Báo Công An Đà Nẵng

Đồng bào Chăm vui đón Lễ hội Katê

Thứ tư, 10/10/2018 09:21

Sáng 9-10, tại tháp Pô klong Girai, P.Đô Vinh (TP  Phan Rang - Tháp Chàm) và tháp Pô Rômê (H.Ninh Phước), đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận tưng bừng tổ chức lễ hội Katê năm 2018. Katê là lễ hội quan trọng nhất trong năm của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Đây là dịp để người Chăm thực hiện lễ nghi cúng kính, tưởng nhớ về tổ tiên, cầu mong các vị thần độ trì, tạo mưa thuận gió hòa cho đồng bào sản xuất, nhà nhà hạnh phúc, ấm no; đồng thời là dịp để đồng bào phô diễn sắc thái văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua đó mang đến cho người dự hội thấy được vẻ đẹp của những điệu múa; những lời ca, tiếng hát hòa với tiếng kèn saranai, tiếng trống paranưng cùng với những ngôi tháp hoang sơ, cổ kính, trang nghiêm. Lễ hội là tấm gương phản chiếu về tín ngưỡng, nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Chăm theo đạo. Bởi trong thời khắc diễn ra lễ hội, mọi người như cảm nhận được sự hội tụ của tất cả tinh hoa, giá trị mỹ thuật của nền văn hóa Chăm để cùng hòa quyện với nền văn hóa của 54 dân tộc anh em trong cả nước, góp phần tô đẹp thêm “vườn hoa văn hóa” của đại gia đình các dân tộc ngày càng thêm phong phú và đa dạng trong thống nhất.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận tặng quà và động viên các gia đình đón Tết vui tươi.

* Bên cạnh các vở múa đương đại “À Ố Show”, “Làng Tôi”, “Sương Sớm” và “Teh Dar” đã để lại tiếng vang trong lòng khán giả Việt Nam và thế giới, tháng 11-2018 tới, tại Trung tâm biểu diễn Lune Hội An, Quảng Nam, Công ty Cổ phần Lune Production cùng các cộng sự tiếp tục giới thiệu đến khán giả trong và ngoài nước vở múa đương đại mới “PALAO” mang đậm nét văn hóa dân tộc Chăm. Đây là thông tin được Ban tổ chức cho biết tại cuộc họp báo giới thiệu vở diễn nghệ thuật mới và chương trình lưu diễn thế giới năm 2019 – 2020, tổ chức chiều 8-10, tại TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nhất Lý, Giám đốc Nghệ thuật và Âm nhạc cho biết: vở diễn tái hiện về cuộc sống văn hóa dân tộc Chăm qua góc nhìn nghệ thuật và âm nhạc đương đại độc đáo. Các nghệ sĩ tham gia vở diễn sẽ vừa múa, hát, vừa chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Chăm. Ngoài ra, khán giả còn nhìn thấy sự xuất hiện của những chiếc chum lớn, nhỏ hiện diện trong chương trình với mọi hình thức và màu trắng đặc trưng của trang phục, khẳng định bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Vở “PALAO” còn là sự tri ân cho những đóng góp của văn hóa dân tộc Chăm trong tổng thể nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam.

G.T
 

Ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Những năm qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, trong đó có đồng bào Chăm. Kết quả mang lại là diện mạo và đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào Chăm trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, thay đổi rõ nét từng ngày, hòa cùng với sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào được duy trì và phát triển; những di tích đền, tháp là di sản quý báu, vô giá của đồng bào được Nhà nước vinh danh, được trùng tu, bảo tồn và phát huy; công tác giáo dục, giải quyết việc làm cho con em đồng bào Chăm trong tỉnh luôn được chăm lo giải quyết chu đáo.

Trải qua thời gian hình thành và phát triển, vào năm 2017, lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Đó là sự đóng góp của văn hóa Chăm và nền văn hóa Việt Nam; là cơ hội để văn hóa Chăm, văn hóa Ninh Thuận quảng bá hình ảnh của mình với các nước.

C.T