Báo Công An Đà Nẵng

Đồng bào miền núi thoát nghèo nhờ nuôi heo bản địa

Thứ năm, 26/10/2023 08:56
Người dân miền núi huyện Nam Giang đang phát triển mô hình nuôi heo bản địa để từng bước thoát nghèo.

Mô hình nuôi heo bản địa liên kết theo chuỗi giá trị của Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp A Liêng (xã Tà Bhing, H. Nam Giang) đang hoạt động hiệu quả, thu lợi nhuận cao. HTX có 15 thành viên, phần lớn là hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại xã. Đây là mô hình được hỗ trợ triển khai theo Chương trình Nghị quyết số 17/2019 của HĐND tỉnh Quảng Nam về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh này. Theo chương trình, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 420 triệu đồng từ ngân sách địa phương để HTX đầu tư con giống, thức ăn và tập huấn kỹ thuật cho các thành viên. Ngoài ra, nguồn kinh phí xây dựng chuồng trại, hạ tầng giao thông được huyện Nam Giang trích ngân sách huyện hỗ trợ thực hiện.

Dẫn chúng tôi đến xem đàn heo đang phát triển khỏe mạnh, anh Bríu Chéo - Tổ trưởng tổ sản xuất HTX nông lâm nghiệp A Liêng phấn khởi chia sẻ, tháng 10-2022, mô hình được hoàn thành với kinh phí đầu tư hơn 900 triệu đồng trên diện tích khoảng 3.000m2, quy mô 120 con heo giống bản địa với hình thức nuôi bán chăn thả. Sau 1 năm triển khai mô hình, đàn heo phát triển tốt, sinh sản nhanh, số lượng heo giống và heo thịt xuất bán đều đặn với doanh thu mỗi năm trên 300 triệu đồng.

Theo anh Chéo, heo bản địa có sức đề kháng tốt nên rất ít khi bị nhiễm bệnh và có giá trị kinh tế cao. Từ lúc thả nuôi đến nay, đàn heo chưa bị ảnh hưởng của các loại bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi hay dịch tai xanh. Loại heo này dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc. Mỗi tuần chỉ cần 2 thành viên cho ăn, vệ sinh chuồng trại. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhiều thành viên trong tổ cũng đã đưa heo giống về nhà nuôi, tạo ra nguồn thu nhập cao và cuộc sống đang dần ổn định.

"Thức ăn của heo nuôi tại HTX chủ yếu là cây chuối rừng, bã bia, hoàn toàn không có thức ăn công nghiệp nên chi phí đầu vào thấp. Thức ăn tự nhiên nên thịt heo thơm, ngon nên có giá trị thương phẩm cao. Sau 6 tháng nuôi, heo đạt trọng lượng khoảng 30kg sẽ xuất bán. Với giá trên thị trường dao động từ 120 - 150 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi con heo bán ra sau khi trừ chi phí, HTX lãi từ 1,6 đến 2,5 triệu đồng. Với số lượng heo trong mô hình cùng với các hộ liên kết sản xuất bây giờ không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Chúng tôi dự tính sẽ tiếp tục mở rộng thêm nhiều hộ liên kết để phát triển số lượng heo bản địa cung ứng ra thị trường, cùng giúp nhau thoát nghèo", anh Chéo tâm sự.

Hiện nay, HTX nông nghiệp A Liêng đang liên kết sản xuất với 10 hộ chăn nuôi khác trong xã phát triển chuỗi liên kết sản xuất. Các hộ dân tham gia sẽ được mua heo giống với giá rẻ, được HTX bao tiêu đầu ra từ heo giống đến heo thịt theo giá thị trường. Đồng thời, các thành viên trong tổ sản xuất cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo chăn nuôi hiệu quả, an toàn.

Từ 5 con heo giống, sau 1 năm chăn nuôi hiện số lượng đàn heo của anh Bríu Hương (trú xã Tà Bhing) đã tăng lên 35 con. Anh Hương vui mừng chia sẻ: "Được HTX hỗ trợ mua heo giống giá rẻ, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, đàn heo sinh sản nhiều và nhanh lớn. Tôi vừa xuất bán 12 con heo thu hơn 20 triệu đồng. Số tiền này, tôi mua sắm đồ đạc trong nhà đầu tư thức ăn để tiếp tục mở rộng đàn heo để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống".

Ông Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho hay, ngoài việc HTX chủ động tìm thị trường tiêu thị sản phảm thì Phòng cũng kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu để hỗ trợ cho người chăn nuôi ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Phòng đang hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP heo cỏ địa phương trong tương lai. Điều này không chỉ nâng tầm được thương hiệu mà còn gia tăng giá trị, từng bước giúp các hộ dân tham gia mô hình liên kết chăn nuôi thoát nghèo, từng bước ổn định kinh tế. Bên cạnh đó, việc phát triển mô hình nuôi heo bản địa còn góp phần bảo tồn được nguồn gen quý của giống heo bản địa.

LÊ VƯƠNG