Đón ba về
Đó là tựa đề bài thơ đầy cảm động của bà Lê Thị Liên (1964) viết cho ba mình - liệt sĩ đặc công Lê Quý Quỳnh (1928, trú xã Quảng Phú, H. Quảng Trạch, Quảng Bình) - Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn đặc công 404, Quân khu 5 hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức đêm 5-8-1970 cùng 16 đồng đội. Sau 50 năm nằm lại nơi đất lạnh, đầu tháng 6-2020, liệt sĩ Lê Quý Quỳnh cùng với 16 liệt sĩ đặc công đã được tìm thấy trong một hố chôn tập thể ở khu vực sân bay Khâm Đức (H. Phước Sơn, Quảng Nam).
Di ảnh liệt sĩ Lê Quý Quỳnh. |
Tâm sự với chúng tôi, bà Lê Thị Liên kể lại, lần cuối bà được gặp ba mình lúc 4 tuổi. Trong trí nhớ còn lưu lại, ba của bà là người đàn ông cao lớn, điển trai. Liệt sĩ Quỳnh nhập ngũ lúc 18 tuổi, tham gia ở nhiều chiến trường rồi được xuất ngũ. Tuy nhiên sau đó, thấy chiến tranh ngày càng ác liệt, ông Quỳnh xin tái nhập ngũ và làm lính đặc công. Năm 1968, ông Quỳnh từ miền Bắc hành quân vào Nam trên đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đi qua quê nhà Quảng Bình, đơn vị dừng chân nghỉ nên ông tranh thủ về thăm gia đình được 15 phút. Ông bế đứa con gái lâu ngày mới gặp, nhưng Liên lúc đó òa khóc vì thấy "người lạ" và vung khỏi vòng tay ba mình. "Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ba", bà Liên chia sẻ.
Sau thời gian ngắn ngủi thăm vợ và ba đứa con gái, ông Quỳnh hành quân vào Nam. Bà Trần Thị Tư - vợ ông Quỳnh tiễn đưa chồng bằng việc bỏ bốn lon gạo vào ba-lô và một con gà. Trước khi trở lại chiến trường, ông dặn vợ rằng: "Lần này đi anh sẽ khó về, vì chiến trường rất cam go. Em ở nhà nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn". Sau lần đó, gia đình không ai nhận được tin gì của ông Quỳnh nữa. Bà Tư biết chồng mình là lính đặc công, nhưng không biết đóng quân ở đâu. Nhiều năm liền, bà không nhận được lá thư nào của chồng gửi về. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, nhiều người lính trở về quê khi chiến tranh kết thúc, còn bà Tư chờ chồng trong vô vọng.
Thân nhân các liệt sĩ cùng đồng đội trong ngày an táng. |
Bà đi hỏi nhiều nơi nhưng tung tích về chồng vẫn bặt vô âm tín. Có người nói với bà, làm lính đặc công nên bí mật; người nói ông Quỳnh đã hy sinh rồi... nhưng bà Tư tin chồng mình còn sống và nuôi ba đứa con gái khôn lớn. Năm 1977, bà Tư nhận được tin báo tử của chồng nhưng không biết nơi hy sinh, chôn cất ở đâu. Lúc đó, bà Tư ốm liệt giường ba tháng, mái tóc trên đầu rụng hết do bệnh. Để chia sẻ nỗi đau mất chồng, chị em phụ nữ trong xã thay phiên nhau đến nấu ăn, chăm sóc và dọn dẹp nhằm động viên.
Sau đó, gia đình bà Tư đi khắp các nghĩa trang ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... tìm kiếm nhưng vô vọng. Đến năm 2010, những cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công 404 tìm đến nhà thăm và kể lại trận đánh sân bay Khâm Đức, trong đó có ông Quỳnh hy sinh. Từ manh mối này, gia đình bà Tư cùng một số gia đình của 16 liệt sĩ vào Khâm Đức cùng nhà ngoại cảm tìm kiếm hài cốt. "Thời điểm đó, họ chỉ cho chúng tôi nơi đào. Khi đào lên gặp một hố đất đen nói là hài cốt nên bảo chúng tôi đưa về quê an táng. Tuy nhiên, lực lượng quân sự khẳng định đó không phải hài cốt liệt sĩ. Nhưng theo ý nguyện tâm linh, một số thân nhân cũng đồng ý đưa về quê an táng"- bà Liên kể.
Đến đầu tháng 6-2020, cơ quan quân sự H. Phước Sơn phối hợp với gia đình các liệt sĩ cùng các ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm, khai quật và phát hiện được hố chôn tập 17 chiến sĩ đặc công, trong đó có liệt sĩ Lê Quý Quỳnh. "Sau nửa thế kỷ, cuối cùng cha tôi cùng các bác, các chú đã được tìm thấy, và họ được an táng chung trong ngôi mộ ở nghĩa trang H. Phước Sơn. Từ nay, con cháu đã biết nơi cha tôi cùng đồng đội yên nghỉ để có thể đến viếng thăm, hương khói. Ở tuổi 85, mẹ tôi đã mãn nguyện khi tìm thấy hài cốt chồng", bà Liên chia sẻ.
Xúc động trước sự việc trên, bà Lê Thị Liên đã sáng tác bài thơ "Đón ba về" với những câu thơ đầy ý nghĩa dành cho ba mình:
Ngày đó ba đi con tròn bốn tuổi.
Nay ba "trở về" cháu ngoại đã ba hai.
Tuổi thơ không cha thật buồn và khổ.
Nửa thế kỷ qua ba nằm nơi chiến trận.
Không người thân, không ai biết nơi ba nằm.
Rừng hoang vắng, cùng mười sáu đồng đội.
Sớm tối có nhau quanh quẩn trong rừng chiều.
Thân đơn lạnh, không một manh chiếu nhỏ.
Mảnh chăn dù cũng bỏ lại tuyến sau...
Nơi yên nghỉ là hố bom sâu thẳm.
Mà quân thù vùi xác đồng đội ba.
Mở mắt ra toàn núi rừng hoang vắng.
Không một bóng người, không nải chuối nén hương.
Đồng đội bao lần thương ba tìm kiếm.
Mười bảy người vẫn bặt tiếng im hơi...
Rồi hôm nay bỗng vỡ òa hạnh phúc.
Ba "đã về" cùng mười sáu anh em.
Trời Quảng Nam nắng vàng dịu ngọt.
Đón ba về, vui lắm ba ơi...
Thế là con đã hoàn thành tâm nguyện.
Mấy mươi năm ấp ủ trong tim.
Yên nghỉ nhé, ba cùng các chú!
Đất nước ngàn thu sẽ nhớ mãi ơn ba.
Cùng các chú đã hy sinh bất tử.
Cho nước non mình đẹp mãi những mùa hoa...
BÃO BÌNH - KIM NGÂN