Động cơ sau việc Al-Nusra tách khỏi Al-Qaeda
(Cadn.com.vn) - Trong đoạn băng phát sóng hôm 28-7, Mặt trận Al-Nusra, một trong những nhóm thánh chiến ngày càng mạnh ở Syria, vừa tuyên bố tách khỏi mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda và "bất kỳ thực thể bên ngoài nào khác", đồng thời đổi tên thành Jabhat al-Fateh Sham. Tại sao nhóm này lại làm như vậy?
Chỉ tập trung vào Syria
Kể từ năm 2012, Al-Nusra là một trong những nhóm khủng bố lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong cuộc xung đột Syria. Hàng ngũ lãnh đạo của nhóm từ lâu muốn thống trị Syria, do đó nhóm có xu hướng tập trung vào việc lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad hơn là nhắm tới các mục tiêu quốc tế.
Đây là một phần lý do tại sao Al-Nusra không công nhận Tổ chức Hồi giáo IS dù nhóm khủng bố này muốn hợp nhất nhóm vào năm 2013. Trái ngược với các nhóm khủng bố quốc tế muốn đe dọa các quốc gia phương Tây và Trung Đông, việc theo đuổi mục tiêu chính là Syria đã biến Al-Nusra trở thành một nhóm khủng bố đáng gờm tại nước này. Nhờ đó, Al-Nusra đã thu hút sự ủng hộ đáng kể từ những nước muốn khai thác sức mạnh của nhóm để chống lại ông Assad. Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu được cho là hỗ trợ và tìm cách thuyết phục nhóm rời bỏ Al-Qaeda.
Al-Nusra là một trong những nhóm khủng bố mạnh nhất Syria. Ảnh: BBC |
Sức hấp dẫn rộng hơn
Al-Nusra sẽ nhận được sự ủng hộ rộng lớn hơn, cả trong nước và quốc tế, với động thái tách nhóm này.
Nếu không được "gắn thẻ" Al-Qaeda và có một cái tên mới, Al-Nusra hy vọng sẽ xóa dần những ký ức về hành động tàn bạo trước đây và làm lại từ đầu. Tuy không có lý do để hy vọng rằng nhóm sẽ thay đổi chiến thuật hoặc các mục tiêu chiến lược vốn giúp Al-Nusra nổi tiếng là khủng bố nguy hiểm, song việc tách khỏi Al-Qaeda có thể giúp nhóm được ủng hộ nhiều hơn.
Nhóm tìm cách tránh xóa bỏ liên kết với Al-Qaeda với hy vọng loại khỏi danh sách các mục tiêu cần tiêu diệt của Mỹ và các cuộc tấn công của Nga. Thực tế, Al-Nusra sẽ không thay đổi mục tiêu tấn công. Với việc Al-Nusra cam kết sẽ tiếp tục các cuộc thánh chiến tại Syria, nhóm sẽ sử dụng các cuộc không kích trong tương lai để "chứng minh" rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế đang tìm cách bảo vệ chính phủ Assad tại Damascus.
Thu hút các nhóm nhỏ
Đối tượng chính mà Al-Nusra nhắm đến trong lần tách nhóm và thay đổi tên gọi này là các nhóm nổi dậy khác tại Syria, vốn từ lâu còn ngần ngừ trong việc liên kết với Al-Nusra. Nhiều nhóm không đồng ý với cách tiếp cận tư tưởng cực đoạn của Al-Qaeda, nhưng cuối cùng cũng nhận ra rằng đó là một đối tác quan trọng. Với việc không liên kết với Al-Qaeda nữa, Al-Nusra đang muốn củng cố vị trí của mình trong mắt các nhóm đối lập tại Syria. Tuy nhiên, không có bất kỳ bằng chứng cho thấy Al-Nusra thực sự muốn từ bỏ chính sách cực đoan. Việc ủng hộ Al-Nusra trong ngắn hạn có thể giúp các nhóm này có thêm kinh phí, vũ khí... Nhưng về lâu dài, Al-Nusra sẽ thành lập một Nhà nước Hồi giáo Sunni.
Thủ lĩnh Al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, đã cho phép Al-Nusra tách ra khỏi nhóm nếu thấy cần thiết để bảo toàn được sự thống nhất và tiếp tục cuộc chiến ở Syria. Điều này củng cố quan điểm cho rằng việc Al-Nusra muốn tách nhóm không phải là sự cố "trên đường đến Damascus" mà Al-Qaeda vấp phải. Nhóm khủng bố này chỉ đơn giản là muốn phát triển các nhóm mang tính tập trung hơn. Nếu Al-Nusra có thể sử dụng việc đổi tên này để tập họp được thêm các nhóm nhỏ, Al-Qaeda sẽ nhân rộng mô hình này đối với các nhánh khác của nhóm.
An Bình
(Theo BBC)