Báo Công An Đà Nẵng

Đổi mới GDĐH hướng tới chất lượng thực tiễn và không ngừng phát triển

Thứ hai, 08/03/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 6-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị triển khai Chỉ thị 296/CT–TTg ngày 27-2-2010 của Thủ tướng Chính phủ về “Đổi mới quản lý giáo dục đại học (GDĐH) giai đoạn 2010-2012” tại 6 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ với sự tham dự của gần 1.400 đại biểu đại diện lãnh đạo T.Ư Đoàn TNCSHCM, Công đoàn GD Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố, các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ GD-ĐT, các Sở GD-ĐT và các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc. Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nhấn mạnh:

Nội dung cơ bản Chỉ thị 296

Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT thực hiện gồm 12 nội dung, yêu cầu. Cụ thể là tổ chức thảo luận trong tất cả các cơ sở GDĐH: Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay? Giai đoạn tiếp theo, cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch, rà soát lại các chỉ tiêu phát triển hệ thống GDĐH đến năm 2020; tăng cường công tác dự báo để các mục tiêu và chỉ số phát triển GDĐH có tính khả thi, làm cơ sở xây dựng “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020”.

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của xã hội; nâng cao việc đánh giá và kiểm định chất lượng GDĐH theo hướng đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của các trường ĐH, CĐ. Nhất thiết phải xây dựng tiêu chuẩn và hình thành một số cơ quan kiểm định chất lượng GDĐH độc lập. Bộ GD-ĐT triển khai việc phân cấp mạnh mẽ cho các cơ sở GDĐH, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các trường. Tăng cường bộ máy giúp việc cho UBND cấp tỉnh nơi có cơ sở của trường để bộ máy này thực hiện việc giám sát các trường trên địa bàn mình quản lý.

Nâng cao năng lực quản lý của các hiệu trưởng, hiệu phó các trường ĐH, CĐ thông qua việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh, quy hoạch cán bộ lãnh đạo trường giai đoạn 2010-2015. Thủ tướng chỉ thị, ngành GD cũng phải có định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT từ năm 2010 - 2015. Kiểm tra chặt chẽ các trường áp dụng mức trần học phí mới theo hướng tăng học phí phải gắn liền với các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng đào tạo. Thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, chính sách tín dụng cho SV và việc cấp bù học phí được miễn giảm cho các trường.

Bên cạnh đó, cần tiến hành kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các cam kết của các cơ sở GD trong đề án thành lập trường về cơ sở, vật chất, đội ngũ nhà giáo, chương trình học..., nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo. Đặc biệt, Phó Thủ tướng nghiêm khắc yêu cầu xử lý triệt để các trường sau 3 năm thành lập không đáp ứng đủ các tiêu chí, điều kiện của một trường ĐH, CĐ như cam kết. Theo đó, các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.

 Các đại biểu tham dự hội nghị triển khai Chỉ thị 296 tại đầu cầu Đà Nẵng. Ảnh: A.H

Chất lượng - tự chủ, hai yếu tố song hành

Theo nhận định thẳng thắn của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, sau 23 năm đổi mới cùng đất nước và 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển GD 2001-2010, hệ thống GDĐH nước ta vẫn chưa có chuyển biến đáng kể; còn tồn tại nhiều yếu kém về chất lượng và hiệu lực quản lý Nhà nước về GDĐH. Với thực trạng các trường ĐH như hiện nay, nếu tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp thì trường sẽ quá tải. Để thay đổi, không phải bằng cách thay đổi đột ngột các đầu vào mà là thay đổi cách vận hành, tăng chất lượng bằng chính những điều kiện sẵn có...

Nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong hệ thống GDĐH, Nghị quyết của Ban cán sự Đảng bộ Bộ GD-ĐT về “Đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012” cho rằng, mặc dù đã phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo; bước đầu điều chỉnh cơ cấu hệ thống, cải tiến chương trình, quy trình đào tạo; nguồn lực xã hội được huy động nhiều hơn và đạt được nhiều kết quả tích cực...

Tuy nhiên, “công tác quản lý của Bộ GD-ĐT đối với các trường chưa đổi mới đáng kể để phù hợp với các quy luật chi phối hoạt động của hệ thống GDĐH, đòi hỏi của xã hội và phát triển xã hội. Phương pháp quản lý Nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ một mặt còn tập trung, chưa có quy chế phối hợp với các bộ, ngành, chưa phân cấp cho chính quyền địa phương, chưa tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo thực hiện quyền và trách nhiệm tự chủ...”.

Tham luận tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đều tán đồng và nhất trí cao về việc cần đổi mới mạnh mẽ trong quản lý GDĐH. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới cần phải có chế tài để xử lý nghiêm và rõ ràng hơn. Theo PGS-TS Phùng Xuân Nhạ-Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-ĐH Quốc gia Hà Nội-cần có chế tài gắn liền với tự chủ và chất lượng, cụ thể là: “Phải có cơ quan kiểm định chất lượng độc lập. Phải có tiêu chí đánh giá để ghi nhận chất lượng, qua đó làm động lực cho các trường phấn đấu.

Chỉ khi nào các trường đạt được những tiêu chí đó thì trường đó được quyền tự chủ...”. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Toàn- Giám đốc ĐH Huế- hệ thống văn bản pháp quy vừa thiếu vừa không đồng bộ và không theo kịp  thực tiễn. Đặc biệt, kỷ cương trong quản lý chưa được thực hiện nghiêm. Mặt khác, việc phân cấp, phân công chậm trễ, nhất là trong xử lý công việc hành chính đối với các cơ sở GDĐH. Đối với công tác kiểm định chất lượng cũng như trong quản lý GD, PGS-TS Nguyễn Văn Toàn đề nghị, cần thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng GD độc lập, quản lý Nhà nước về công tác kiểm định...

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, con đường và cơ chế phát triển của GDĐH  trong thời gian đến phải hướng tới chất lượng thực tiễn và không ngừng phát triển. Theo đó, giải quyết những khó khăn, tồn đọng của GDĐH hiện nay cần có bước đột phá trong công tác đổi mới quản lý, đổi mới cách làm. Chương trình hành động của Bộ được thực hiện trong 3 năm,  trong đó, 3 tháng đầu của năm 2010 sẽ tập trung triển khai và thảo luận trong toàn ngành cho tới các bộ môn, các thầy cô và từng SV.

A.Hào

(lược ghi)