Báo Công An Đà Nẵng

Đón đợi Festival "Vì Hòa bình"

Thứ ba, 31/12/2019 13:06

Được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao Đề án Festival Vì Hòa bình trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị ngày 28-12, cũng như nhận được nhiều ý kiến đóng góp  ủng hộ của các Bộ ngành, đoàn thể Trung ương cùng các tổ chức, chuyên gia  có uy tín trong cả nước, người dân Quảng Trị đầy hy vọng đề án sẽ sớm được Chính phủ thông qua. Chắc chắn, đây là một Festival đặc biệt, khi hội tụ mọi người yêu chuộng hòa bình từ khắp thế giới và sẽ là nơi lay động và lan tỏa những ước nguyện nhân văn cao cả.

Ông Chuck Searcy tham quan ảnh triển lãm tại hội thảo lấy ý kiến về đề án Festival.

Việt Nam là một trong những đất nước bị chiến tranh lâu dài, nặng nề nhất với nhiều mất mát đau thương. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại ấy, Quảng Trị là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam thời kỳ này tuy bị chia cắt nhưng thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất và đặc biệt yêu chuộng hòa bình.  Những tên đất tên làng Hiền Lương, Bến Hải, Vịnh Mốc, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Đường 9, Khe Sanh, Cửa Việt, Thành Cổ... đã đi vào lịch sử dân tộc làm lay động lương tri nhân loại, mãi mãi là bản hùng ca bất tử. Không có nơi đâu như Quảng Trị có 3 con sông lớn Thạch Hãn, sông Hiếu và Thạch Hãn đến kỳ lễ hội, đêm Rằm với dòng người khắp nơi đổ về thắp nén hương thơm, thả hoa đăng thành kính cầu nguyện anh linh các anh hùng liệt sĩ. Không có nơi đâu nghĩa trang liệt sĩ lại nhiều như Quảng Trị với 72 nghĩa trang, trong đó 2 nghĩa trang quốc gia với hơn 53 ngàn phần mộ. Riêng Quảng Trị có đến 20.047 liệt sĩ, 18.191 thương binh, bệnh binh; 2.704 Mẹ Việt Nam anh hùng.

Hai tiếng "Quảng Trị" không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Vì thế, mong muốn tổ chức Festival với tên gọi "Vì Hòa bình" tại Quảng Trị với quy mô quốc gia, quốc tế là hoàn toàn thỏa đáng, nhằm tôn vinh các giá trị hòa bình, chuyển tải thông điệp về hòa bình của nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, để Festival thành công và duy trì ý nghĩa to lớn, Quảng Trị đang lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp rất chân thành cho đề án này.

Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) cho rằng, tổ chức một Festival vì hòa bình phù hợp với đường lối ngoại giao của Đảng ta và Bộ Ngoại giao hoan nghênh ý tưởng của Quảng Trị. Theo Vụ trên, trong nội dung chương trình nên tập trung khía cạnh xây dựng, phục hồi sau chiến tranh, có thể nhấn mạnh truyền thống hòa hiếu, khoan dung, yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta nói chung. Tham gia đóng góp ý kiến cho Quảng Trị vào đề án, GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông  tin tưởng Festival Vì Hòa bình nếu được tổ chức tại Quảng Trị là cánh cửa đầu tiên để tạo Quảng Trị là điểm đến, là nơi hội tụ, là nơi biểu hiện sâu sắc sự đoàn kết, hữu nghị với thế giới; và đây chính là động lực, là tiêu đề, là yếu tố giúp Quảng Trị phát triển KT- XH mạnh, bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt, TS Nguyễn Quốc Hưng- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng Festival này sẽ là con đường, là phương tiện để mọi người không phân biệt màu da, quốc tịch, không phân biệt giàu nghèo... đến với Quảng Trị theo tiếng gọi của hòa bình, của bình đẳng dân tộc, đắm mình trong âm điệu ngân nga của tiếng chuông thiết tha vì hòa bình, khao khát hòa bình.

Không chỉ nhận được sự ủng hộ cao, Quảng Trị còn được nhiều hồi đáp về việc cần làm gì để Festival không bị lẫn với nhiều festival của các địa phương khác và thực  sự trở thành một thương hiệu riêng. Theo nhà văn Xuân Đức- nguyên Giám đốc Sở VT-TT Quảng Trị, quy mô của Festival Vì Hòa bình ở Quảng Trị cần được tổ chức ở tầm quốc tế để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa nhân văn sâu sắc; cần thiết phải chắp nối và mời gọi những vùng đất của một số quốc gia từng bị hủy diệt vì chiến tranh và nay đang phát triển thịnh vượng trong hòa bình như những thành phố của Nhật Bản, Nga, Hà Lan, Campuchia, Đức... Còn theo TS Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở VH- TT TT- Huế, có một điều lưu ý để lễ hội thực sự thành công và có tính lan tỏa rộng lớn thì phải chú ý đến đối tượng khách tham gia - mà đối tượng này chính là cộng đồng, cần xây dựng các chương trình cộng đồng, quảng diễn thu hút được nhiều người người tham gia ở nhiều khu vực, địa điểm; cần quan tâm đến việc xây dựng các chương trình giới thiệu Quảng Trị là một địa phương Hòa bình thật sự và đúng nghĩa, không dừng lại ở chỗ chỉ có Lễ hội "Vì Hòa bình". Đặc biệt đóng góp ý kiến cho Quảng Trị là ông Chuck Searcy- Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ), Cố vấn quốc tế Dự án RENEW. Theo ông Chuck Searcy, Quảng Trị nên mời đại diện cựu chiến binh và người dân của các quốc gia khác, đại diện các tổ chức hòa bình của Mỹ và quốc tế, các nhà hoạt động chống chiến tranh, các học giả, phương tiện truyền thông tham gia Festival...

Đa phần ý kiến ủng hộ tổ chức Festival vào tháng 7, 2 năm 1 lần như Quảng Trị lập đề án. Về không gian tổ chức Festival là không gian mở, với các không gian chính là TP Đông Hà, Cửa Việt, Cửa Tùng, thị xã Quảng Trị, NTLS quốc gia, Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải, có ý kiến nên chọn Khe Sanh làm điểm nhấn nữa. Dường như gọi tên mảnh đất nào ở Quảng Trị cũng xứng vào không gian Festival, bởi mỗi nơi đó đều có ước vọng và sâu nặng nghĩa tình, có thể lan tỏa thông điệp yêu chuộng hòa bình ấn tượng và mạnh mẽ.

BẢO HÀ