Báo Công An Đà Nẵng

Đối thoại Shangri-La và mối lo an ninh khu vực

Thứ hai, 05/06/2017 09:05

(Cadn.com.vn) - Trong bài phát biểu tại Diễn đàn An ninh Châu Á-Thái Bình Dương - hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La trong năm nay - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, Washington đang được khuyến khích bởi những nỗ lực kiềm chế Triều Tiên của Trung Quốc nhưng Washington sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo ở biển Đông.

Ngày 4-6, Diễn đàn Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore đã họp phiên bế mạc sau những ngày “đối đầu” căng thẳng quanh hàng loạt vấn đề nổi bật ở Châu Á, trong đó có biển Đông, tham vọng hạt nhân tên lửa của Triều Tiên và sự trỗi dậy nguy hiểm của tổ chức khủng bố IS.

Trong bài phát biểu phiên họp toàn thể cuối cùng, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Ng Eng Hen nhấn mạnh, nước này sẽ tiếp tục làm tốt nhất để đạt được sự cân bằng giữa an ninh và lợi ích thương mại trong khu vực.

4 tên lửa Scud mở rộng được phóng lên từ các bệ phóng di động ở Tongchang-ri thuộc Bắc Pyongan, Triều Tiên. Ảnh: AP

Mối đe dọa IS gia tăng

Phần lớn trọng tâm bài phát biểu của ông Eng Hen là về mối đe dọa khủng bố trong khu vực.

Triều Tiên phản đối các biện pháp trừng phạt mới của LHQ

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 4-6 đưa tin: Bình Nhưỡng hoàn toàn phản đối các biện pháp trừng phạt mới nhất của LHQ nhằm vào các công dân và thực thể của nước này, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển vũ khí. 

Hôm 2-6, HĐBA LHQ mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa liên tiếp của nước này khi thông qua nghị quyết mà lần đầu tiên được cả Mỹ và Trung Quốc - đồng minh chủ chốt duy nhất của Bình Nhưỡng - nhất trí kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Trong số 14 cá nhân bị bổ sung vào danh sách trừng phạt có ông Cho Il-U, người được cho là phụ trách các hoạt động tình báo của Bình Nhưỡng ở nước ngoài. 13 cá nhân còn lại gồm các quan chức cấp cao của đảng Lao động Triều Tiên và những người đứng đầu các Cty có nhiệm vụ đảm bảo việc thu mua nguyên liệu cho các chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.

Ông lưu ý, ít nhất 31 nhóm khủng bố trong khu vực cam kết trung thành với IS, và chỉ ra bằng chứng về sự gia tăng hợp tác xuyên quốc gia giữa các mạng lưới khủng bố khu vực. “Các nhóm khủng bố sử dụng các mạng lưới này để giao tiếp với mọi người và tìm kiếm vũ khí, trong khi lợi dụng biên giới lỏng lẻo và khu rừng dày đặc của khu vực để dễ dàng tiếp cận và tạo nơi trú ẩn an toàn”, ông nói và nhấn mạnh, nguy cơ các tay súng IS tại Syria và Iraq trở về đang gia tăng do chúng bị mất vùng lãnh thổ kiểm soát ở khu vực Trung Đông.

Tại đối thoại lần này, quan chức quốc phòng các nước Đông Nam Á đều hối thúc thực hiện hợp tác an ninh lớn hơn trong khu vực để đối phó cái họ gọi là mối đe dọa từ IS. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cũng nhấn mạnh về nguy hiểm này. Bộ trưởng Ryacudu cho biết, có khoảng 1.200 gián điệp của tổ chức IS ở Philippines, trong đó có 40 người đến từ Indonesia.

 Trên thực tế, trong  2 năm qua, đã xảy ra nhiều vụ tấn công ở khu vực, bao gồm tại Kuala Lumpur, Manila và Pattani. Tuần trước, một cuộc tấn công khác xảy ra tại Jakarta, và Mindanao vẫn đang trong tình trạng thiết quân luật. Xung đột tại Marawi, nơi hàng chục ngàn thường dân bị buộc phải di dời và hàng ngàn người vẫn mắc kẹt là điều đáng lo ngại nhất hiện nay.

Biển Đông và tham vọng hạt nhân Triều Tiên

Đến tham dự Shangri-La năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thúc ép cơ chế hợp tác nhiều hơn nhằm kiềm chế mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Trong nhiều năm qua, Đối thoại Shangri-la là diễn đàn mà Washington muốn “tố” hành động phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển Đông. Năm nay, mặc dù ông Mattis tập trung vào vấn đề Triều Tiên, được cho là mối quan ngại an ninh cấp bách nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhưng không vì vậy mà “bỏ quên” biển Đông. 

Trong bài phát biểu tại Shangri-La, Bộ trưởng Mattis cho biết, Mỹ đang được khuyến khích bởi những nỗ lực kiềm chế Triều Tiên của Trung Quốc nhưng Washington sẽ không chấp nhận việc Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo ở biển Đông. Những tuyên bố của ông Mattis cho thấy, chính quyền của Tổng thống Trump đang cân bằng giữa nỗ lực hợp tác với Trung Quốc để kiềm chế các chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên trong khi đối phó với các hoạt động của Bắc Kinh ở biển Đông.

Các đồng minh của Mỹ lo lắng khi ông Trump đang tích cực hô hào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngăn chặn Triều Tiên, quan ngại Washington có thể để Trung Quốc tự do hơn ở những nơi khác trong khu vực. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mattis cho biết, việc tìm kiếm hợp tác của Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên không có nghĩa Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở biển Đông.

Nhưng các đồng minh cũng lo việc Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định khí hậu Paris cho thấy Mỹ đang làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình và mở cửa cho Trung Quốc “tiến bước”.

Khả Anh