề tại một góc nhỏ bên đường, sau vài phút ngắm nghía đầu tóc khách hàng, tôi đã nghe tiếng “xoẹt”, tiếng “sột soạt” phát ra từ tông đơ  kết hợp với đôi tay nhanh nhẹn, thoăn thoắt. Gia đình ông Nhạc, từ những đứa cháu cho đến con cái bao năm nay chỉ đồng ý cho mỗi ông Trà hớt tóc.

Ngoài là khách hàng lâu năm, ông Nhạc và ông Trà vốn là đôi bạn từ thuở thiếu thời. Họ gặp nhau ngoài chuyện hớt tóc, những lúc này còn là thời gian để đôi bạn già cùng hàn huyên lại những chuyện vui buồn trong cuộc sống.

Thương ông Trà cao tuổi, con cháu trong nhà cùng bàn bạc xây dựng cho ông một tiệm hớt tóc nhỏ hoặc sắm cho ông một chiếc xe đạp nhưng ông từ chối. Ông bảo đi bộ bao năm nay nên giờ nếu ở một chỗ không quen mà tay chân lại đau nhức vì không được vận động. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông Trà vẫn mong muốn đi đến những nơi xa xôi, hẻo lánh, các ngôi làng mà trẻ con nơi đó còn vô vàn thiếu thốn, niềm vui duy nhất của chúng là lúc hớt tóc được nghe ông Trà kể chuyện cổ tích. Ông nói rằng ông vẫn đi hớt tóc dạo đến khi nào sức khỏe yếu và mắt không còn nhìn thấy được nữa mới nghỉ.

Long Hữu