Báo Công An Đà Nẵng

Đối ngoại đa phương thế kỷ XXI và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Thứ tư, 13/08/2014 07:02

(Cadn.com.vn) - Ngày 12-8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị đối ngoại đa phương thế kỷ XXI và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; các chuyên gia hàng đầu thế giới về đối ngoại đa phương là nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy, nguyên Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Jayantha Dhanapala, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, đại diện của các bộ, ngành, địa phương, một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam tham dự Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Hội nghị được xem là dịp tổng kết chặng đường gần 30 năm đối ngoại đa phương của Việt Nam, đánh giá thành tựu cũng như đúc rút những bài học về đối ngoại đa phương của nước ta trên tất cả các lĩnh vực trong thời kỳ đổi mới. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, đối ngoại đa phương ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống chính trị - kinh tế - đối ngoại của thế giới và cũng là một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đánh dấu bước chuyển quan trọng về tư duy đối ngoại. Chúng ta chủ trương “triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các hoạt động đối ngoại” trên tất cả các kênh song phương và đa phương, dựa trên sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ngoại giao Nhà nước - đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân. Đại hội XI của Đảng cũng đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và đã được cụ thể hóa bằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, theo đó hội nhập quốc tế là định hướng chiến lược lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, trên cơ sở các chủ trương lớn của Đảng và xu thế chung của thế giới, cần xác định đối ngoại đa phương là bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đối ngoại đa phương là phương tiện hữu hiệu để triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế. Các thể chế, các diễn đàn đa phương là nơi Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển; nâng cao vị thế của mình trên cơ sở hài hòa với các lợi ích chung; cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Đồng thời, đây cũng là nơi Việt Nam thể hiện tinh thần “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

“Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình Biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, của ASEAN, Phong trào Không liên kết ”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chính sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ của các bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đối với lập trường chính nghĩa của Việt Nam đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ hiệu quả của Liên hợp quốc, WTO, ASEAN, các tổ chức quốc tế, khu vực, các học giả, các nhà nghiên cứu và những người bạn thân thiết của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới và trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam.

Thiện Thuật