Báo Công An Đà Nẵng

Đổi thay ở ngôi trường vùng ven

Thứ tư, 23/09/2015 10:54

(Cadn.com.vn) - Đã có thời phụ huynh, học sinh ở Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) truyền tai nhau câu nói vui: “Chuột chạy cùng sào mới vào... Ngũ Hành Sơn”. Câu nói vui ấy là để ám chỉ ngôi trường Ngũ Hành Sơn không là lựa chọn số 1 của học trò khi thi vào cấp 3. Thế nhưng vào trường THPT này rồi, phụ huynh, học sinh đã buộc phải thay đổi quan điểm khi mà thầy trò nơi đây dạy và học bằng cả yêu thương với những dấu ấn sâu đậm về tình cảm và chất lượng giáo dục.

THẬP DIỆN KHÓ KHĂN

Trường THPT Ngũ Hành Sơn được thành lập năm 1998 với muôn vàn khó khăn, cơ sở vật chất ban đầu hầu như không có gì. Năm đầu tiên trường phải học nhờ cơ sở của Trường THCS Lê Lợi. Năm thứ 2 trường mới có cơ sở đóng trên địa bàn P. Hòa Hải nhưng chỉ có một dãy phòng học, còn phòng hiệu bộ của Ban giám hiệu thì đặt ở... nhà dân. “Lúc đó chỉ trơ trọi một dãy phòng học, còn lại là cát và cát. Trời nắng, gió thổi cát bụi bay mù mịt, trời mưa thì lầy lội. Giáo viên đi dạy chẳng khác nào đi cày ruộng”, thầy Phó hiệu trưởng Ngô Tùng Lân nhớ lại.

Đó chỉ là một phần khó khăn trong số một núi khó khăn mà trường gặp phải. Là trường vùng ven, nơi điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, phụ huynh mải lo cái ăn cái mặc nên ít quan tâm đến việc học của con em, rất nhiều phụ huynh phó mặc cho nhà trường. Giáo viên lặn lội tìm đến nhà phối kết hợp với phụ huynh đa phần nhận được câu trả lời: “Tui mải lo kiếm sống không có thời gian, trăm sự nhờ thầy cô”.

Đang tuổi trăng rằm nhưng nhiều em đã là trụ cột của gia đình, một buổi đến trường một buổi ra đồng kiếm sống. Gần 1/3 học sinh của trường thuộc diện hộ nghèo. Thực tế đó dẫn đến điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 của trường luôn nằm trong tốp thấp nhất thành phố. Thống kê số học sinh thi tuyển vào lớp 10 đạt điểm cao đủ vào trường tốp trên như Trường Hoàng Hoa Thám chỉ vài chục em, số học sinh đủ điểm vào Trường Phan Châu Trinh chỉ trên dưới 10 em. “Những học sinh có học lực yếu thường có hạnh kiểm trung bình, yếu, hay nói cách khác đó là những học sinh chưa ngoan. Do đó, công việc giảng dạy của thầy cô chúng tôi thêm phần khó khăn”, thầy Hiệu trưởng Trần Đạt chia sẻ.

“Nuôi heo đất tiết kiệm” là phong trào đầy tính nhân văn được tổ chức hiệu quả nhiều năm qua tại Trường Ngũ Hành Sơn.

DẤU ẤN VỀ CHẤT LƯỢNG

Ra đời, hoạt động trong điều kiện nhiều khó khăn nhưng chỉ một thời gian ngắn, trường đã để lại những dấu ấn sâu đậm trên nhiều phương diện. Từ chỗ cơ sở vật chất hầu như không có gì nay trường đã được xây dựng khang trang, hiện đại với đầy đủ trang thiết bị dạy học. Từ 19 cán bộ, giáo viên, nhân viên, nay trường đã trên 90 người, trong đó 1/3 có trình độ thạc sĩ. Nhưng ấn tượng hơn cả vẫn là chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt thể hiện qua nhiều thành tích mà thầy và trò đạt được. Mấy năm đầu số học sinh đỗ ĐH, CĐ rất ít, chỉ trên dưới 10%, nhưng từ năm 2006 đến nay số học sinh đỗ ĐH, CĐ đã tăng lên nhiều và luôn ổn định ở mức trên 50%. Năm 2015, hơn 60% học sinh có điểm thi ĐH, CĐ từ 15 điểm trở lên. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay, Trường THPT Ngũ Hành Sơn là trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất thành phố trong số các trường vùng ven.

 “Thương hiệu” của nhà trường bắt đầu nổi tiếng từ năm 2007 khi học sinh Nguyễn Bá Kiên đỗ thủ khoa ĐH Đà Nẵng với số điểm 29,5. Hai năm sau, trường lại được xướng tên trên bảng vàng khi có tiếp một thủ khoa ĐH là em Trần Thị Kim Phượng đỗ thủ khoa Học viện hành chính khu vực phía Nam. Liên tục trong nhiều năm, nhiều học sinh của trường thi đại học điểm cao và đỗ vào trường tốp đầu như Y, Dược, Ngoại thương, Học viện an ninh... Tiêu biểu như em Lê Huỳnh Bộ, Nguyễn Văn Đô (Y Đa khoa, Huế), em Trần Thị Ái Loan (Dược, TPHCM), Huỳnh Thị Thúy Vân (Ngoại thương TPHCM), Trần Văn Mẫn (ĐH An ninh TPHCM)... Không chỉ có thủ khoa đầu vào ĐH, trường Ngũ Hành Sơn cũng rất tự hào khi học sinh của mình đạt thủ khoa đầu ra ĐH, đó là em Lê Thị Mỹ Linh - thủ khoa đầu ra ĐH Kinh tế Đà Nẵng năm 2011.

Thành tích trong thi học sinh giỏi thành phố cũng là một điểm sáng, có năm toàn trường đạt tổng cộng 64 giải. Trong đó những môn sử, địa, sinh là thế mạnh khi nhiều năm đạt giải đồng đội. Ngay cả môn toán, lý trường cũng có học sinh đạt giải nhất, nhì thành phố. Về thành tích thể dục thể thao ở cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng thành phố, trường nằm trong tốp 4...

DẠY HỌC BẰNG CẢ YÊU THƯƠNG

Khi hỏi về bí quyết, kinh nghiệm cho sự thành công, từ Ban Giám hiệu cho đến giáo viên đều khẳng định đó là kết quả của việc “dạy học bằng cả yêu thương”. Minh chứng cho điều này là việc giáo viên “vừa dạy vừa dỗ”, bởi với học sinh chưa ngoan mà không “dỗ” thì các em không chịu học. Không chỉ “dỗ”, thầy cô còn hết lòng quan tâm đến học sinh chưa ngoan, đặc biệt là học sinh nghèo, học sinh cá biệt. Với sự tận tâm dành cho học trò, nhiều giáo viên của trường được lên báo làm gương sáng về tấm lòng nhà giáo như thầy Phan Văn Tánh, cô Phạm Hoài Thương, cô Hoàng Thị Quỳnh Giao...

Nhiều năm qua, “nuôi heo đất giúp bạn nghèo đón Tết” là một phong trào đồng thời là nhiệm vụ được nhà trường chú trọng. Từ phong trào này, thầy và trò đã có những “mùa bội thu” với hơn 500 phần quà trị giá hơn 100 triệu đồng được trao cho học sinh nghèo trong 6 năm qua. Theo thầy Trần Đạt, mục đích của phong trào là để chia sẻ với các em một phần khó khăn, nhất là trong dịp Tết đến xuân về, để các em và gia đình được ấm lòng hơn, qua đó động viên các em vươn lên trong học tập.

 “Theo dõi của chúng tôi cho thấy, nhiều em được nhận quà sau đó đã có thành tích học tập tốt hơn, nhiều em trong số đó đã thi đỗ đại học. Vì vậy, chúng tôi coi đây là một nhiệm vụ và sẽ duy trì phong trào nhiều ý nghĩa và đầy tính nhân văn này”, thầy Đạt cho hay.

Phạm Được