Báo Công An Đà Nẵng

Đối xử bình thường, bao dung với người bị nhiễm HIV

Thứ năm, 03/10/2019 11:25

HIV/AIDS không lây qua con đường tiếp xúc thông thường. Vì thế, mọi người nên đối xử bình thường, bao dung với người bị nhiễm HIV. Bởi sự kỳ thị, phân biệt đối với người nhiễm HIV chỉ khiến họ giấu bệnh và dẫn đến nguy cơ lây lan căn bệnh này trong cộng đồng.

Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. 

Không phân biệt, kỳ thị với người bị bệnh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) TP Đà Nẵng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2019, số ca nhiễm mới HIV trên địa bàn TP là 175 ca, trong đó 75 ca là người Đà Nẵng. Trong số 75 ca trên chỉ gần 40 ca có địa chỉ rõ ràng. Như vậy, ngành y tế chỉ quản lý được khoảng 56% số người nhiễm HIV mới trên địa bàn, số còn lại không xác minh được. Và đây chính là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do họ không được tiếp cận tư vấn các dịch vụ dự phòng, cũng như không được tiếp cận các dịch vụ điều trị thuốc kháng virus ARV sớm để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và giảm lây truyền HIV ra cộng đồng...

Sở dĩ số trường hợp nhiễm mới HIV được phát hiện, quản lý ít là do tình trạng kỳ thị, tránh xa người bị nhiễm HIV vẫn còn diễn ra. Vì thế, người nhiễm HIV/AIDS ngại bộc lộ danh tính, giấu giếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Chính vì vậy, cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành "quần thể ẩn", rất khó tiếp cận. Do không được tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh nên họ hoàn toàn có thể truyền HIV cho người khác. Bên cạnh đó, do thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến tâm lý bi quan, thậm chí "uất ức và trả thù đời" của người nhiễm HIV...

Như vậy có thể thấy, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn. Thực tế cho thấy, sự phân biệt đối xử với những người có HIV khiến họ không thể hòa nhập cộng đồng dẫn đến thất nghiệp hoặc phải thay đổi công việc thường xuyên, gia tăng tệ nạn xã hội... TS John Blandford - Giám đốc Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: "Khi điều trị ARV đạt đến mức ức chế virus, nghĩa là tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml, hay còn gọi là dưới ngưỡng phát hiện, sẽ ngăn ngừa được lây truyền HIV qua đường tình dục. Qua ba nghiên cứu trên hàng ngàn cặp bạn tình trái dấu với hàng ngàn lần quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hay dùng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), không có bạn tình HIV âm tính bị lây HIV từ bạn tình HIV dương tính khi họ có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện... Điều này có nghĩa là người có HIV, uống thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định của bác sỹ đến mức đạt được và duy trì tải lượng virus không phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình HIV âm tính của họ".

Tăng cường công tác tuyên truyền

Để chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, TP Đà Nẵng xác định công tác truyền thông, phòng chống HIV/AIDS là vấn đề cực kỳ quan trọng. Thành phố luôn nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người hiểu rằng HIV/AIDS không lây qua con đường tiếp xúc thông thường; huy động cộng đồng bằng sự phối kết hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể; cũng như triển khai đồng bộ các hoạt động can thiệp giảm tác hại... Bên cạnh đó, ngành y tế luôn quán triệt đến nhân viên xóa bỏ kỳ thị phân biệt đối với người nhiễm, tạo sự chia sẻ, động viên người nhiễm để họ vươn lên trong cuộc sống và tuân thủ trong điều trị HIV/AIDS... 

Bác sĩ Đoàn Kim Liên - Trưởng Khoa Phòng chống HIV (TTKSBT TP) cho rằng, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong gia đình, cộng đồng, cơ sở y tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS. Bởi vậy, thời gian qua, đơn vị đã duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động 4 nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, gồm: Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm sau cai nghiện, nhóm mại dâm đường phố và nhóm tiếp viên trong các dịch vụ vui chơi giải trí với 45 đồng đẳng viên. Đồng thời, đơn vị cũng tiếp tục triển khai các hoạt động cải thiện chất lượng sống cho người nhiễm HIV.

Còn bác sĩ Lê Thành Chung - Phó Giám đốc TTKSBT TP Đà Nẵng thông tin thêm, thực tế vẫn còn nhiều phụ nữ mang thai chưa tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con do thiếu thông tin, kiến thức về phòng, chống HIV nói chung và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Ngoài ra, nhiều trường hợp vì sợ cộng đồng xa lánh, sợ bị phân biệt kỳ thị nên đã giấu bệnh dẫn đến đứa trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị nhiễm HIV. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần tìm đến cán bộ y tế, tư vấn viên để được hỗ trợ, giúp đỡ. Bên cạnh đó, sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, đặc biệt là sự gần gũi, cảm thông của người thân trong gia đình là rất quan trọng.

"Nếu biết cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm, tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV sẽ giảm nhiều và bớt đi nỗi đau của những gia đình có người mắc HIV. Khi mẹ bị nhiễm HIV, nếu được phát hiện sớm ngay từ những tháng đầu của thai kỳ, sẽ được tư vấn về dinh dưỡng và theo dõi điều trị để giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con đến mức thấp nhất... Chỉ có sự đối xử bình thường, bao dung với người bị nhiễm HIV mới giúp họ có thêm niềm tin vào bản thân, gia đình, cộng đồng để tiếp tục sống, điều trị bệnh và trở thành người có ích cho xã hội, giúp người bị nhiễm HIV hòa nhập với một tinh thần hiểu biết và đầy trách nhiệm...", bác sĩ Chung nhấn mạnh.

TRÍ DŨNG