Báo Công An Đà Nẵng

Đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền dân chủ XHCN

Chủ nhật, 16/03/2014 23:53

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-3-2014, tại TP Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (Nhóm 4) và Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo về “Đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”.

Quang cảnh hội thảo.

Các đồng chí: Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng nhóm; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch  Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cùng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Hàn lâm Khoa học - xã hội Việt Nam và lãnh đạo Thành ủy, các ban, ngành của Đà Nẵng.

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng nhóm 4 nêu rõ tầm quan trọng của 3 nội dung: Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí Ngô Văn Dụ nhấn mạnh, việc đầu tiên cần làm rõ là về nhận thức đối với từng nội dung qua các kỳ Đại hội Đảng từ sau thời điểm đổi mới để từ đó nhận thấy được ưu điểm để phát huy, những bất cập, tồn tại, yếu kém, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục. Trên cơ sở tổng kết từ thực tiễn, có kiến nghị với Trung ương những giải pháp, chủ trương cần đổi mới, bổ sung nhằm hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng các cấp.

Đồng chí Ngô Văn Dụ chỉ rõ,  từ thực tiễn, TP Đà Nẵng đã gợi ra nhiều vấn đề nên BCĐ đã chọn Đà Nẵng để tập trung nghiên cứu chuyên đề của Nhóm 4. Đối với nội dung đổi mới hệ thống chính trị, cần làm rõ vị trí, vai trò, chức năng của hệ thống chính trị; vai trò của các thành viên trên địa bàn TP; nội dung, phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy trong nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN; nhìn nhận một cách sâu sắc mối quan hệ giữa hệ thống chính trị với cơ quan nhà nước, các tổ chức, đoàn thể, Mặt trận.

Đối với nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần làm rõ bản chất của Nhà nước pháp quyền để đảm bảo sự thống nhất; làm rõ nội dung, cơ chế, phương thức, phân công, phân cấp, phân quyền giữa T.Ư, địa phương để thực thi quyền lực một cách thống nhất, tạo động lực cho sự phát triển; đồng thời nhìn nhận rõ những bất cập, yếu kém để có sự điều chỉnh, đổi mới, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình. Đối với nội dung cuối cùng về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng chí Ngô Văn Dụ đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm và kết quả đạt được của TP Đà Nẵng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả quan điểm “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”.

TP Đà Nẵng đang xây dựng Đề án thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện, phường, do đó cần tập trung thảo luận sâu sắc về tổng kết lý luận và thực tiễn trong thời gian qua. Cụ thể, làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị; phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; đánh giá về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy, đội ngũ cán bộ của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận các vấn đề: Phát huy dân chủ, xây dựng hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân; thực trạng phân công, phân cấp, phân quyền, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan; thí điểm mô hình chính quyền đô thị - đòi hỏi khách quan từ thực tiễn quản lý; chuyển tiếp cán bộ, công chức cấp phường, xã thành công chức cấp quận, huyện trở lên; một số kết quả phát huy dân chủ tại cấp cơ sở xã, phường; thực hiện công tác cải cách tư pháp; phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu cũng tham gia đóng góp cho dự thảo báo cáo tổng kết chuyên đề “Đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” của Thành ủy Đà Nẵng; đồng thời, đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Trung ương.

Đó là cho phép Đà Nẵng sớm được thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình hai cấp hành chính: cấp thành phố và cấp phường nhằm giảm bớt tầng nấc trung gian; sớm tổng kết, đánh giá thật khách quan, khoa học việc thực hiện thí điểm chủ trương thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường; ban hành Luật Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, phản biện của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phường, xã; có văn bản hướng dẫn việc xây dựng Quy chế hoạt động mẫu để các địa phương phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo; sửa đổi Luật Cán bộ, công chức hiện hành theo hướng có sự liên thông đương nhiên giữa CBCC cấp phường, xã với cán bộ, công chức các cấp trên và ngược lại (không phải xét cho liên thông đối với một số trường hợp cụ thể như hiện nay)...

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Ngô Văn Dụ tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo. Trên cơ sở kết quả hội thảo này, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị nhằm sớm hoàn thiện dự thảo báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

* Ngày 16-3, Ban Chỉ đạo T.Ư tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (Nhóm 4) do đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Nhóm 4 và đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Phó Trưởng Nhóm 4 dẫn đầu đã tiếp tục có các cuộc làm việc với Thường trực Quận ủy Thanh Khê (TP Đà Nẵng); Ban Thường vụ Đảng ủy P.Thạc Gián để nghiên cứu, khảo sát những nội dung liên quan đến công tác sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng và phát triển đội ngũ CBCC-VC; về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và kiện toàn các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội; việc thực thi quyền lực quản lý Nhà nước trên địa bàn; thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở; nghiên cứu từ thực tiễn thí điểm mô hình quận, phường không tổ chức HĐND; mô hình thí điểm Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND quận, phường...

Phương Kiếm