Báo Công An Đà Nẵng

Đổi thay vùng đất anh hùng

Thứ tư, 08/04/2020 21:00

Trở lại miền quê đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân", "Anh hùng Lao động" trong những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi dễ dàng cảm nhận rõ nét hơn sự thay đổi nơi đây sau ngày quê hương giải phóng, thống nhất đất nước. 45 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương, từng bước biến vùng trắng, hoang tàn sau chiến tranh thành những làng quê văn minh, trù phú.  

Nông dân Hòa Vang cơ giới hóa nông nghiệp để tăng năng suất và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Còn nhớ, sau ngày đất nước thống nhất, Hòa Vang là vùng nông thôn "bốn không": không đường, không điện, không trường, không trạm y tế; nhiều xã tỷ lệ hộ nghèo lên đến 70-80%. Trong ký ức của lão nông Trần Dục (thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong), những năm đầu sau ngày quê hương giải phóng, do đồng ruộng hoang hóa, loang lổ bom mìn, không nước tưới nên người dân luôn đối mặt với tình trạng thiếu lương thực gay gắt. Năm nào cũng vậy, khoảng 60% hộ dân phải thường xuyên nhận gạo cứu đói. Chính vì vậy, việc tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng sẽ là điểm nhấn để tạo diện mạo mới cho "bức tranh" nông thôn.

 Bước đột phá chỉ bắt đầu khi Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về "Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010" ra đời và tiếp đó là Kết luận số 61, năm 2009 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020" và Quyết định số 673, năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020"... đã tạo thuận lợi cho vùng nông thôn này trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội ở các xã trung du, miền núi đều phát triển vững chắc như các xã đồng bằng, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.   

Gần 10 năm trở lại đây, khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai thực hiện, Đảng bộ, chính quyền TP, huyện đã có cái nhìn nhạy bén và chỉ đạo kịp thời. Với 19 tiêu chí xây dựng NTM, Hòa Vang đã triển khai đến từng xã, thôn. Cuối năm 2019, 11/11 xã trên địa bàn huyện tiếp tục đạt chuẩn NTM giai đoạn nâng cao 2016-2020.

 Ông Lê Văn Nghĩa - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) phấn khởi cho biết: "Là địa phương chịu nhiều hậu quả trong chiến tranh, trước đây, cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm thiếu thốn nhưng với sự năng động và nhạy bén trong lãnh đạo và điều hành của Đảng bộ và chính quyền địa phương, Hòa Phú từng ngày vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới. Giờ đây đường giao thông nông thôn được nâng cấp, mở rộng, nhiều tuyến đường thôn, xóm đã được chính quyền địa phương, đoàn thể và người dân thắp sáng ánh điện về đêm; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi".

Bước ra từ lửa đạn chiến tranh, được sống trong hòa bình, mọi người dân Hòa Vang đều dồn sức cho việc dựng xây lại quê hương, làng xóm. Hết khai hoang, vỡ hóa đất canh tác, lại be bờ, đắp đập dẫn nước. Chẳng bao lâu, từ vùng trắng hoang tàn do chiến tranh, màu xanh đã phủ kín các làng quê, đồng ruộng. Bây giờ được sống trong khung cảnh làng quê như phố, mới thấy hết sự nỗ lực phi thường của người dân suốt 45 năm qua. Thu nhập bình quân đầu người từ 12,2 triệu đồng/năm 2010 lên 49,2 triệu đồng/năm 2019; tỷ lệ hộ tính theo chuẩn nghèo NTM hiện còn 0%, không còn nhà tạm; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt 97,25%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 70%...

Xuyên suốt những con số ấn tượng đó vẫn là bóng dáng của người nông dân. Bản lĩnh người nông dân càng được khẳng định khi họ không chỉ vượt qua bao khó khăn về thời tiết, dịch hại mà còn bươn chải đẩy mạnh năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, một lớp nông dân mới năng động, dám nghĩ, dám làm đang xuất hiện ngày càng nhiều; với bàn tay cần cù lao động và hướng đi phù hợp, họ đang dần "đánh thức" những vùng đất khó. "Những bước nhảy ngoạn mục đó được chắt chiu từ nội lực theo từng tháng, từng năm. Người nông dân lấy công làm lời, biết tích cóp, tính toán vì những định hướng, quy hoạch xây dựng NTM đã rõ ràng để có thể yên tâm đầu tư sản xuất, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho mỗi gia đình. Bên cạnh, xây dựng thôn, xóm trở nên hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của một làng quê", Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí xác nhận.

VY HẬU