Báo Công An Đà Nẵng

Lễ Đón bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ:

Đờn ca tài tử- dấu ấn đất phương Nam

Thứ tư, 12/02/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Tối qua (11-2), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND TPHCM tổ chức lễ đón bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau hơn hai tháng được công nhận tại TP Baku (Azerbaijan) ngày 5-12-2013. Lần đầu tiên, 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ tự hào có chung niềm vui đón nhận Đờn ca tài tử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một bước chuyển mình vô cùng quan trọng, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội cho sự phát triển đất nước về mọi mặt, trong đó có lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Điệu dân ca đất phương Nam

Đến nay, vẫn chưa có tài liệu nào xác định được năm cụ thể ra đời của Đờn ca tài tử. Dựa theo các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân thì Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật được xem là "sinh sau đẻ muộn" nhất vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, xuất phát từ những nhạc sĩ, nhạc quan của triều Nguyễn theo phong trào Cần Vương vào Nam đem theo truyền thống ca Huế. Trên đường đi họ dừng chân ở các tỉnh duyên hải miền Trung, từ đó ca Huế mang thêm chút âm hưởng xứ Quảng.

Tới miền Nam, mảnh đất màu mỡ với những con người tháo vát, đầy sáng tạo, Đờn ca tài tử phát triển và trở thành một nét văn hóa đặc sắc của vùng Nam Bộ. Trải qua thời gian, Đờn ca tài tử trở thành loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, được xem như một thứ "đặc sản" riêng có của người Nam Bộ; là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện  giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của dân tộc ta vừa mang những nét đặc sắc của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn của những người con "Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".

Người dân đất phương Nam có thể chơi Đờn ca tài tử ở bất cứ nơi đâu, vào bất cứ thời điểm nào và đặc biệt là ai cũng có thể chơi, không phân biệt giàu sang, gái trai hay già trẻ. Chính vì vậy Đờn ca tài tử có thể xuất hiện trong những bữa trà dư tửu hậu, trong những đêm trăng thanh gió mát ở các miệt vườn, trên những con thuyền trôi lững lờ dưới dòng kênh xanh, hay những dịp cúng tế, cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp...

Nếu như Ca trù miền Bắc và Ca Huế của miền Trung rất coi trọng lời ca hơn tiếng đàn, thì trong Đờn ca tài tử lại gần như ngược lại. Tiếng đàn có nhấn nhá, có sắp chữ, sắp câu sao cho duyên dáng, cách xuống câu đến xang, hò, xề... phải sao cho ngọt ngào uyển chuyển mới gọi là ngón đàn hay; cách đàn câu thòng, câu nhồi, câu lợi bay bướm, đa dạng. Âm thanh nhạc tài tử nhẹ nhàng, xen lẫn buồn, vui, ai oán. So với nhạc Huế, nhạc tài tử Nam Bộ theo ngôn ngữ bình dân và "mùi" hơn, khi trình diễn tự do, phóng túng hơn.

Người hòa đàn chỉ cần ăn nhịp đầu và nhịp cuối, đoạn giữa có thể tùy hứng. Tuy nhiên, lối chơi phóng túng của Đờn ca tài tử cũng phải có nguyên tắc, còn lời ca của tài tử thì có thể dung nạp mọi đề tài, có thể từ các tích xưa, lịch sử, đạo lý truyền thống của dân tộc, cho đến các đề tài đương đại, thậm chí có thể sử dụng bài bản tài tử để viết lời mới phục vụ công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị... Ca từ giản dị, mộc mạc, giàu chất văn học dân gian, đầy ắp hơi thở cuộc sống. Vì thế, nhiều bài đã được công chúng thuộc lòng, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc sắc của mảnh đất Nam Bộ.

Sức sống mạnh mẽ

Bộ môn Đờn ca tài tử từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt đối với người nông dân, lao động, đôi tay dẫu chai sần theo hai mùa mưa nắng, nhưng khi cầm lên cây đàn, cất lên tiếng hát, thì từng nốt nhạc tuôn tràn theo lời ca, còn lời ca cũng quyện theo tiếng đàn tưởng chừng như không dứt. Bởi tâm hồn họ chính là người nghệ sĩ, cất tiếng ca, trỗi lên cung đàn bằng cả lòng mình giữa đất trời mênh mông miệt quê nhà.

Tuy nhiên, muốn trở thành người hát và đàn Đờn ca tài tử đúng nghĩa thật không phải dễ, không phải ai cũng có những ngón đàn, lời ca mùi mẫn đi vào lòng người. Những người được coi là nghệ nhân cũng đều phải qua quá trình tập luyện công phu, khổ luyện và có phong cách riêng. Nó được sáng tạo không ngừng nhờ tính "ngẫu hứng", "biến hóa lòng bản" theo cảm xúc trên cơ sở 20 bài gốc (bài tổ) và 72 bài nhạc cổ.

Nhạc cụ gồm: Kìm, Tranh, Tỳ bà, Bầu, Cò, Sáo, Tiêu, Song loan... Riêng Violon lên dây quảng 4, Guitar được khoét phím lõm để nhấn nhá. Đầu thế kỷ XX, ông Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) đã sáng tác bản Dạ cổ hoài lang  - bài ca nổi tiếng và phổ biến nhất của đờn ca tài tử được cộng đồng tiếp nhận, phát triển từ nhịp 2, 4, 8, 16, 32 đến nhịp 64 và đã trở thành "bài ca vua" của sân khấu cải lương ngày nay.

Bản Dạ cổ hoài lang gợi lên cái buồn bí ẩn trong thâm tâm của con người Việt Nam. Trong cổ nhạc dân tộc chưa có bài nào, bản nào được như Dạ cổ hoài lang, biến thành vọng cổ, từ một sáng tác cá nhân đã trở thành sáng tác tập thể, sinh ra từ đầu thế kỷ, lớn lên, sống mạnh, phát triển không ngừng, biến hóa muôn hình vạn trạng, sống mãi trong lòng người Việt trong nước và rải rác khắp năm châu.  

Có thể nói, dù trải qua nhiều thay đổi thăng trầm của lịch sử nhưng âm nhạc tài tử vẫn luôn phát triển theo cùng nhịp sống của thời đại mà không làm mất đi những nét tinh túy riêng, vẫn giữ được "Quốc hồn quốc túy", vẫn đủ sức lan tỏa và hấp dẫn nhiều thế hệ người chơi và người thưởng thức... Giáo sư Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống cho rằng: Chính sự hòa hợp, gần gũi giữa người trình diễn Đờn ca tài tử với khán giả đã tạo nên sức sống bền vững cho nghệ thuật trình diễn độc đáo này. Đờn ca tài tử không chỉ gắn bó với người dân lao động miền sông nước mà đã ngược dòng về nơi phố thị, lan tỏa khắp lục tỉnh đến Sài Gòn. Việc thưởng thức Đờn ca tài tử ở thành phố được mọi lứa tuổi yêu thích. Không những vậy, học trò theo học Đờn ca tài tử ngày càng đông...

Cứ như thế, sức sống mãnh liệt của đờn ca tài tử đã lưu truyền từ hơn thế kỷ qua, trở thành loại hình văn nghệ dân gian tươi mát, độc đáo, góp phần làm phong phú và bổ ích thêm đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư vùng sông nước Nam bộ, trong đó có vùng châu thổ "chín rồng" xinh đẹp, hữu tình.

Theo đó, Nghệ thuật Đờn ca tài tử đã đáp ứng được các tiêu chí như: Được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc...

Việc Đờn ca tài tử Nam Bộ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình âm nhạc này của Việt Nam, đồng thời chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.

K.N