Báo Công An Đà Nẵng

Đồng bào miền cao hướng về biển đảo

Thứ sáu, 30/05/2014 08:40

(Cadn.com.vn) - Cùng với người dân cả nước, những ngày qua, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, cộng đồng người Việt gốc Hoa đang sinh sống ở Đắc Nông và đồng bào Cơ Tu sống tại vùng rẻo cao Quảng Nam nói riêng đã kịch liệt phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa các loại tàu thuyền vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Người Việt gốc Hoa không chấp nhận hành động ngang ngược của Trung Quốc

Những ngày này, tại địa bàn H. Đắc R'lấp (tỉnh Đắc Nông), nơi có 674 hộ với 3.019 khẩu người Việt gốc Hoa đang sinh sống và làm việc, đâu đâu cũng thấy bà con bàn luận về vấn đề nóng bỏng đang xảy ra ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Thống Xướng Gì (80 tuổi), đã có thời gian sinh sống trên địa bàn xã Đắc Ru, H. Đắc R'lấp hơn 20 năm. Mặc dù rất bận rộn với công việc nương rẫy, nhưng ngày nào ông và gia đình cũng chờ đợi 12 giờ trưa và 7 giờ tối để theo dõi thời sự trên tivi về tình hình biển Đông.

Ông vô cùng bức xúc trước việc làm của Chính phủ Trung Quốc và cho rằng, đây là việc làm không thể chấp nhận được, hành động hạ đặt giàn khoan cho thấy Trung Quốc không thực hiện đúng các cam kết mà lãnh đạo giữa hai nước đã thống nhất. "Nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng hòa bình và kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Chúng tôi đang sinh sống trên mảnh đất hòa bình cùng các dân tộc Việt Nam, chúng tôi đề cao sự hòa bình và đề nghị Chính phủ Trung Quốc kiềm chế mọi hành động gây tổn hại đến tình hữu nghị giữa hai nước và rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 cũng như các loại tàu thuyền hộ tống giàn khoan để khỏi ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam", ông Thống Xướng Gì nói.

CAH Đắc R'lấp thăm hỏi, động viên người Việt gốc Hoa trên địa bàn
yên tâm lao động, sản xuất.

Các anh Cháu Chủ Sáng và Dương Phát Đường ở thôn Tân Lợi, xã Đắc Ru tâm sự: "Chúng tôi cũng như toàn thể người Hoa trên địa bàn đang rất lo ngại tình hình tại biển Đông, nhất là sau khi sự việc tàu Trung Quốc làm chìm tàu của ngư dân đánh cá Việt Nam, đồng thời làm bị thương một số kiểm ngư đã tạo nên sự phản ứng mạnh mẽ ở trong nước và dư luận quốc tế. Chúng tôi đề nghị Trung Quốc sớm rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam để bà con chúng tôi yên tâm sinh sống, lao động sản xuất trong hòa bình", anh Dương Phát Đường nêu chính kiến.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Đắc Ru (H. Đắc R'lấp), trên địa bàn xã hiện có 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu người Việt gốc Hoa đang sinh sống và làm ăn, đoàn kết, gắn bó với các dân tộc anh em. Yêu chuộng hòa bình, nên cộng đồng người Hoa ở Đắc Nông mong muốn hai nước giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Trong các nhà Gươl, nhiều người dân vẫn theo dõi, nắm thông tin
diễn biến tình hình biển Đông.

Nguời Cơ Tu chung tay giữ vững biển đảo

Với người dân Cơ Tu vùng biên giới Tây Giang (Quảng Nam) biển đảo là nơi xa vời vợi, mới lạ hoàn toàn. Nhiều người vẫn chưa có dịp đứng trước biển cả bao la, vậy nhưng bây giờ, trong câu chuyện hàng ngày, đề tài biển đảo lại là nội dung chính, được đề cập mọi lúc mọi nơi.  Khác với những người hàng xóm, Bhơriu Pố là người may mắn nhất của làng Arấh, xã Lăng (Tây Giang) khi từng đến với biển đảo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, những ngày ra Bắc học tập. "Đồng bào Cơ Tu nhiều người chưa biết biển đảo là gì, nó như thế nào, nhưng qua mọi thông tin gần đây, thì họ đã biết biển đảo là thế nào. Bởi thế, người dân nơi đây hàng ngày vẫn dõi theo tin tức về biển đảo, mọi người đều căm phẫn trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm biển đảo chúng ta. Người Cơ Tu ở đây không chỉ giữ rừng cho quốc gia, cho thế hệ sau này, mà giờ đây cũng phải chung tay giữ vững biển đảo của Việt Nam", Bhơriu Pố chia sẻ.

Ở Tây Giang, đa phần người dân đều sinh ra và lớn lên gắn liền với núi rừng trùng điệp. Những ngày qua, tại các quán cóc, quán cà-phê vào mỗi buổi sáng hay buổi chiều, ngay cả trong mái Gươl (nhà rông) cũng thường xuyên diễn ra các buổi nói chuyện, bày tỏ chính kiến phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam. Già làng Cơlâu Nâm ở xã Lăng năm nay đã hơn 70 tuổi, từng lặn lội trong chiến trường chống Mỹ ác liệt cũng không khỏi bức xúc khi được đề cập đến vấn đề biển Đông hiện nay: "Mình với Trung Quốc đã có quan hệ tốt đẹp nhiều năm với nhau, cùng nhau thực hiện tốt 16 chữ vàng, nhưng nay Trung Quốc lại đi ngược mọi ước muốn của dân tộc hai nước, già cũng thấy buồn lắm. Đâu phải sự tranh giành mọi thứ đều mang lại tốt đẹp cho nhau đâu?".

Hồng Long - Bhơriu Quân