Báo Công An Đà Nẵng

“Đòn gánh miền Trung” tăng cường liên kết để “cất cánh”

Thứ ba, 26/09/2017 07:42

Tăng cường liên kết, tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng duyên hải miền Trung, tạo sức lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đó là nhận định của các đại biểu, các chuyên gia, doanh nghiệp tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2-2017 với chủ đề: “Con đường phát triển kinh tế miền Trung bền vững” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 25-9.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ 2.

Tham dự Diễn đàn lãnh đạo các Bộ, ban ngành, lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền Trung; các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế và hơn 500 lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Diễn đàn.

Hơn 700 đại biểu tham dự Diễn đàn.

Phát huy lợi thế “mặt tiền biển”

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, là “mặt tiền biển” của đất nước với chiều dài bờ biển gần 1.500 km, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển của cả nước. Đây là địa bàn có vị trí địa chiến lược trọng yếu, nằm trên trục giao thông chính Bắc - Nam, là cửa ngõ ra biển của hành lang Đông – Tây, nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương; có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn và 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với lợi thế này, tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên, lao động dồi dào, tạo hành lang quan trọng, cũng như kết nối tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Nếu nhìn tiềm năng về kinh tế biển, 9 địa bàn mạnh nhất kinh tế biển, đóng vai trò mặt tiền của kinh tế. Nhìn chung là trọng điểm của trọng điểm.

Theo Phó Thủ tướng, Văn kiện Đại hội Đảng XII đã chỉ rõ: Chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; khắc phục tình trạng phát triển trùng dẫm, manh mún, kém hiệu quả. Nghiên cứu cơ chế quản lý liên kết hợp tác phát triển vùng phù hợp. Phó Thủ tướng gợi ý, Diễn đàn cần nêu được động lực của liên kết là cái gì; tiếp đó, vấn đề phân bổ lợi ích của địa phương; tập trung bàn về thể chế điều phối vùng và chính sách ưu tiên vào kinh tế biển, kinh tế tư nhân. “Với sự đóng góp thẳng thắn, nhiệt huyết, trách nhiệm của quý vị, chúng ta sẽ có bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực mới để miền Trung phát triển bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực cải thiện đời sống người dân trong Vùng và đóng góp nhiều hơn cho đất nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Đánh giá về lợi thế “mặt tiền biển”, PGS-TS Vũ Đình Hòe, Phó tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam cho rằng, vùng duyên hải miền Trung có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng nằm giữa các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam của đất nước cũng như kết nối giữa khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra biển Đông. Vấn đề là làm sao tạo lập thể chế kinh tế ưu đãi cho các vùng kinh tế trọng điểm thực sự trở thành “đầu tàu” động lực lan tỏa vùng ngoại vi và cả nước; Phát triển mạnh kinh tế biển đảo nhất là cảng biển, vận tải biển, đóng và sửa chữa tàu biển, các dịch vụ hậu cần, du lịch, dầu khí, khai thác hải sản xa bờ... gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm an ninh, an toàn trên biển; Phát triển các hành lang, vành đai kinh tế, kết nối với các vùng trong nước và khu vực; Hoàn thiện thể chế phân quyền, phân cấp giữa T.Ư và địa phương, vừa đảm bảo tập trung thống nhất của nền kinh tế vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương...

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt tại Diễn đàn.

Bỏ kiểu “mạnh ai nấy chạy”!

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các địa phương miền Trung có tiềm năng lợi thế giống nhau, triển khai theo hàng ngang, không có tỉnh nào giáp 3 tỉnh cả, chỉ sát 2 tỉnh, lợi thế giống nhau, tiềm năng cơ bản giống nhau. Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích lớn hơn. Vì thế, tiềm năng khó phát huy, lợi thế khó phát huy. Tỉnh, thành phố nào cũng có cảng biển đẹp, nhiều khu kinh tế. Lợi thế vùng này không căn cứ vào thế mạnh từng địa phương thì sẽ có xung đột rất lớn. Vấn đề là tư duy phát triển vùng của chúng ta chưa lấn át được tư duy phát triển tỉnh ta. Thậm chí, TS Thiên còn đặt vấn đề, tại sao không có chính quyền vùng?

TS Trần Đình Thiên nói: Du lịch miền Trung “oai” nhất cả nước nhưng nội dung chính chủ yếu đến đi tắm thôi. Chúng ta có gì hơn đi tắm đâu. Du lịch đi tắm, ý của tôi thực tế là phần giá trị gia tăng du lịch của ta rất thấp. Tôi nói luôn, cả nước ta đặt vấn đề rất hay, du lịch là ngành mũi nhọn nhưng tôi hỏi Tổng cục Du lịch mũi nhọn là gì nói được không? Cũng khó nói. Tức là đâm vào cái gì thủng hay là tiên phong dẫn dắt đi đầu? Ta hay nói mũi nhọn nhưng chưa rõ thế nào là mũi nhọn.

Do đó, TS Thiên đề nghị miền Trung du lịch là quan trọng nhất, nên đề xuất lên Trung ương có chương trình xác định để du lịch miền Trung thành mũi nhọn. Có chương trình cho rõ chứ không lờ mờ, mạnh ai nấy làm như bây giờ. Cho phép, tạo điều kiện miền Trung làm đề án lớn tầm cỡ quốc gia, chứ không sẽ lơ mơ về tầm nhìn như bây giờ.

TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Nhóm Tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung nhận định, có nghịch lý xảy ra, duyên hải miền Trung có khả năng thành công ở một tỉnh nhưng không có chuyện khả năng thành công ở 9 tỉnh, thành phố. Tức là 9 tỉnh thì có khả năng 1 tỉnh thành công. TS Du đề xuất, Trung ương phải tạo ra cơ chế vừa hợp tác vừa cạnh tranh, miền Trung chỉ 1 cảng nước sâu là đủ. Vấn đề là 9 tỉnh, thành phố miền Trung phải ngồi lại để chọn ra tỉnh nào có lợi thế nhất. Chứ không để tình trạng địa phương nào cũng muốn sân bay, cảng biển đi ngược lại phát triển!

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Ban điều phối vùng có báo cáo tổng hợp các kiến nghị đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ, Văn phòng Chính phủ sẽ có thông báo ý kiến của Thủ tướng về các vấn đề này. “Phải có kết luận cụ thể và đi vào thực tế chứ họp xong xuôi tất cả lại về thì không có ý nghĩa gì”. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

X.Đ