Báo Công An Đà Nẵng

KỶ NIỆM 20 NĂM TP ĐÀ NẴNG TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG:

Đổi thay một vùng nông thôn

Thứ năm, 01/12/2016 10:46

(Cadn.com.vn) - Để so sánh về diện mạo vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) hôm nay với trước đây, chúng tôi đã có hành trình tìm gặp nhiều nhân chứng. Và trong mỗi câu chuyện, người dân đều cảm nhận quê hương họ giờ đây đã khác xưa nhiều lắm rồi... Nói đâu cho xa, trước tháng 9-2009, người dân thôn Thạch Bồ (xã Hòa Phong) muốn sang thôn Thạch Bồ, Bắc An (xã Hòa Tiến) thăm người thân phải bơi thuyền qua sông Yên rộng chừng 40m và ngược lại. Còn không thì chạy xe ngược ra QL14B vòng qua Ba-ra An Trạch (xã Hòa Khương) hoặc QL1A (đoạn qua xã Hòa Châu) rồi rẽ lên tuyến ĐT605 xa gần chục cây số mới đến được nơi. Học sinh xã Hòa Tiến học ở Trường THPT Ông Ích Khiêm (xã Hòa Phong), hay việc lưu thông nông sản qua chợ Túy Loan... tất cả đều phải di chuyển bằng đò. Nhiều người dân Bắc An kể lại, khi nghe tin khởi công xây dựng cầu qua sông Yên, các cụ già trong thôn mừng không kể xiết, rảnh rỗi là chống gậy ra bến đò "giám sát", đếm từng ngày chờ cây cầu mới hoàn thành. Bởi bao đời nay, người dân trong thôn luôn phải đối mặt với khó khăn. Mỗi mùa mưa lũ, nước bao bọc xung quanh nên việc học của con em phải gián đoạn; trung bình mỗi năm, phải nghỉ học từ 15-20 ngày. Hơn ai hết, bà Lê Thị Hoa thấu hiểu cuộc sống cơ cực của người dân nơi đây chỉ vì đò ngang cách trở. Nhiều năm tiếp nối sự nghiệp đưa đò, bà đã chở hàng ngàn lượt học sinh qua lại sông. "Sợ nhất là mùa mưa lũ, nước chảy xiết. Không hiểu hết dòng sông thì khó mà vững tay chèo. Thấy bọn trẻ mặt mày tái mét, tui lại thêm lo. Được cái may là chưa xảy ra sự cố nào, cứ mong có cầu để bọn trẻ đi học không còn nhọc nhằn như trước nữa", bà Hoa tâm sự. Còn theo ông Trần Tám (thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn), hồi đó, người dân ở vùng sâu, vùng xa như ông, mọi sinh hoạt trong nhà đều diễn ra dưới bóng đèn dầu. Vậy mà nay, nhà ai cũng có điện thắp sáng và còn sử dụng điện để phục vụ sản xuất nữa...

Ngược lên xã miền núi Hòa Phú, không ít người bồi hồi nhớ về một vùng đất từng là trọng điểm bị đánh phá trong chiến tranh, với những khu rừng hoang sơ, đường đất bụi mù và lầy lội chưa phai mờ trong ký ức. Là xã nghèo của huyện, sống nhờ trồng rừng và làm 1 vụ lúa. Từ năm 1997, hệ thống kênh mương được xây dựng kiên cố, nguồn nước tưới dồi dào nên bà con đã có thể trồng 2 vụ lúa/năm, tiếp đó là cải tạo vườn tạp xen canh hoa màu, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản nên cuộc sống khấm khá dần lên. Trước đây, hầu như người dân địa phương không có phương tiện tham gia giao thông, họ chủ yếu là đi bộ lên nương rẫy sản xuất, ít giao thương với bên ngoài. Nay hệ thống đường giao thông về đến tận vùng sâu, vùng xa. Xe máy được sử dụng phổ biến trong mọi gia đình. Đó là nhờ sự phát triển về kinh tế nên đời sống người dân được cải thiện rõ rệt. Việc học cái chữ của trẻ nhỏ được quan tâm hơn. Thêm vào đó trường học được xây dựng về tận cơ sở nên bây giờ ở vùng sâu, vùng xa, ai cũng biết đọc, biết viết nên nhờ đó họ đọc được báo, nghe đài, xem ti vi để nắm bắt các thông tin trong và ngoài nước, biết rõ hơn về các ngày lễ của dân tộc mà chỉ vài chục năm trước đây, họ không hề biết đến. Ông Nguyễn Khải (thôn Hòa Thọ) hồ hởi khoe: "Địa phương chúng tôi nay không khác gì TP, đường sá khang trang, có điện thắp sáng, có trường học cho mấy đứa nhỏ khỏi phải đi xa, có trạm y tế áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật... Từ trong cái nghèo, cái khó người dân đã cần mẫn tìm tòi, học hỏi và phát triển thành công các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Kinh tế nhiều gia đình khá hẳn lên, các con ăn học thành đạt. Miền núi hôm nay đã khác xưa lắm rồi".

Chiếc đò mỏng manh đưa người qua sông Yên chỉ còn trong ký ức.

Cầu Sông Yên hoàn thành góp phần thay đổi cuộc sống người dân nông thôn.

Còn nhớ, ngày đất nước thống nhất, nhiều vùng nông thôn Hòa Vang "bốn không", tỷ lệ hộ nghèo ở nhiều xã có nơi lên đến 70%. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn, làm phong trào thủy lợi, thâm canh tăng vụ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và cơ giới hóa nông nghiệp... thì nay, người dân Hòa Vang đang dần khoác lên mình chiếc áo của một thị dân. Điều này đã thể hiện qua một nhịp sống mới năng động, sáng tạo hơn sau khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc Trung ương, nhiều công trình được đầu tư xây dựng như: Khu phố chợ Túy Loan (xã Hòa Phong), Khu dân cư Nam Cẩm Lệ (xã Hòa Phước), Khu nhà vườn Hòa Ninh. Các tuyến ĐT602, ĐT605 trở thành những phố mới rộng thênh thang; các cây cầu Sông Yên, Tà Lang-Giàn Bí (xã Hòa Bắc), Diêu Phong (xã Hòa Nhơn), Trường Định (xã Hòa Liên) đã kết nối đôi bờ, tạo thuận lợi cho người dân vùng sâu, vùng xa sinh hoạt, sản xuất...

Để có được diện mạo như Hòa Vang hôm nay là cả một câu chuyện dài, không chỉ giải quyết trong một sớm, một chiều. Song, cốt lõi vẫn là làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân, nông nghiệp phát triển bền vững, bộ mặt nông thôn đổi mới, văn minh mà vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống. Hòa Vang anh hùng trong thời chiến, anh hùng trong thời kỳ đổi mới và năng động trong hiện tại. Dù còn đó bao bộn bề lo toan, nhưng với bề dày truyền thống anh hùng, chúng tôi tin rằng, Đảng bộ và nhân dân Hòa Vang lại tiếp tục sát cánh bên nhau, dân chủ, đồng thuận qua từng bước chuyển vững chắc để vươn đến những tầm cao mới.

Vy Hậu