Báo Công An Đà Nẵng

Đồng bào vùng sạt lở núi sẽ có nhà ở mới trước Tết Nguyên đán

Thứ hai, 18/01/2021 20:30

Sau các trận bão lũ năm 2020, tỉnh Quảng Nam có gần 45 nghìn ngôi nhà bị hư hại, cần được sửa chữa, trong đó có 740 nhà hư hại hoàn toàn, 1.524 nhà bị thiệt hại nặng từ 50-70%. Với quyết tâm không để người dân sống trong cảnh “màn trời chiếu đất,” ngay sau khi thiên tai đi qua, tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương vào cuộc, làm nhà ở tạm cho bà con, nhất là người dân ở vùng sạt lở núi, đồng bào các dân tộc thiểu số.

Người dân thôn 1, xã Trà Leng phải ở trong các lều dựng tạm sau khi xảy ra mưa lũ, sạt lở.

Tỉnh Quảng Nam đã chi khẩn cấp hơn 112 tỷ đồng để các địa phương, cơ quan, đơn vị khắc phục thiệt hại do mưa lũ. Riêng với nhà ở, những khu vực sạt lở núi, vùng có nguy cơ sạt lở núi cao, các địa phương đã chọn địa điểm khác để xây dựng các khu tái định cư và đang khẩn trương làm nhà ở mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam Nguyễn Phi Hùng cho biết, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các địa phương, đơn vị, các nhà hảo tâm trong cả nước đã đăng ký ủng hộ số tiền trên 130 tỷ đồng để giúp đồng bào vùng bị thiên tai khắc phục khó khăn, sớm ổn định đời sống, làm mới và sửa chữa nhà ở bị hư hỏng, khôi phục sản xuất.

Đến nay, số tiền đã được chuyển vào tài khoản của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam là hơn 103 tỷ đồng. Với số tiền này, Ủy ban đã phân bổ 57 tỷ đồng đến các địa phương để giúp bà con khắc phục thiệt hại sau thiên tai. Trong đó, hỗ trợ gần 23 tỷ đồng xây dựng 572 nhà ở mới, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà; hỗ trợ hơn 25,7 tỷ đồng sửa chữa gần 2.400 ngôi nhà, mức hỗ trợ bình quân 11 triệu đồng/nhà. Riêng đối với các hộ dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi có nhà ở bị sập hoàn toàn do sạt lở núi, bên cạnh việc chọn khu tái định cư an toàn, các địa phương đang khẩn trương xây dựng nhà và các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu để bà con có nhà ở mới trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nhất do thiên tai gây ra, Chủ tịch UBND H. Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) Trần Duy Dũng cho biết sau các trận bão và mưa lũ lớn gây sạt lở nặng vào tháng 10-2020, H. Nam Trà My có 19 người chết, 13 người mất tích và 33 người bị thương nặng; trong đó, riêng tại xã Trà Leng có 10 người chết, 20 người bị thương và hiện còn 13 người mất tích, 95 ngôi nhà của đồng bào bị sụp đổ, vùi lấp, nước cuốn trôi.

Hiện công tác tìm kiếm những người mất tích vẫn được huyện tiếp tục. Hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã, công trình nước sạch bị hư hại nặng, hàng nghìn ha cây trồng bị hư hại, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương đơn vị, đồng bào cả nước và của tỉnh Quảng Nam, đời sống của bà con hiện dần ổn định, sản xuất đã được khôi phục.

Hiện tại, bên cạnh việc tìm kiếm những người mất tích, công tác ổn định chỗ ở và tạo sinh kế mới cho bà con được thực hiện một cách quyết liệt. H. Nam Trà My đã tìm được quỹ đất rộng 6 ha, khá bằng phẳng, tại thôn 2 xã Trà Dơn, cách UBND xã Trà Leng khoảng 800 mét và không xa làng cũ bị núi sạt lở vùi lấp để xây dựng khu tái định cư cho bà con.

Theo đó, khu vực này sẽ phân 80 lô đất, diện tích 200 mét vuông/lô. Trước mắt, huyện sẽ hỗ trợ kinh phí để làm nhà cho 51 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 xã Trà Leng đến tái định cư trước Tết Nguyên đán Tân Sửu với mức 150 triệu đồng/căn nhà, các hạng mục hạ tầng thiết yếu khác đang được khẩn trương thi công. Ngoài xã Trà Leng, hàng chục nhà ở của đồng bào các xã khác trong vùng sạt lở của H. Nam Trà My gồm Trà Vân, Trà Mai cũng đang được các địa phương khẩn trương xây dựng, đảm bảo chỗ ở cho đồng bào.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, cùng với việc tích cực tìm kiếm những người còn mất tích, việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho đồng bào ở những vùng sạt lở núi, vùng lũ quét, đảm bảo cho bà con có điều kiện đón Xuân vui Tết đang được các địa phương, đơn vị, các nhà hảo tâm trong cả nước tiếp tục thực hiện.

Tại các xã sạt lở nặng như Trà Leng, Trà Vân (H. Nam Trà My) và các xã Phước Thành, Phước Lộc (H. Phước Sơn), chính quyền địa phương đã tìm kiếm quỹ đất thích hợp để bố trí chỗ ở ổn định lâu dài cho đồng bào. Với quyết tâm không để người dân phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, ngay sau khi mưa bão vừa dứt, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương sửa chữa lại, lợp lại mái nhà đối với những nhà bị hư hại một phần để bà con có chỗ ở. Những hộ có nhà bị sập hoàn toàn, bị hư hại nặng thì bố trí ở ghép với người thân, với họ hàng xung quanh để bà con có chỗ ở tạm thời.

Về lâu dài, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương, các ngành chức năng khẩn trương tìm kiếm quỹ đất, lên kế hoạch để sớm làm lại nhà ở vững chắc cho đồng bào. Hiện tại, ở những vùng sạt lở núi nặng, các địa phương đang khẩn trương làm mới và sửa chữa nhà, cố gắng hoàn thành trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 cho đồng bào, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh nêu quyết tâm. Thiệt hại do thiên tai gây ra là không nhỏ và phải mất một thời gian dài mới khắc phục được. Tuy nhiên, với sự vào cuộc một cách quyết liệt, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cuộc sống của đồng bào ở vùng sạt lở núi Quảng Nam đang dần ổn định.

H.T