Báo Công An Đà Nẵng

Đổi mới triệt để công tác thi gắn với hoạt động dạy học

Thứ ba, 07/08/2018 11:56

"Với những kết quả mà kỳ thi THPT quốc gia mang lại, trước mắt, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia và rút kinh nghiệm, giám sát chặt chẽ quy trình chuẩn bị, ra đề, coi thi, chấm thi, không được chủ quan và không được giao phó toàn bộ cho các địa phương. Đồng thời, phải tập trung nguồn lực nghiên cứu một mô hình dạy-học và kiểm tra đánh giá một cách khoa học, có tính hệ thống và phù hợp với thực tiễn của đất nước; đầu tư xây dựng ngân hàng đề thi quốc gia đảm bảo khoa học, khách quan phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; công bố lộ trình chuyển đổi hợp lý để cho các bên liên quan chuẩn bị cũng như tránh những tác động tiêu cực cho người học, người dạy và cho xã hội", PGS.TS Võ Văn Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) bày tỏ.

PGS.TS Võ Văn Minh.

Nhìn nhận đúng thực tiễn

Nhìn nhận về công tác coi thi, đề thi năm 2018, PGS.TS Võ Văn Minh nhìn nhận: Về công tác coi thi, nhìn chung công tác tổ chức coi thi năm nay không khác nhiều so với năm 2017. Việc điều động giảng viên của các trường đại học về tham gia coi thi tại các địa phương tương tự như năm 2017, đồng thời đã rút kinh nghiệm về những vấn đề bất cập, lúng túng của địa phương so với năm trước. Với vai trò là cán bộ thanh tra lưu động tại Hội đồng thi tỉnh Phú Yên, tôi đã đi kiểm tra nhiều điểm thi tại TP Tuy Hòa cũng như các huyện. Tôi đánh giá công tác chuẩn bị cũng như coi thi tại Phú Yên được thực hiện rất tốt và rất nghiêm túc. Năm nay, do mỗi thí sinh được phát một mã đề riêng, nên hầu hết các điểm thi đều rất trật tự.

Về đề thi, theo đánh giá của các thầy cô chuyên môn, hầu hết đề thi năm nay đều khó hơn năm 2017 và có sự phân hóa cao. Điều đó cũng đã được thể hiện ở kết quả thi với các phổ điểm đã được phân tích và công bố. Với việc phân hóa rõ về kết quả thi sẽ thuận lợi cho các trường ĐH chọn được thí sinh có chất lượng đồng đều ở các thứ hạng khác nhau.

PGS.TS Võ Văn Minh chia sẻ: "Sau khi có kết quả thi và đặc biệt xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở Hà Giang, Lạng Sơn, cơ quan chức năng đã vào cuộc và phát hiện có sai sót, tiêu cực, đấy là điều thực sự đáng tiếc cho ngành giáo dục và đào tạo. Về quan điểm cá nhân, tôi xin khẳng định quy định chấm thi ĐH và THPT về cơ bản rất chặt chẽ, không phải lỏng lẻo như một số người nhận định. Chính vì vậy, việc rà soát tất cả các Hội đồng thi một cách nghiêm túc và công bố cho toàn xã hội được biết là điều nên làm. Cũng cần phải nói thêm rằng, sau khi rà soát xong phải biểu dương các cá nhân, đơn vị làm tốt, làm đúng, vì có ai tham gia công tác thi mới thấy hết được sự vất vả, khổ nhọc và áp lực của công việc "ăn cám trả vàng". Đồng thời phải nghiêm minh với những đơn vị, cá nhân làm sai và đặc biệt cố tình làm sai. Phải xử lý thật nặng ở khung cao nhất với những người lợi dụng chức quyền can thiệp vào kết quả thi".

Thí sinh được tạo điều kiện thuận lợi với hình thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay.

Cần phải có quyết tâm của toàn hệ thống chính trị

Là người từng tham gia vào công tác chấm thi trong nhiều năm, PGS.TS Võ Văn Minh cho rằng không thể có một cá nhân nào tham gia vào một khâu trong quy trình chấm thi có thể làm thay đổi kết quả thi nếu quy trình được thực hiện đúng. Chẳng hạn như mở một phòng đựng bài thi, hay mở một thùng đựng bài thi cũng đều có sự giám sát cả. Nếu chưa đủ thành phần thì không thể có ai tự ý thực hiện. Qua những sự việc xảy ra ở các địa phương vừa rồi, Bộ GD-ĐT cần phải rút kinh nghiệm về việc giám sát quy trình thi THPT một cách toàn diện nếu vẫn tiếp tục thực hiện hình thức này.

2017 là năm đầu tiên giao về địa phương tổ chức coi và chấm thi, đồng thời điều động các trường ĐH tham gia phối hợp và giám sát. Năm nay, mọi việc vẫn như cũ, chỉ có một sự thay đổi là các trường ĐH ở ngoài tỉnh không trực tiếp giám sát chấm, mà chỉ điều động các trường tại địa phương tham gia giám sát. "Đây có thể là một điểm yếu có thể bị lợi dụng. Mặt khác, do rút được kinh nghiệm từ quy trình chấm năm 2017 và sự giám sát lỏng lẻo nên những người tham gia trực tiếp đã lợi dụng. Song, nếu chúng ta cứ chạy theo kiểu "sai đâu sửa đó" thì chắc hết lỗi này sẽ có lỗi khác. Chính vì vậy theo quan điểm của cá nhân tôi cần phải có một nghiên cứu thật kỹ lưỡng và xây dựng một lộ trình dài hạn đổi mới triệt để công tác thi gắn với hoạt động dạy học của các trường. Việc đánh giá người học không thể tách rời với hoạt động dạy-học được. Nếu cứ thay đổi cách thi để cho các trường và giáo viên thay đổi cách dạy thì sẽ dẫn đến kiểu chạy lòng vòng", PGS.TS Võ Văn Minh đưa ra quan điểm.

PGS.TS Võ Văn Minh chia sẻ thêm: Hiện nay, có nhiều quan điểm cho rằng nên bỏ kỳ thi THPT và giữ kỳ thi ĐH, cao đẳng sẽ giảm áp lực và thực chất hơn. Theo nhận định của nhiều người và cả cá nhân thì kỳ thi ĐH trước đây rất nghiêm túc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự cạnh tranh tuyển sinh của các trường ĐH và sự thiếu kiểm soát của cơ quan chức năng thì việc giao khoán cho tất cả các trường ĐH cũng cần phải xem xét cẩn thận. Mặt khác, việc bỏ hẳn kỳ thi THPT quốc gia cũng là một vấn đề cần lưu ý đến những hệ lụy khác kèm theo. "Do vậy, theo tôi trước mắt nên giao công tác thi và xét đủ điều kiện tốt nghiệp THPT cho các địa phương và có sự giám sát của các trường ĐH và cơ quan chức năng. Tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn quốc gia bậc THPT cho học sinh ở một số trung tâm khảo thí có uy tín. Kết quả này sẽ là giấy thông hành cho thí sinh lựa chọn vào các trường ĐH, cao đẳng nếu có nhu cầu. Việc tổ chức đánh giá có thể diễn ra quanh năm, không phải tập trung vào một mùa để đỡ áp lực cho xã hội và thí sinh. Ngoài ra, các trường có tính chất đặc thù hoặc phân hạng cao có thể xây dựng đề án tuyển sinh và tổ chức thi tuyển riêng để lựa chọn thí sinh với những năng lực và tố chất đặc thù", PGS.TS Võ Văn Minh nói.

"Tóm lại, mục đích của giáo dục là phải hướng đến dạy thật, học thật và thi thật, mọi gian lận đều phi giáo dục và phải bị trừng trị. Để đạt được một nền giáo dục thật phải có quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, phải thực hiện đồng bộ và làm sao cho người dạy học yêu nghề dạy, người học yêu việc học, chuyện thi cử phải chính là việc tự kiểm tra năng lực bản thân", PGS.TS Võ Văn Minh nhấn mạnh.

KHẢI MINH