Báo Công An Đà Nẵng

Đổi thay ở vùng kinh tế mới

Thứ tư, 19/02/2020 20:00

Sau ngày thống nhất đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển các vùng kinh tế mới, gần 600 hộ dân vùng nội thành đã tình nguyện lên rừng núi Lâm Viên (nay thuộc xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khai hoang, lập nghiệp. Cuộc sống ban đầu tưởng chừng “bó khó” nhưng mỗi ngày đã mở ra, phát triển nhiều hơn nhờ những bàn tay lao động cần cù, chịu thương, chịu khó. Điều đáng phấn khởi, người dân ở các làng kinh tế mới hôm nay đều có cuộc sống ổn định, nhiều người đã “tậu” thêm đất đai và xây dựng nhà cửa khang trang.

Phát triển nghề ươm giống keo lai tái sinh rừng sau khai thác tại thôn Hòa Hải.

Theo bà Ngô Thị Phi (80 tuổi, thôn Hòa Hải), lúc ấy, toàn xã có 5 làng kinh tế mới nhưng lại không có một công trình cơ sở hạ tầng nào, ngoài tuyến đường độc đạo ĐT604 (nay là QL14G) nối liền miền núi với miền xuôi được cấp phối thì các tuyến giao thông còn lại hoàn toàn “nắng bụi, mưa bùn”, làng xóm chỉ là những mái nhà tranh tre lụp xụp, cuộc sống người dân vô cùng khốn khó. “Muốn xuống chợ Túy Loan (xã Hòa Phong) trao đổi hàng hóa phải gồng gánh khoai sắn lội bộ luồn rừng. Từ sáng sớm đã ra khỏi nhà đến chạng vạng tối mới quay về, vì thế mỗi chuyến đi phải dự trữ mắm muối, cá khô gần cả tháng; có người đau ốm thì dân làng thay nhau cáng võng xuống trạm xá xã Hòa Phong điều trị... Nói chung, cái khổ thời ấy thì không sao kể hết”, bà Phi nhớ lại.

Trước tình hình đó, lãnh đạo các cấp đã chỉ đạo hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ ở mỗi làng kinh tế mới khẩn trương cùng với nhân dân từng bước xây dựng, phát triển địa phương. Các cấp chính quyền huy động máy móc, người dân tích cực rủ nhau be bờ, đắp đê dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước mưu sinh. Dẫu còn khó khăn nhưng “đất không nỡ phụ người”, người dân bắt đầu chủ động được nguồn lương thực, thực phẩm dài ngày. Sau đó, các đập Đồng Tréo (thôn An Châu), Hố Cau (thôn Hòa Phát) tiếp tục được xây dựng, tạo nguồn nước sản xuất, cây trồng xanh tốt, năng suất từ đó tăng dần. Có nguồn nước, nhiều hộ dân còn đào thêm ao nuôi cá, chăn thả gia súc, trồng cây tái sinh rừng cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến nông của thành phố, huyện được đưa đến tận nơi, người dân được tập huấn, hướng dẫn và biết cách áp dụng kỹ thuật sản xuất mới để từng bước xóa bỏ hình thức sản xuất lạc hậu...

Người dân thôn Hòa Phát góp công sức làm đường bê-tông xây dựng nông thôn mới.

Khi TP triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Hòa Phú không có điều kiện thuận lợi như các xã đồng bằng, vùng trung du khác, nhưng khi được lãnh đạo huyện kỳ vọng, địa phương đã có sự bứt phá một cách ấn tượng và tự hào trở thành xã miền núi đầu tiên của H. Hòa Vang cán đích NTM.

Ông Võ Sơn - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải xác nhận: “Năm 2012, địa phương mới đạt 10/19 tiêu chí, việc huy động vật chất, kinh phí làm NTM đã khó nhưng không khó bằng thay đổi nhận thức của người dân. Các chương trình, dự án tại địa phương từ trước đến giờ đều được tài trợ, do đó một bộ phận người dân có tư tưởng ỷ lại. Vì vậy, chuyện thay đổi nhận thức đối với người dân được lãnh đạo xã, các cấp hội, đoàn thể quan tâm thực hiện đầu tiên. Điều quan trọng là phải làm cho dân tin và người dân hiểu được xây dựng NTM là cho chính bà con, bà con là chủ thể, là người trực tiếp tham gia và hưởng lợi”.

Có thể nói, đến các thôn kinh tế mới ở xã Hòa Phú hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của vùng đất một thời được cho là “khỉ ho, cò gáy”. Hệ thống đường giao thông ở các thôn không những được đầu tư bê-tông, thảm nhựa mà còn mở rộng thênh thang theo hướng đô thị. Các trường học đều được xây dựng kiên cố, điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập cho thế hệ trẻ. Người dân đã yên tâm hơn, hài lòng hơn khi tại xã có Trạm y tế xã khang trang với đầy đủ y, bác sĩ, trang thiết bị khám chữa bệnh khá hiện đại. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 49,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ tính theo chuẩn nghèo NTM hiện còn 0%. Thế hệ những người ngoài 70 tuổi như ông Hứa Phương (thôn Hòa Phát), Nguyễn Ánh (thôn Hòa Thọ) đều khẳng định, có trải qua những tháng ngày gian khó mới càng trân quý hơn những đường làng sạch đẹp, những thôn xóm khang trang, cuộc sống ấm no, hạnh phúc như hôm nay. Sau gần 45 năm di dân, nhiều gia đình với 3, 4 thế hệ nhưng cái ăn, cái mặc vẫn đủ đầy, cháu con được học hành đến nơi, đến chốn. Bây giờ cuộc sống của chúng tôi trên quê hương thứ 2 này đã thực sự thay da, đổi thịt.

VY HẬU