Đổi thay nơi thủ phủ sâm Ngọc Linh (Kỳ 1: Bản mới nơi lưng chừng trời)
Thời điểm này, dưới các tán rừng già ở xã Trà Linh (H. Nam Trà My, Quảng Nam), sâm Ngọc Linh đang đâm chồi, nảy lá. Những cung đường quanh co uốn lượn theo sườn núi. Những thôn, nóc trước đây muốn đến phải đi bộ nửa ngày đường giờ đây ô-tô chạy đến nơi. Trà Linh đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trong những thủ phủ sâm lớn nhất Việt Nam.
Ngôi nhà của già Hồ Văn Diếu trị giá 5 ký sâm Ngọc Linh (700 triệu đồng). |
Đổi sâm lấy... nhà
Buổi trưa, nắng tháng 4 vẫn không làm vơi đi cái se lạnh nơi miền sơn cước. Tấp vào ngôi nhà ven đường đang có nhiều thanh niên tập trung, già Hồ Văn Diếu (70 tuổi, thôn 3, xã Trà Linh) cho biết, bữa nay con ông là Hồ Văn Tiến đang dựng nhà nên nhờ thanh niên trong nóc đến giúp. Nhà anh Tiến dựng sát bên nhà ông Diếu. Thấy ngôi nhà ông Diếu vừa hoàn thành rất khang trang, tôi hỏi: "Nhà mình làm xong hết bao nhiêu tiền vậy bố?". Nheo nheo đôi mắt, ông bảo: "Nhà này làm xong tôi trả hết 5 ký sâm loại 1. Còn tiền bao nhiêu nhà báo tính thử chứ tôi không rõ lắm". 5 ký sâm loại 1 theo như ông Diếu nói là loại 10 củ/1 ký để phân biệt với loại 2 (20 củ/1ký) hoặc loại 3 (30 củ/1 ký). Loại 1 có giá dao động từ 130 đến 150 triệu đồng/1 ký. Như vậy, nhẩm tính ngôi nhà ông Diếu làm xong hết khoảng 700 triệu đồng. Thấy chúng tôi còn bỡ ngỡ, anh Thân Văn Nam, một nhà thầu đang thi công nhà anh Tiến giải thích thêm: "Ở đây người dân không quy tài sản ra tiền mà quy ra sâm cả. Nếu chỗ quen biết, anh đến nhận làm nhà cho người dân, khi làm xong bàn giao, anh nói nhà này kinh phí hết bao nhiêu ký sâm họ sẽ lên rẫy nhổ về đưa chứ không đưa tiền mặt. Còn nếu nhà có sẵn tiền họ sẽ đưa anh ứng trước vài chục triệu đến 100 triệu, số còn lại khi nào làm xong họ sẽ nhổ sâm đem về đưa anh. Ở đây những thứ khác có thể ế nhưng sâm Ngọc Linh không ai chê cả. Bởi hiện cầu nhiều hơn cung, có bao nhiêu thương lái đều mua hết".
Mặt trời lúc này đã lên đến đỉnh đầu. Việc dựng sườn nhà cho anh Tiến tương đối hoàn chỉnh. Công việc tiếp theo cho những ngày tới là xây tường, lợp ngói. Thanh niên và những người thợ bắt đầu nghỉ việc để vào ăn bữa cơm thân mật do gia chủ thết đãi nhằm thể hiện lòng cảm ơn đối với những trai tráng trong làng đã đến phụ giúp dựng nhà. Gần 20 người quây quần bên mâm cơm với những lon bia lạnh tự nhiên không cần ướp đá. Vừa nhâm nhi, già Diếu cho chúng tôi biết thêm về cái duyên mà ông đã gắn bó với cây sâm Ngọc Linh: Năm 1997, ông Diếu làm nhân viên ở Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Sau nhiều năm làm việc tại đây, ông học cách trồng sâm và áp dụng triển khai trồng ở rẫy của gia đình. "Thời điểm đó sâm chưa có giá như bây giờ. Nhưng được các anh lãnh đạo khuyến khích trồng, đến mùa sâm cho hạt, mình lấy hạt về gieo trồng. Năm này qua năm khác, giờ vườn sâm mình cũng được rất nhiều"- già Diếu chia sẻ. Theo thời gian, dưới tán rừng già nguyên sinh của đỉnh Ngọc Linh, ông Diếu cùng các con cần mẫn "ươm mầm tương lai". Đến nay, ông không biết gia đình mình có bao nhiêu héc-ta sâm nhưng ước lượng có hàng ngàn cây sâm trên chục năm tuổi.
Thực hiện đề án quy hoạch vùng sâm quốc gia của Chính phủ, năm 2017 đường sá trên dãy núi Ngọc Linh bắt đầu được mở ra. Đến giữa năm 2018, ông Diếu rời nóc Hi Ló trên đỉnh đồi xuống ven đường mới mở dựng nhà nhằm thuận lợi việc đi lại. Ban đầu, ông làm căn nhà gỗ vợ chồng ông ở hết gần một tỷ đồng; tiếp đến làm một căn tương tự cho con trai đầu cách nhà ông 100 m, kinh phí hơn 700 triệu đồng. "Hai căn nhà đã hoàn thành trước tết rồi. Giờ mình làm tiếp cho con trai thứ hai. Mình có 5 đứa con trai, lần lượt đều có nhà mới. Sâm nhiều, của cải nhiều thì cũng để cho con cháu thôi", ông Diếu trải lòng. Căn nhà cấp 4 chưa đầy 100m2 với 2 phòng ngủ và 1 phòng khách được lợp bằng mái tôn nhưng hết 5 ký sâm (700 triệu). Đối với người dân nơi đây, đó là cái giá có thể chấp nhận được. Bởi trước đây vài năm, họ có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến có ngày mình sẽ ở trong một ngôi nhà xây kiên cố. Tuy đường đã mở nhưng giao thông còn khá cách trở, bởi vậy một viên gạch được đưa lên đến đây có giá 5.000 đồng; một bao xi-măng 200 ngàn đồng. Chi phí cao do công vận chuyển, nhưng đối với họ, mọi chi phí đã có sâm... lo rồi!.
Chia tay chúng tôi, ông Diếu hồ hởi tiết lộ thêm: "Con trai tôi đã có bằng lái ô-tô. Tôi đã đặt cọc mua chiếc xe 7 chỗ ở Đà Nẵng hết 10 ký sâm loại 1 rồi, đang chờ họ giao xe". Ở Trà Linh, gia đình ông Diếu không phải trường hợp điển hình về việc đổi sâm lấy nhà, mua ô-tô bởi trên đỉnh núi Ngọc Linh này, ai cũng có thể làm như vậy. Muốn nhà tầng, ô-tô, người dân nhổ sâm mang đến đổi.
Già Hồ Văn Diếu trò chuyện với P.V. |
Nóc tỷ phú
Cách nhà ông Diếu khoảng 1km, nóc Tắk Lang (thôn 3, xã Trà Linh) nằm lưng chừng trên đỉnh núi. Nơi đây, nhà cao tầng đang mọc san sát. Trong ngôi làng này phải kể đến gia đình ông Hồ Văn Hình xây dựng cơ ngơi hoành tráng nhất vùng. Một "quần thể" nhà kéo dài gần 100 mét được xây dựng liền kề. Phía dưới, một bờ kè chống sạt lở cao hơn 5m xây bằng đá hết 2,4 tỷ đồng. Phía trên bờ kè đầu tiên, một nhà xe dành riêng chỉ để ô-tô, tiếp đến nhà để xe máy; khu vực kế bên dùng chứa máy xay xát gạo; đến nhà kho, bếp nấu ăn và cạnh bên ngôi nhà hai tầng rộng hơn 100 m2. Chưa hết, một căn nhà kiểu biệt thự được lắp điều hòa các phòng. "Tổng số tiền đầu tư xây dựng dãy nhà này hơn 10 tỷ đồng. Việc xây dựng nhà cửa trên này đắt đỏ gấp 5 đến 10 lần so với đồng bằng, do quá trình vận chuyển vật liệu lên khó khăn", ông Hình giải thích. Để có được cơ ngơi này, ông Hình đã đổi hơn một tạ sâm loại 1, còn ô-tô mua trước Tết giá hơn 10 kg sâm. Vườn sâm gia đình ông Hình trồng trên núi, khi cần mua sắm gì thì lên nhổ mang xuống bán hoặc đổi.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh phấn khởi khi nơi đây đang đổi thay từng ngày."Tắk Lang gọi làng tỷ phú quả không sai. Từ những ngôi nhà chênh vênh bên sườn núi giờ đã có hơn 20 đại gia xây nhà to; hơn 10 gia đình mua ô-tô tiền tỷ phục vụ việc đi lại. Sắp tới, đường mở đến các làng khác trong xã sẽ có nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, xe ô-tô cũng được nhiều người dân mua để đi lại. Trà Linh đang đổi thay từng ngày", ông Thể cho hay. Theo thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội H. Nam Trà My, tính đến cuối năm 2018, bà con Xê Đăng ở xã Trà Linh đã gửi tiết kiệm gần 200 tỷ đồng, có nhà người gửi hàng chục tỷ đồng. Nguồn tiền đó có được đa số là tiền bán sâm Ngọc Linh. Nhưng đối với họ, đó chỉ là con số nhỏ, tài sản "khủng" hơn của các gia đình nằm trên những rẫy sâm bạt ngàn trên đỉnh Ngọc Linh.
BÃO BÌNH
Kỳ tới: Khát vọng phát triển du lịch trên núi Ngọc Linh