Đổi mới chất vấn của Quốc hội và kiên trì đấu tranh chống tham nhũng
(Cadn.com.vn) - Ngày 30-11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị TP Đà Nẵng gồm các đại biểu: Huỳnh Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch Quốc hội; Huỳnh Nghĩa- Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng; Thân Đức Nam; Nguyễn Thị Kim Thúy; Lê Văn Hoàng đã có buổi tiếp xúc với cử tri (CT) 7 quận, huyện Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu và H. Hòa Vang để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII và tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của CT TP Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII |
Đưa ra nhiều quyết sách quan trọng
Báo cáo với CT Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, sau hơn 1 tháng làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành chương trình đề ra với khối lượng công việc rất lớn, quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Trong đó, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 Nghị quyết, cho ý kiến về 10 dự án luật. Một số nội dung quan trọng đã đạt được như: đã công nhận quyền chuyển đổi giới tính, bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh (cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy), không áp dụng hình phạt tử hình đối với người hơn 75 tuổi; người tham ô, nhận hối lộ bị kết án tử hình có thể được không thi hành án nếu nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô hoặc lập công lớn...
Quốc hội đã quyết định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016, đồng thời quyết định từ ngày 1-1-2016 thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để nâng lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở. Từ ngày 1-5-2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảm bảo thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Tại kỳ họp, Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về tổng kết tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015, chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, góp ý dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, các vấn đề về biển Đông...
"Nóng" vấn đề tham nhũng, biển Đông
Phát biểu tại các buổi tiếp xúc, đa phần các CT đều tỏ rõ sự hài lòng đối với kết quả của kỳ họp vừa qua, đồng thời tiếp tục gửi gắm đến các ĐBQH nhiều ý kiến, kiến nghị về các vấn đề: trách nhiệm của ĐBQH, chức năng giám sát, xây nhà làm việc của Quốc hội tại Đà Nẵng, tình hình biển Đông, nạn tham ô tham nhũng, việc tăng lương, quản lý người nước ngoài, an toàn vệ sinh thực phẩm, việc xây dựng nông thôn mới, việc giải ngân nguồn vốn kích cầu của Nhà nước khó đến với bà con nông dân, chủ trương HĐH-CNH nông nghiệp nông thôn chưa được triển khai đồng bộ, phương tiện cơ giới không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, vấn đề bỏ môn lịch sử trong cấp học phổ thông...
Các CT Đặng Vân, Nguyễn Trí Tổng, Lê Du Kiếm (Q. Hải Châu), Nguyễn Bá Trôi (Q. Thanh Khê), Lê Thưởng (Q. Ngũ Hành Sơn), Nguyễn Nhân (Q. Sơn Trà) cho rằng, trong kỳ họp vừa qua Quốc hội đã có sự đổi mới trong nhiều mặt công tác nhất là phần chất vấn, trả lời chất vấn đã tập trung vào những vấn đề bức xúc của CT, tham gia thảo luận, các ĐBQH đã thể hiện được năng lực, phẩm chất của mình vì quyền lợi của CT cả nước. Tuy nhiên, một số lãnh đạo các Bộ, ngành được chất vấn còn trả lời chung chung, chưa tập trung vào trọng tâm câu hỏi, né tránh trách nhiệm của mình.
Bàn về vấn đề các ĐBQH vắng mặt nhiều tại các buổi họp, thảo luận, CT Đặng Vân góp ý, trong Quốc hội Khóa XIV tới nên giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm và tăng lượng đại biểu chuyên trách để họ chuyên tâm hơn vào công việc của mình, thực hiện tốt hơn trách nhiệm của đại biểu trước CT. Còn CT Bùi Văn Hùng (xã Hòa Phong, Hòa Vang) cho rằng, vấn đề tham nhũng đã có chuyển biến nhưng còn nương nhẹ và theo lợi ích nhóm, nhiều án phạt chưa tương xứng với hành vi phạm tội, chưa được xử lý đến nơi đến chốn, số tài sản tham nhũng thu hồi được với tỷ lệ rất thấp.
Phát huy vai trò của ĐBQH
Đại biểu Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng tiếp thu các ý kiến của CT và sẽ tổng hợp để đưa ra trước Quốc hội trong kỳ họp sắp tới, đồng thời giải đáp một số vấn đề cụ thể ngay tại buổi tiếp xúc. Đại biểu Huỳnh Nghĩa khẳng định, dù là ĐBQH hay đại biểu HĐND thì cũng phải nói tiếng nói của CT và không sợ va chạm. Đem hết tâm huyết, trí tuệ của mình để thực hiện tốt nhiệm vụ do CT gửi gắm, giao phó.
Giải đáp về nạn tham nhũng, lợi ích nhóm, ĐB Huỳnh Nghĩa cho biết hiện cũng đang có nhiều nhóm lợi ích gây thiệt hại cho đất nước. Nhiều vụ việc tham nhũng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho nhân dân. Vấn đề này Quốc hội cũng đã thấy, Chính phủ cũng đã thấy nên trong thời gian tới chúng ta tiếp tục đấu tranh, giám sát thế nào để loại trừ các vấn nạn này ra khỏi xã hội.
Trả lời ý kiến của CT về vấn đề các ĐBQH vắng mặt tại một số cuộc họp, đại biểu Huỳnh Nghĩa thẳng thắn cho biết: "Chúng ta còn nặng về cơ cấu theo quy định. Có những tỉnh thành cả Chủ tịch và Bí thư đều tham gia Quốc hội, trong khi đó một kỳ họp diễn ra cả tháng trời, nếu ngồi ở Quốc hội miết thì làm sao công việc ở địa phương trôi chảy được, vì vậy có vị vừa mới cắp cặp ra họp thì lại phải về địa phương để giải quyết công việc. Vấn đề này tôi cũng đã có ý kiến tại kỳ họp vừa qua trong đó nhấn mạnh phải tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách, giảm dần đại biểu kiêm nhiệm thì các đại biểu mới toàn tâm toàn ý làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, mặt khác lãnh đạo các địa phương cũng sẽ tập trung giải quyết tốt hơn công việc của mình".
Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng khẳng định tình hình trên biển Đông hiện nay đang diễn biến rất phức tạp vì vậy chúng ta cần bình tĩnh, giải quyết trên cơ sở pháp luật quốc tế, vừa tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đồng thời cũng phải kiên trì đấu tranh lâu dài. Về vấn đề xây dựng nhà làm việc của Quốc hội tại Đà Nẵng, đại biểu cho rằng đây là quyết sách đúng đắn, vì mỗi khi các đại biểu ở xa về Hà Nội họp rất tốn kém, chưa kể đến nơi ở và đi lại vì vậy việc xây dựng trụ sở làm việc cho các đại biểu tại Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, trong đó người dân Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi từ những công trình này.
Liên quan đến kiến nghị của các CT đề nghị TP xem xét kêu gọi nhà đầu tư vào phát triển du lịch ven biển Nguyễn Tất Thành, tránh để đất bỏ hoang phí, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết, thời gian qua, TP đã có nhiều nỗ lực, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển Đà Nẵng tuy nhiên, không riêng gì Q. Liên Chiểu, trên địa bàn TP hiện đất để hoang vẫn còn nhiều. Thậm chí, có nhà đầu tư chỉ đầu tư với mục đích lấy đất nhưng không xây dựng gì, điển hình là một số dự án tại trung tâm TP...
N.Tuấn- V.Hậu- P.Thủy