Báo Công An Đà Nẵng

Đồng bào vùng lũ vẫn chồng chất khó khăn

Thứ ba, 18/10/2016 08:02

(Cadn.com.vn) - “Rốn lũ” Hương Khê (Hà Tĩnh) ngày 17- 10 bắt đầu “hạ độ cao”, tuy nhiên, ở các vùng thấp trũng như Phương Mỹ, Phương Điền... vẫn còn ngập khá nặng. Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác và lãnh đạo chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt tại H.Hương Khê.

Đoàn Bộ NN&PTNT trao quà tại H.Hương Khê (Hà Tĩnh). 

Ghi tại “rốn lũ” Hương Khê

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tinh thần chủ động của các cấp chính quyền và nhân dân Hương Khê. Mặc dù bị ngập sâu, chia cắt nhiều ngày nhưng vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối về người. Cùng đó, Bộ trưởng và đoàn công tác đã về xã Phương Mỹ để động viên thăm hỏi và trao quà cứu trợ cho người dân nơi đây. Nhận món quà nhỏ từ Đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Chín (1943) xúc động nói: “Lúc này đây, người dân cần hơn hết là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ngành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhân dân vùng lũ chúng tôi vô cùng cảm ơn những món quà, cho dù đó chỉ là một gói mỳ tôm. Cảm ơn đảng, cảm ơn chính phủ và các cấp chính quyền đã không để mặc dân bơi trong lũ”.

Cũng tại “rốn lũ” Hương Khê, với phương châm nước rút đến đâu vệ sinh đến đó, H. Hương Khê đã huy động toàn lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bước đầu và tiếp tục triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống thiên tai... Trong ngày, hơn 300 CBCS BĐBP Hà Tĩnh, Đồn BP Phú Gia, Đồn BP Bản Giàng, ĐVTN huyện cùng bà con nhân dân đã tập trung đến các điểm trường: Mầm non Hương Đô (xã Hương Đô), Mầm non Hương Phúc, Tiểu học Hương Phúc (xã Hương Trạch), Mầm non Lộc Yên (xã Lộc Yên) vét bùn, lau rửa bàn ghế, đồ dùng phục vụ công tác dạy học... Đây là những địa phương bị cô lập trong những ngày mưa lũ  vừa qua.

Phương Mỹ, Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn đang bị lũ bao vây. 

Tại các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, huyện và nhóm Thiện nguyện cũng đã kêu gọi quyên góp và trực tiếp về các địa phương chi viện một số nhu yếu phẩm cần thiết như mỳ tôm, nước lọc, áo... cho bà con. Đã có hơn 1.000 thùng mỳ tôm, 100 áo phông, 200 chai nước lọc cùng các nhu yếu phẩm như nước mắm, dầu ăn, lương khô... chuyển đến tận tay người dân các xã. Lực lượng QK4 cũng đã chuyển qua UBMTTQ huyện 2 tấn mỳ tôm, 2 tấn lương khô, 4.000 chai nước khoáng, 1.000 cuốn vở để kịp thời chuyển tới tận tay người dân.

Hương Khê là huyện bị ảnh hưởng lũ nặng nhất, có 7.239 hộ dân, 4 trạm y tế, 7.226 giếng nước và 7.239 công trình vệ sinh bị ngập. Ngay sau khi nước rút, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã trực tiếp xuống nhà dân kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước để sinh hoạt. Anh Nguyễn Văn Hùng, trú Hương Đô cho biết: Lũ lên rất nhanh không kịp bịt miệng giếng nên nước lũ tràn vào. Mấy ngày nay đa số người dân phải sử dụng nước dự trữ; có nhà hết nên phải đi xin từng ca về nấu ăn. Ngay sau khi nước rút, cán bộ y tế xã đã đến hướng dẫn khử khuẩn, hiện bà con đã sử dụng được nước.”

Được biết, không chỉ Hương Khê, các huyện khác cũng tập trung công tác xử lý nguồn nước cho người dân. Tại Thạch Hà có 24 xã bị ngập lụt, trong đó có 10 xã bị ngập nặng. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cấp cho các xã 52.000 viên Cloramin B, 30kg Cloramin B 25%; cử cán bộ xuống giúp dân xử lý nguồn nước và phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết, tiêu độc vệ sinh môi trường. Theo báo cáo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh, trong đợt lũ vừa qua toàn tỉnh có 24 trạm y tế xã, 12.914 giếng nước, 11.659 công trình vệ sinh bị ngập.

Bản của đồng bào Rục còn ngập sâu

Tại Quảng Bình, ngày 17- 10, đường vào các bản của  đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, H.Minh Hóa vẫn còn ngập sâu, chưa thể thông tuyến. Tuy nhiên, chính quyền H.Minh Hóa quyết tâm điều động phương tiện, lực lượng vượt qua khó khăn vận chuyển gạo cứu đói kịp thời đến từng hộ đồng bào. Đồn BP Cà Xèng- BĐBP Quảng Bình cũng linh hoạt mở kho dự trữ lương thực, mì tôm cấp phát cho các hộ dân bị ảnh hưởng, không để nhân dân bị đói trong khi bị nước lũ cô lập đồng thời cắt cử CBCS bám bản, ngăn cấm không cho nhân dân ra vớt gỗ, củi trong dòng nước lũ, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trưa cùng ngày, lực lượng quân sự xã Dân Hóa đã tìm thấy thi thể của nạn nhân Đinh Văn Thưởng (25 tuổi, quê ở xã Hóa Hợp, tạm trú bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa) tại bản Ốc, xã Dân Hóa cách vị trí bị cuốn trôi khoảng 5km. Được biết nạn nhân Thưởng gặp nạn khi đang bơi qua ngầm tràn Ka Ai để đưa một sản phụ vừa sinh con về. Trưa cùng ngày, thi thể nạn nhân Thái Xuân Năng (62 tuổi, trú xã Tân Hóa, H.Minh Hóa) cũng đã được tìm thấy, cách nơi bị lũ cuốn trôi 1km vào ngày 14-10.

Lực lượng vũ trang giúp dân thu dọn bùn đất tại xã Tân Hóa, H. Minh Hóa (Quảng Bình).

Có mặt tại thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa, chị Nguyễn Thị Dương cho biết, “Nhà ngập 4 ngày giờ toàn bùn lầy phải dọn dẹp để đảm bảo vệ sinh vào ở. Niềm vui nước rút thì có nhưng ngày mai không biết sống ra sao...”. Được biết, cuộc sống của gần 700 hộ dân tại xã Tân Hóa chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi nhưng giờ đây mọi thứ đã mất sạch. Thực phẩm hiện tại đang phụ thuộc vào những chuyến hàng cứu trợ từ Nhà nước cũng như các hội từ thiện. Bà Nguyễn Thị Đông cho biết, mấy hôm nay 6 người trong nhà đang phải sống nhờ những gói mỳ tôm của xã hỗ trợ. Những ngày tiếp theo cũng đang trông chờ vào đó vì gạo đã ướt hết không thể ăn.

Đến 12 giờ trưa, nước lũ bắt đầu rút dần khỏi xã Tân Hóa. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình vùng bán sơn địa, các nẻo đường chính vào trung tâm xã vẫn đang bị nước lũ chia cắt. Phương tiện duy nhất để người dân địa phương “liên lạc” với bên ngoài là một vài chiếc xuồng của chính quyền địa phương.

 CATX Ba Đồn (Quảng Bình) dọn vệ sinh công cộng trên địa bàn.

Do nước rút chậm, nhiều điểm vẫn bị ngập lụt nên sáng 17- 10, học sinh nhiều điểm trường tại Tân Hóa (Minh Hóa) các xã vùng trũng Lệ Thủy, các xã vùng nam TX Ba Đồn vẫn chưa thể đến trường. Hiện các đơn vị vũ trang trên địa bàn cùng nhiều đoàn thể đang nỗ lực hỗ trợ các trường dọn dẹp vệ sinh, bùn đất sau lũ việc dạy và học sớm trở lại. Trước khó khăn chồng chất mà người dân vùng lũ Quảng Bình đang đối mặt, nhiều đơn vị, địa phương tổ chức, cá nhân, DN trong cả nước đang hướng về Quảng Bình cứu trợ, giúp sức.

Đường sắt Bắc - Nam qua tỉnh Quảng Bình đã thông trở lại

Vào 15 giờ 30 ngày 17-10, đường sắt Bắc-Nam đoạn qua tỉnh Quảng Bình đã chính thức được thông tuyến trở lại sau nhiều ngày bị phong tỏa do hậu quả từ trận lũ lụt vừa qua. Để thông tuyến nhanh và kịp thời, những ngày qua, lực lượng ngành đường sắt đã làm việc với cường độ cao, liên tục 24 giờ mỗi ngày.Trận lũ lụt ngày15-10 vừa qua đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với đoạn đường sắt Bắc-Nam qua tỉnh Quảng Bình; có 4 chuyến tàu phải đỗ lại dọc đường trên địa bàn tỉnh Quảng Bình với hàng trăm hành khách ở trên. Sau đó, ngành đường sắt đã tăng bo, vận chuyển bằng các loại phương tiện khác, đưa số hành khách mắc kẹt này ra khỏi vùng bị cô lập, tiếp tục hành trình.

P.V

Nhóm PV Thời sự