Báo Công An Đà Nẵng

Đội xe thồ tự quản ở thị trấn Diên Khánh

Thứ sáu, 21/08/2015 10:44

(Cadn.com.vn) - Khi làm việc để tìm hiểu các mô hình trong phong trào toàn dân BVANTQ, người viết được Thượng tá Nguyễn Minh Cường, Phó trưởng Phòng Xây dựng phong trào TDBVANTQ CA tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện toàn tỉnh có 12 mô hình được đánh giá là hoạt động có hiệu quả, trong đó  mô hình "Đội xe thồ tự quản" thị trấn Diên Khánh, H.Diên Khánh đã được nhân rộng ở các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Cam Ranh và TP Nha Trang".

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đội xe thồ tự quản thị trấn Diên Khánh, H.Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa được nhiều người biết đến. Mô hình này được hình thành khá sớm trên nền của một địa bàn được xem là khá phức tạp về tình hình ANTT. Tuy chỉ cách TP Nha Trang khoảng 10km nhưng tại đây có ngã ba Cải lộ tuyến là nơi có tuyến QL1A đi qua, đồng thời là cửa ngõ phía Tây đi vào TP Nha Trang, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất đông và nhu cầu đi lại của người dân cũng khá nhiều.

Từ đặc điểm đó, số người dùng xe máy để làm phương tiện vận chuyển khách ngày càng đông. Thế nhưng, trong quá trình hoạt động lại không có sự quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng nên đã từng xảy ra nhiều vụ việc tranh giành khách dẫn đến mâu thuẫn, ẩu đả, đánh nhau làm mất ANTT trong khu vực. Thậm chí đã có trường hợp những người hành nghề xe thồ còn gây sách nhiễu, cưỡng đoạt tài sản của khách, gây ra dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân.

Từ thực tế tình hình đó, cách đây hơn 15 năm, CA thị trấn Diên Khánh đã tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập "Đội xe máy thồ tự quản về ANTT" gồm 40 thành viên do CA thị trấn Diên Khánh trực tiếp quản lý và điều hành, đồng thời xây dựng lực lượng này làm nòng cốt trong phong trào toàn dân BVANTQ tại địa phương. Đội chia làm 2 tổ, mỗi tổ 20 đội viên chạy xe thồ đưa đón khách thập phương 24/24 giờ và tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm ANTT cùng lực lượng CA thị trấn tại địa bàn ngã ba Cải lộ tuyến.

Ông Phạm Văn Nghĩa, Đội trưởng Đội xe máy thồ tự quản thị trấn Diên Khánh rất tự hào khi nói về hoạt động của đội "Qua quá trình hoạt động, các thành viên trong đội đã thể hiện được vai trò nòng cốt  trong phong trào toàn dân BVANTQ tại địa phương. Anh em đã giúp CA các cấp khám phá nhiều vụ án phức tạp được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc CA tỉnh. Nói như thế để thấy rằng, các thành viên trong đội không chỉ lo cho cuộc sống gia đình mà còn đóng góp rất tích cực vào việc cùng lực lượng CA đảm bảo ANTT trên địa bàn phụ trách".

Đội xe máy thồ tự quản thị trấn Diên Khánh.

Qua tìm hiểu, người viết được nghe kể về một số vụ việc mà nói như ông Nghĩa thì đó chính là chiến công của cả đội và là niềm tự hào của các thành viên. Hôm ấy, vào tầm 0 giờ 30 sáng, trong khi trực tại ngã ba Cải lộ tuyến thuộc tổ dân phố Phan Bội Châu 2, đội viên Võ Hùng Trung cùng các thành viên khác phát hiện một con bò nghi vấn trộm cắp đã huy động người đưa bò vào cột tại chùa Hoa Tiên để đến sáng hôm sau, ông Nguyễn Ngọc Oanh (1977), trú thôn 4, Diên Phú là người mất bò đã đến CA thị trấn trình báo và nhận lại bò.

Lần khác, ông Trần Đình Phi (1957), trú khu Văn Khải, Long Thành, Đồng Nai mang theo số tiền 12 triệu đồng, loại tiền chẵn đến cây xăng thuộc tổ dân phố Dinh Thành 2, thị trấn Diên Khánh gặp ông Đinh Văn Cường (1981), trú tổ dân phố Phú Lộc Tây 1 là nhân viên cây xăng để đổi lấy tiền lẻ. Lúc này, anh Cường chỉ còn 8 triệu đồng nên đưa hết cho ông Phi để đổi. Lợi dụng lúc anh Cường đang đổ xăng cho khách, Phi đã rút 2 triệu đồng tiền đổi, sau đó chặn xe máy đi nhờ rồi tẩu thoát. Lúc này, anh em trong Đội xe máy thồ tự quản phát hiện đuổi theo và bắt được Phi giao cho Cơ quan CA thị trấn Diên Khánh xử lý.

Thượng tá Nguyễn Minh Cường khẳng định: "Sắp đến, CA các địa phương, đơn vị phối hợp với UBMTTQ và các tổ chức thành viên tiếp tục củng cố và phát huy những mô hình hay, cách làm tốt trong phong trào toàn dân BVANTQ. Tiếp tục đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các loại mô hình, thanh lọc những mô hình hoạt động không hiệu quả; tập trung xây dựng mới và củng cố các mô hình đang phát huy hiệu quả, coi đây là một tiêu chí quan trọng để xây dựng các danh hiệu thi đua".

Phương Kiếm