Đổi mới phương pháp đào tạo, giảng dạy ngành kế toán, kiểm toán
Trong thời gian tới, việc vận dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), cũng như xu thế chung của các quốc gia trên thế giới trong việc áp dụng IFRS đã đặt ra cho các trường ĐH Việt Nam rất nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán.
Việc tiếp cận đào tạo IFRS tại các trường ĐH Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. |
Chuẩn mực kế toán quốc gia, thúc đẩy môi trường kinh doanh
Theo ông Vũ Đức Chính - Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán (Bộ Tài chính), cùng với xu hướng toàn cầu hóa về hợp tác và phát triển kinh tế, phạm vi hoạt động của các nhà đầu tư trải rộng trên toàn thế giới, kế toán không còn là vấn đề mang tính nội tại của từng quốc gia. Ngày nay, nhu cầu này đòi hỏi phải xúc tiến quá trình hài hòa, thống nhất chuẩn mực kế toán quốc gia với chuẩn mực kế toán quốc tế nhằm tạo ra một ngôn ngữ chung về kế toán, giúp thúc đẩy môi trường kinh doanh, tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cần hiểu rõ việc áp dụng IFRS tại Việt Nam không chỉ hoàn toàn thuận lợi.
Ông Vũ Đức Chính cho biết: "Thách thức, khó khăn nhất trong việc áp dụng IFRS là vấn đề nguồn nhân lực. Các trường ĐH, nơi cung cấp nguồn nhân lực đầu ra cho xã hội chưa đưa vào chương trình đào tạo các nội dung của IFRS dẫn đến hầu hết sinh viên khi ra trường chưa được trang bị kiến thức về IFRS. Những người làm công tác kế toán tại các doanh nghiệp cũng chưa được đào tạo IFRS do thiếu các cơ sở đào tạo có đủ trình độ hiểu biết chuyên sâu về IFRS. Hiện chỉ có một vài tổ chức nghề nghiệp quốc tế như ACCA, ICAEW, CPA Australia có chương trình đào tạo nhưng số lượng người tham dự chưa nhiều, phạm vi phổ biến chưa rộng. Một khó khăn nữa là thị trường hoạt động (active market) của Việt Nam chưa đủ mạnh, các căn cứ phục vụ cho việc xác định giá trị hợp lý của một số tài sản và nợ phải trả chưa thực sự đáng tin cậy, nhất là trong bối cảnh tính tuân thủ luật pháp của một bộ phận doanh nghiệp chưa cao, dẫn đến tình trạng cố tình bóp méo các thông tin được công bố theo ý định chủ quan của người quản lý, điều hành phát sinh từ việc thực hiện các ước tính kế toán một cách không trung thực".
Hướng đến việc thực hiện chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án và lộ trình cụ thể để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, đảm bảo vừa mang tính hội nhập, vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý và đặc thù của nền kinh tế. Theo đó, đang gấp rút triển khai nghiên cứu các nội dung của IFRS, xem xét sự khác biệt giữa VAS và IFRS và đánh giá các tác động, tính khả thi, lợi ích cũng như khó khăn, thách thức có thể gặp phải khi áp dụng IFRS, từ đó xây dựng lộ trình và định hướng cho Việt Nam trong việc áp dụng IFRS.
Đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo
Nhiều cán bộ, giảng viên các trường ĐH nhìn nhận rằng, trong bối cảnh thời lượng đào tạo môn kế toán có hạn, lại bị chi phối bởi các môn học khác trong chương trình đào tạo tổng thể, việc xây dựng phương pháp đào tạo kế toán phù hợp với IFRS càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội. Tuy nhiên, việc tiếp cận đào tạo IFRS tại các trường ĐH Việt Nam hiện nay cũng gặp phải những khó khăn và thách thức nhất định.
Theo TS.Đường Thị Quỳnh Liên (Trường ĐH Vinh), thách thức cơ bản trong giảng dạy kế toán là việc người dạy kế toán có kiến thức tốt để giảng dạy IFRS bằng việc sử dụng phương pháp dựa trên các nguyên tắc. Theo đó, người dạy phải tự tích lũy các kiến thức về IFRS cũng như nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán và các hiệp hội kế toán. Cũng nhân cơ hội này, các nhà đào tạo kế toán cần thay đổi chương trình đào tạo theo hướng giảng dạy, dựa trên chuẩn mực chung và sử dụng nguồn tài liệu đa dạng cho giảng dạy IFRS. Để đạt được mục tiêu này, người dạy kế toán cần phải tiếp cận đến các phương pháp giảng dạy sáng tạo như mô phỏng, đóng vai, học dựa trên giải quyết vấn đề, phân tích trường hợp điển hình với nhiều giải pháp thay thế, trình bày trên lớp… "Ngoài việc giảng dạy theo phương pháp, tập trung vào sinh viên (student-centered) thì còn có thêm một số phương pháp giảng dạy trực tuyến. Tuy nhiên, cơ hội tiếp cận đến nguồn tài liệu kế toán để tăng cường giảng dạy IFRS là hạn chế, trong các nước có nền kinh tế mới nổi và ở các quốc gia khi đòi hỏi tài liệu phải được dịch ra tiếng nước sở tại. Cùng với đó, khi áp dụng IFRS thì vẫn còn sự khác biệt giữa các quốc gia về chất lượng kế toán. Theo đó, người dạy kế toán cần nhận biết sự khác biệt trong việc giảng IFRS và điều chỉnh cách giảng dạy để sự khác biệt quan trọng được nhận diện khi giải thích và áp dụng IFRS", TS Đường Thị Quỳnh Liên cho hay.
PGS.TS Nguyễn Công Phương (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) chia sẻ: Khi chuyển đổi áp dụng IFRS sẽ nảy sinh nhiều vấn đề về đào tạo kế toán tài chính như thái độ dạy và học, phương pháp dạy và học và phương pháp đánh giá. Những khó khăn này có thể không được giải quyết một sớm một chiều do truyền thống về dạy và học các môn kế toán tài chính và những khác biệt về bối cảnh của nước ta so với bối cảnh các nước phát triển. Tuy nhiên, việc thay đổi này sẽ có những hệ quả tích cực nhất định đối với đào tạo kế toán.
"Khi chuyển qua áp dụng IFRS sẽ là cơ hội giúp làm phong phú thêm nội dung môn học kế toán tài chính; tạo ra động cơ để thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy. Các giảng viên sẽ rà soát lại mục tiêu giảng dạy; soạn thảo, bổ sung, cập nhật các tài liệu, giáo trình, các bài tập tình huống phù hợp với IFRS. Qua đó giúp cho giảng viên cập nhật kiến thức và nâng cao chất lượng trình bày và nghiên cứu tình huống. Mặt khác, đổi mới chiến lược dạy và học trong bối cảnh IFRS sẽ giúp cho sinh viên cởi mở hơn về trao đổi chuyên môn với giáo viên. Thay đổi thái độ học theo hướng tăng cường xét đoán, phân tích sẽ giúp sinh viên tích cực hơn trong lớp học, tích lũy được những kỹ năng nhận diện, phân tích và giải quyết các vấn đề đặt ra trong kế toán tài chính. Học trong bối cảnh IFRS cũng sẽ giúp sinh viên có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế", PGS.TS. Nguyễn Công Phương nhìn nhận.
KHẢI MINH