Báo Công An Đà Nẵng

Đổi thay ở Mô Rai

Thứ ba, 11/03/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Chiếc xe máy của chúng tôi khó nhọc leo qua những viên đá hộc lởm chởm trộn lẫn với lớp bụi đất đỏ để đến làng Le (xã Mô Rai, H. Sa Thầy, Kon Tum). Mãi đến gần xế trưa chúng tôi mới đến được làng Le, nơi 119 hộ dân với 459 khẩu người dân tộc Rơ Măm sinh sống.

Khác hẳn với suy nghĩ của chúng tôi, ngay từ đầu làng, đã thấy con đường nhựa phẳng lỳ chạy uốn lượn đi qua những ngôi nhà mái ngói, xen lẫn những ngôi nhà sàn khá đơn sơ của người dân nơi đây. Tại điểm trường được xây dựng trong làng, hàng chục học sinh đang ngồi học trong những dãy nhà xây khá kiên cố và sạch đẹp. Đây là thành quả của Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người do Chính phủ phê duyệt.

Ở Kon Tum, có 2 dân tộc rất ít người là Rơ Măm và Brâu được thụ hưởng từ Đề án phát triển giáo dục cho các dân tộc rất ít người. Thực hiện từ 2011-2015, Đề án tập trung chú trọng 4 vấn đề lớn gồm: Ưu tiên đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học cho các trường vùng dân tộc rất ít người; nâng cao năng lực, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng có 2 dân tộc này; ưu tiên trong tuyển sinh các bậc, cấp học, vận động học sinh dân tộc rất ít người vào học các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú; triển khai kịp thời đầy đủ các chính sách hỗ trợ học tập đối với các em.

Tùy theo hoàn cảnh gia đình các em học sinh được hỗ trợ tương ứng từ 40–100% mức lương tối thiểu. Ngoài ra, các em còn được hỗ trợ gạo, tiền mua đồ dùng học tập, áo quần hàng năm...

Theo thầy Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Kon Tum, đến nay, thành công nhất của Đề án là ý thức học tập của học sinh 2 dân tộc ít người này đã chuyển biến rất tốt. Điều này được cụ thể hóa bằng tỷ lệ học sinh ra lớp luôn được duy trì ở con số khá cao.

Thông qua việc đưa các em ra lớp, các em được tham gia học tập, tham gia các hoạt động giáo dục của nhà trường. Nhờ đó, các em được rèn luyện kỹ năng, giá trị sống và cũng từ đây những phong tục tập quán lạc hậu của người dân ở địa phương dần được loại bỏ.

Cô trò Trường dân tộc bán trú ở Mô Rai đang trao đổi bài học.

Trước đây, tuổi thơ của các em nhỏ người dân tộc Rơ Măm và Brâu gắn liền với những cánh rừng bất tận, những đồi nương rẫy nằm khuất vùng núi sâu. Hàng ngày các em theo chân người lớn lên nương, vào rừng săn bắt thú dưới cái nắng gay gắt của vùng biên giới Mô Rai.

Giờ đây, được sự giúp đỡ tận tình của thầy cô, các em đã được vui cắp sách đến trường. Em Y Chuyn, người dân tộc Rơ Măm (học sinh lớp 8A, Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Huệ ở xã Mô Rai) cho biết: “Em rất thích đi học vì đi học được được gặp nhiều bạn bè, được chơi đùa với nhiều bạn cùng tuổi. Em còn được thầy cô dạy những kiến thức mới, những gì chưa hiểu em luôn được thầy, cô giải thích tận tình”.

Em Y Hiền, đang học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Huệ thì nói: “Nhà em ở làng Le, cách xa trường nên được nhà trường tạo điều kiện cho ở lại học bán trú. Tại đây, em được các thầy cô chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Em còn được các thầy cô dạy phụ đạo các môn học. Bài nào không hiểu em được các thầy, cô chỉ bảo cho. Đi học, em thấy rất vui”.

Ở Kon Tum, Ban Giám hiệu các trường bán trú trên địa bàn luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em học sinh được ăn ở, sinh hoạt và học tập. Điều vui mừng hơn, giờ đây là chính phụ huynh của các em đã hiểu giá trị của kiến thức, lợi ích của việc đi học.

Thầy Nguyễn Trọng Trữ, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Huệ khẳng định: Không những chế độ chính sách đã tác động đến học sinh mà nhận thức của phụ huynh về việc học tập giáo dục con cái ngày được quan tâm hơn. Những học sinh học tại trường, vào cuối tuần, phụ huynh đã quan tâm, đến đưa đón con về và đến sáng thứ hai lại đưa con ra trường.

Bên cạnh đó, giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên chủ nhiệm với phụ huynh đã có sự trao đổi, liên hệ về việc học của các em, việc ăn ở bán trú, việc tham gia vào rèn luyện các hoạt động, các phong trào khác ở trường. Tuy nhiên ở bậc tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 còn khá bỡ ngỡ với trường lớp.

Vẫn còn có học sinh muốn ở nhà theo cha mẹ lên nương rẫy, bỏ học để vào rừng mưu sinh. Chính vì vậy, thầy cô giáo luôn phải “cắm làng, cắm bản”, thường xuyên vận động phụ huynh, vận động các em quay trở lại trường, lớp. Thậm chí, có giáo viên phải bỏ tiền túi và bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ đã vận động các em đi học lại. Nhờ đó, tỷ lệ ra lớp và tỷ lệ chuyên cần của các em nơi đây luôn đạt hơn 90%.

Cô giáo Lan, giáo viên chủ nhiệm lớp 2C Trường Nguyễn Huệ cho biết: “Chúng tôi là giáo viên trẻ dưới xuôi lên vùng sâu, vùng xa công tác đã được 4 năm. Khi mới đến lớp, các em học sinh còn nhút nhát lắm vì vậy cần có những lời động viên của cô giáo, đôi lúc các cô còn bỏ tiền ra mua bánh kẹo để động viên các em đến lớp đều”.

Được biết hiện nay, Mô Rai không còn những phòng học xiêu vẹo hay những phòng học phải “gồng mình” trong những ngày mưa bão. Học sinh ở đây cũng không còn phải ngồi co ro trong phòng học tranh tre, vách nứa hay những buổi học dưới ánh mặt trời chói chang. Học sinh cũng không còn phải băng rừng, lội suối để được đến trường.

Giờ đây, những phòng học được xây dựng khá kiên cố, khang trang ở tận những điểm làng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em đến trường. Với các trường ở xa, nhà trường sẵn sàng bố trí ăn ở nội trú cho các em. Năm học này, lần đầu tiên có 2 học sinh dân tộc rất ít người theo học các trường trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở bậc tiểu học và trung học cơ sở 3 năm qua của cả 2 dân tộc này luôn đạt tỷ lệ 100%.

Sỹ Thắng