Báo Công An Đà Nẵng

Đồng bào Bắc miền Trung đang chống chọi với lụt nặng

Thứ bảy, 15/10/2016 18:42

* Hàng chục người chết và mất tích

(Cadn.com.vn) - Đồng bào các tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình và Hà Tĩnh đang phải chống chọi với tình trạng ngập lụt nặng nề trên phạm vi rộng, khiến hàng chục người chết, mất tích, thiệt hại tài sản rất lớn.

Sáng ngày 15- 10, toàn tỉnh Quảng Bình đã bị lũ lớn tấn công, có nơi sắp chạm đỉnh lũ lịch sử. Thiệt hại về người tiếp tục gia tăng. Ít nhất có 12 người chết và mất tích tại Quảng Bình. 7 người chết gồm: Lê Văn Thân (1968, thôn 7, xã Lý Trạch), Nguyễn Gia Bảo (2012, thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch), Hồ Thị Long (2003, bản Rào Con, xã Sơn Trạch, Quảng Trạch), Nguyễn Thị Dương (1939, P.Quảng Long, thị xã Ba Đồn), Võ Thị Lài (1966 tại xã Võ Ninh, H.Quảng Ninh), Hà Xuân Thanh (1992 xã Hàm Ninh, H.Quảng Ninh), Trần Thanh Văn (1976, xã Xuân Thủy, H.Lệ Thủy).

5 người mất tích gồm: ông Thái Xuân Năng (62 tuổi, trú Yên Thọ), Đinh Văn Xưởng (25 tuổi, quê quán xã Hóa Hợp, tạm trú tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa), Phạm Hoàng Phương (2006, thị trấn Hoàn Lão, H.Bố Trạch), Nguyễn Văn Phi, thôn Yên Tố, xã Phong Hoá, H.Tuyên Hóa và 1 người trôi qua xã Thuận Hoá, H.Tuyên Hóa kêu cứu chưa rõ tung tích.

Ngoài ra còn có 9 người bị thương.

Toàn tỉnh Quảng Bình có 26.920 hộ bị ngập, 56 hộ bị tốc mái, tại các địa phương như: Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Trạch, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn.

Nhiều tuyến đường tại TP Đồng Hới vẫn bị ngập như Lê Lợi, Nguyễn Hữu Cảnh, Hai Bà Trưng, Bà Triệu khiến việc lưu thông của người dân tại các khu vực này gặp nhiều khó khăn, dù lượng mưa tại đây hiện đã giảm. Hơn 6.000 nhà dân ở H.Tuyên Hóa bị ngập nước, trong đó có nhiều hộ dân bị cô lập.

Các tuyến Quốc lộ 12A, 12C, 15 và tỉnh lộ 559 qua H.Tuyên Hóa bị chia cắt, không thể lưu thông. Mưa lớn đã làm tê liệt nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch trên địa bàn H.Bố Trạch. Nhiều vùng như xã Liên Trạch; các thôn Cù Lạc, Phong Nha, Hà Lời, Xuân Tiến (xã Sơn Trạch); Thanh Sen, Chày Lập, Phúc Khê (xã Phúc Trạch) bị ngập sâu từ 1m đến 2m. Ngoài ra, tại một số thôn của các xã Trung Trạch, Nhân Trạch, Hưng Trạch… nước ngập dưới 1m. Toàn huyện có 4.500 nhà dân bị ngập, trong đó có 1.500 hộ bị ngập sâu từ 1m đến 2m, 3.000 hộ ngập sâu dưới 1m. Hiện đã có 1.500 hộ được di dời đến nơi an toàn. Gần 2.000 nhà dân tại H.Quảng Trạch bị chìm trong nước lũ với độ ngập từ 1m đến 4m.

Trong khi đó tại Hà Tĩnh, mưa lớn từ ngày 14-10 làm nhiều nơi bị ngập lụt nghiêm trọng. H.Hương Khê được xem là địa phương nặng nhất tính đến thời điểm hiện tại. Tất cả các xã trên địa bàn H.Hương Khê đều bị ngập lụt, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Ông Lê Ngọc Huấn- Chủ tịch UBND H.Hương Khê cho biết, do mưa lớn hơn một ngày qua cộng thêm việc Thủy điện Hố Hô xả lũ đã gây ngập nặng trên nghiều vị trí. Hiện toàn huyện cơ bản đã bị cô lập, trong đó có 8 xã bị cô lập hoàn toàn gồm: Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Phương Mỹ, Phương Điền, Hòa Hải, Hương Thủy và Hương Giang. Ngoài ra, các xã khác cũng đã bị ngập lụt cục bộ.

Tại H.Kỳ Anh, hiện xã Kỳ Thượng đang bị cô lập. Các xã khác như Kỳ Thượng, Kỳ Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Lâm, Kỳ Sơn, Kỳ Tây đã khẩn trương di dời hơn 104 hộ dân tại các vùng nguy hiểm về nơi an toàn. Địa phương đã huy động lực lượng ứng cứu, khơi thông rác cây cối đổ về làm ách tắc dòng chảy. Tại H.Cẩm Xuyên, 6 xã bị ngập nước vào nhà dân gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Quan, Cẩm Lĩnh, Cẩm Vịnh. Thông tin chúng tôi vừa nhận được, tại xã Cẩm Quan có một người vừa bị lũ cuốn trôi là anh Trần Văn Trung (1982, trú ở thôn 6).

TP Hà Tĩnh mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, nhiều phương tiên bị chết máy, di chuyển khó khăn hoặc không thể lưu thông. Các tuyến đường như Lý Tự Trọng, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Biểu, Nguyễn Du... đang bị chìm trong nước lũ. Tại H.Can Lộc, mưa lớn đã gây ngập cục bộ một số vùng. Trước tình hình trên, người dân đã tập trung di chuyển tài sản, vật nuôi đến các vị trí an toàn. Ông Thân Văn Nam- Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc cho biết, trên địa bàn có một vụ tử vong do lũ cuốn trôi. Nạn nhân là anh Thân Văn Thuần (1990, trú tại thôn Chi Lệ). Sau khi giúp nhiều hộ dân dời tài sản, vào khoảng 1 giờ sáng, anh Thuần cùng 2 người khác đi qua cầu Máng giáp địa phận H.Thạch Hà thì bị sảy chân. 2 người đi cùng đã nắm được áo mưa để cứu, nhưng nước lũ quá mạnh cuốn trôi anh Thuần. Hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân xấu số.

Sáng cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã đến kiểm tra tình hình mực nước tại Hồ Kẻ Gỗ. Theo đó, chỉ đạo BQL Hồ Kẻ Gỗ theo dõi sát sao, chủ động tính toán thời điểm, phương án xả lũ hợp lý. Đặc biệt, trước khi xả phải thông báo cho các địa phương vùng hạ du có phương án sơ tán người và tài sản kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cũng đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại H.Hương Khê. Tại Thủy điện Hố Hô, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nhà máy điều tiết xả ở mức tối thiểu cho phép, tránh ngập lụt cho vùng hạ du, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho hồ. Ngay sau khi nhận sự chỉ đạo, căn cứ vào lượng mưa và lượng nước trong hồ, Nhà máy Thủy điện Hố Hô đã cho giảm lưu lượng xả lũ từ 270m3/s xuống còn 150m3/s. Cùng đó, đoàn đã tới thăm và trao mỳ tôm cho các hộ dân bị ngập lụt trên địa bàn.

X.S

Một số hình ảnh ngập lụt tại Quảng Bình và Hà Tĩnh:

Mưa lớn gây ngập tại TP Đồng Hới.
Ngập lụt tại H.Bố Trạch.
Sạt lở đường sắt Bắc-Nam tại H.Tuyên Hóa.

Ngập lụt tại H.Hương Khê (Hà Tĩnh).

Một số điểm tại H.Hương Khê nước đã rút.