Đôi lời với Về miền ký ức
|
Tôi đọc Về miền ký ức (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn) của Bùi Văn Anh, một cựu chiến binh Quảng Trị nhiều năm là quân tình nguyện Việt Nam sống và chiến đấu ở chiến trường Lào. Câu chuyện là hồi ức của anh từ khi còn nhỏ ở làng quê Quảng Trị nghèo, đến những ngày di tản vì chiến tranh gian khổ; rồi học tiểu học, trung học ở xã khốn khó: "nhà ai cũng thiếu thốn, nhiều gia đình đông con thiếu vải, phải dùng bao cát để may mặc. Mọi người như nhau, nên chẳng ai thấy xấu hổ bởi áo quần sờn bạc hay rách nát". Câu chuyện xúc động về những năm chiến đấu ở Lào. Lúc này Lào đã hòa bình nhưng bọn phỉ Vàng Pao hoạt động khắp nơi. Bộ đội Việt Nam phải giúp bạn tiễu trừ phỉ, trả lại cuộc sống bình yên cho dân bản Lào. Cuộc chiến đấu cam go, rình rập hiểm nguy nhưng cũng vô cùng lãng mạn và cảm động. Câu chuyện tác giả đã yêu vụng lén một cô gái Lào ở bản Phôn Thoong. Hai người thư từ hò hẹn. Rồi anh lính Việt Nam giải ngũ về nước, hẹn 2 năm gặp nhau. Cô gái Lào vẫn chờ. 30 năm sau, cô gái vẫn ở vậy một mình... Và họ đã gặp nhau lúc tuổi đã già, lúc chàng trai đã có vợ con hạnh phúc, đầm ấm!
Rồi câu chuyện đồng đội, đồng hương đùm bọc yêu thương nhau ở chiến trường, trong hiểm nguy, gian khổ. Anh viết: "Ngày đó, gia tài người lính trở về chẳng có gì. Như chúng tôi, chỉ có chiếc ba lô và bộ áo quần sờn bạc, bộ nào còn mới và chăn màn đều để lại cho đồng đội. Tôi không có ý so sánh cuộc sống thời đó và bây giờ, nhưng không hiểu sao khi gian khó người ta sẵn sàng chia sẻ và giúp đỡ nhau, thời nay no đủ thì lại tham lam vị kỷ... Cũng mới đây thôi, thời bao cấp cực khổ thiếu thốn lắm, nhưng người ta sống với nhau thật tốt. Tôi nhớ những căn phòng tập thể chật hẹp, những bữa cơm đạm bạc, mà đầy ắp tiếng cười và những bát canh, dưa cà... của nhà bên cạnh mang cho...".
Vâng, nhớ lại thời đánh giặc, chúng ta phải luôn cật vấn mình: "Ta phải sống như thế nào để xứng đáng với đồng chí, đồng hương, đồng bào đã hy sinh thời lửa đạn?".
NGÔ MINH